TP.HCM đã tiêm hơn 11.000 mũi 3 và liều vaccine bổ sung

TP.HCM đang triển khai tiêm chủng liều vaccine tăng cường, mũi 3 cho người dân thuộc nhóm nguy cơ cao.

Thông tin trên được ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), nói trong buổi họp báo cung cấp tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP.HCM, chiều 13/12.

Người dân vẫn còn tâm lý sợ tiêm vaccine

Lãnh đạo HCDC cho biết tính đến ngày 13/12, toàn thành phố đã tiêm hơn 14,8 triệu liều vaccine phòng Covid-19 cho người dân.

Trong đó, liều bổ sung được tiêm cho 4.448 người thuộc nhóm suy giảm miễn dịch và 7.370 mũi vaccine tăng cường (mũi 3) cho tuyến đầu chống dịch.

Thông tin về tiến độ chiến dịch bảo vệ những người thuộc nhóm nguy cơ và số lượng F0 được phát hiện trong nhóm nguy cơ, ông Tâm cho biết các địa phương chưa hoàn thành việc lập danh sách người trên 65 tuổi, có bệnh nền.

Một số địa phương đạt tiến độ nhanh hơn dự kiến và cũng có phát hiện ra các trường hợp F0 trong nhóm nguy cơ cao.

Tại buổi họp báo, ông Hoàng Tùng, chủ tịch UBND TP Thủ Đức, cho biết: "Trên 60% ca tử vong tại địa bàn đều chưa tiêm vaccine, kể cả người có bệnh nền hoặc chưa bệnh nền. Nếu không tiêm, có thể tỷ lệ tử vong sẽ còn cao hơn".

 Số bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM tăng trở lại từ đầu tháng 12. Ảnh: Duy Hiệu.

Số bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM tăng trở lại từ đầu tháng 12. Ảnh: Duy Hiệu.

Theo ông, đây là vấn đề đáng lưu tâm bởi tiêm vaccine là giải pháp bảo vệ chính mình trước đại dịch. Tuy nhiên, nhiều gia đình có cha mẹ, ông bà lớn tuổi, kèm bệnh nền nghiêm trọng nhưng có tâm lý sợ tiêm vaccine sẽ gây biến chứng nguy hiểm.

Vị lãnh đạo này đề xuất ngành y tế nên cập nhật hàng ngày số liệu ca tử vong là các trường hợp không tiêm vaccine.

"Chúng tôi trực tiếp đi vận động người dân tiêm vaccine và công tác này còn rất khó khăn, thậm chí nhiều gia đình chấp nhận ký giấy đồng ý không tiêm vaccine", Chủ tịch UBND TP Thủ Đức nói.

Vì vậy, bên cạnh trạm y tế, trạm y tế lưu động, địa phương còn chủ trương chia nhỏ trạm y tế theo từng khu phố để quản lý F0 phát sinh trên địa bàn.

Tính đến nay, địa bàn thành phố có khoảng 202 tổ y tế khu phố. Tổ y tế này cùng tổ Covid cộng đồng có nhiệm vụ chăm sóc lo an sinh - xã hội khi F0 cần cung ứng lương thực thực phẩm. Thành phần tham gia tổ y tế khu phố gồm quân sự địa phương, đoàn thanh niên, hội chữ thập đỏ, nhân lực y tế tư nhân, các bệnh viện trên địa bàn.

Trước đó, tại buổi họp báo cung cấp thông tin tình hình dịch Covid-19 ngày 9/12, bà Đỗ Thị Trúc Mai, Phó chủ tịch UBND quận 4, cũng nêu thực trạng này.

Theo bà Trúc Mai, một phần nguyên nhân khiến quận 4 trở thành vùng cam (cấp độ 3, nguy cơ cao) là địa bàn quận 4 nhỏ, có nhiều xóm lao động, hẻm nhỏ chằng chịt. Việc giao lưu thường xuyên đã khiến dịch bệnh gia tăng.

Nguyên nhân khác khiến dịch trên địa bàn gia tăng theo bà Mai là nhiều người chủ quan sau khi đã tiêm 2 mũi vaccine và khỏi bệnh.

"Hiện nay, rất nhiều người dân chủ quan, họ cho rằng đã tiêm đủ liều vaccine hay từng là F0 thì sẽ miễn nhiễm với Covid-19, nên việc giao lưu trong cộng đồng diễn ra rộng hơn", bà Trúc Mai nói.

TP.HCM tăng cường bảo vệ người nguy cơ cao

Theo Chánh văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai, TP.HCM đang triển khai chiến dịch bảo vệ, chăm sóc người thuộc nhóm nguy cơ (người trên 65 tuổi, người có bệnh nền). Mục tiêu là hạn chế thấp nhất tỷ lệ mắc và tử vong do Covid-19.

"Chiến lược bảo vệ người nguy cơ cao ở TP.HCM được đánh giá là đúng đắn, quan trọng bởi chiến lược này giúp ngành y tế tìm được đối tượng nguy cơ cao, người yếu thế trong xã hội và bảo vệ được nhóm nguy cơ này", bà Mai nói thêm.

Theo bà Mai, chiến lược bảo vệ người nguy cơ cao ở TP.HCM được thực hiện với 6 nội dung gồm:

- Rà soát người nguy cơ cao theo từng hộ gia đình.

- Xác định F0 ở nhóm nguy cơ cao.

- Bảo vệ người nguy cơ cao.

- Tổ chức tiêm vaccine tại nhà.

- Cấp thuốc kháng virus Molnupiravir.

- Chăm sóc sức khỏe từ xa.

Về số lượng người nguy cơ cao được ghi nhận và tỷ lệ F0 phát hiện trong số này, bà Mai cho biết hiện các quận, huyện chưa thống kê xong nên chưa thông tin số liệu chính xác.

"Tỷ lệ phát hiện F0 qua test nhanh bao nhiêu không quan trọng. Điều quan trọng là rà soát và tìm ra được người F0 trong gia đình có nguy cơ cao, chăm sóc và can thiệp bằng sử dụng thuốc, mạng lưới thầy thuốc đồng hành, nếu F0 có nguy cơ chuyển nặng thì lập tức chuyển đến bệnh viện", bà Mai nói.

 TP.HCM tổ chức tiêm vaccine mũi nhắc lại (mũi 3) cho lực lượng tuyến đầu chống dịch. Ảnh: Duy Hiệu.

TP.HCM tổ chức tiêm vaccine mũi nhắc lại (mũi 3) cho lực lượng tuyến đầu chống dịch. Ảnh: Duy Hiệu.

Theo Sở Y tế TP.HCM, kết quả phân tích các trường hợp tử vong do Covid-19 trên địa bàn thành phố trong thời gian qua cho thấy phần lớn tập trung ở nhóm người trên 50 tuổi, có bệnh nền, chưa được tiêm chủng, chưa được sử dụng thuốc kháng virus trước đó.

Do đó, việc ngăn ngừa, phát hiện sớm những người thuộc nhóm nguy cơ mắc Covid-19 để kịp thời điều trị đặc hiệu với thuốc kháng virus nhằm hạn chế trường hợp tử vong là vấn đề cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết thời gian qua, thành phố vẫn tiếp tục tăng cường công tác giám sát biến chủng mới từ người cảnh từ nước ngoài qua đường hàng không, đường thủy.

Trong ngày 3 qua, TP.HCM tiếp nhận 1.097 lượt khách nước ngoài đến. Tất cả được kiểm tra sàng lọc, qua đó phát hiện 19 trường hợp dương tính. Các mẫu dương tính được chuyển đến cơ quan chúc năng giải mã trình tự gene.

"Các trường hợp này mang biến chủng Delta chứ không phải Omicron. Đến ngày hôm nay, trên địa bàn TP.HCM chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm biến chủng Omicron", bà Mai nói.

Ông Phạm Đức Hải, Phó ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, cho biết tính đến 18h ngày 12/12, có 487.889 F0 phát hiện tại thành phố được Bộ Y tế công bố.

Toàn thành phố có 12.150 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, trong đó có 388 trẻ em dưới 16 tuổi, 488 ca thở máy, 15 người phải can thiệp ECMO.

Trong ngày 12/12, thành phố có 920 F0 nhập viện, 1.028 người khỏi bệnh, 75 ca tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn là 18.997).

Theo đánh giá cấp độ dịch mới nhất, TP.HCM đang ở cấp độ 2. Ở cấp quận, huyện, toàn thành phố có 8/22 địa phương cấp độ 1; 12/22 địa phương thuộc cấp độ 2. Riêng quận 4 vẫn ở cấp độ 3. Ở cấp phường, xã, thị trấn, toàn thành phố có 115/312 địa phương đạt cấp độ 3, 176 địa phương đạt cấp độ 2 và 21/312 địa phương cấp độ 3.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tphcm-da-tiem-hon-11000-mui-3-va-lieu-vaccine-bo-sung-post1283131.html