TP.HCM đang nghiên cứu làn đường riêng cho xe buýt
Đây là thông tin được đưa ra tại phiên họp giải trình về tình hình vận hành và phát triển hệ thống xe buýt trên địa bàn TP.HCM do Thường trực HĐND TP.HCM tổ chức ngày 15.11.
Xe buýt đang bị cạnh tranh
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, hiện nay, TP.HCM có 137 tuyến xe buýt, trong đó 99 tuyến có trợ giá với tổng cự ly hơn 2.088 km và 38 tuyến không trợ giá với tổng cự ly hơn 1.275 km. Đến nay, việc mở tuyến xe buýt mới chưa thực hiện được như kỳ vọng (chưa mở tuyến quận 12, tuyến vòng Đại học Quốc gia, 2 tuyến huyện Củ Chi) do không khuyến khích được đơn vị tham gia.
Trong khi đó, di chuyển bằng xe buýt bình quân chỉ đạt 33 hành khách/chuyến, có xu hướng giảm qua các năm (năm 2018 đạt 33 hành khách/chuyến, năm 2017 và 2016 đạt 37, năm 2015 đạt 41, năm 2014 đạt 45 và năm 2013 đạt 47 hành khách/chuyến). Nguyên nhân là do các thành phố đã thực hiện điều chỉnh giảm số chuyến xe hoạt động trong ngày từ 18.000 chuyến/ngày xuống còn khoảng 16.000 chuyến/ngày. Việc này làm kéo dài thời gian giãn cách và rút ngắn thời gian hoạt động trong ngày, ảnh hưởng đến thời gian đi lại của hành khách sử dụng xe buýt.
Trong 8 tháng đầu năm 2019, khối lượng vận tải hành khách bằng xe buýt trợ giá cũng chỉ đạt 131,2 triệu lượt hành khách, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm 2018 và đạt 51% kế hoạch năm 2019.
Lý giải nguyên nhân hành khách đi xe buýt giảm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Trần Quang Lâm cho biết, tình trạng kẹt xe kéo theo việc xe buýt thường xuyên trễ giờ khiến người dân giảm mặn mà với xe buýt. Trong 7 tháng đầu năm 2019, có 330.00 chuyến chậm trên 15 phút do ảnh hưởng của các điểm ùn tắc giao thông.
Đặc biệt, việc xe ôm công nghệ và xe hợp đồng dưới 9 chỗ theo đề án thí điểm sử dụng công nghệ phát triển mạnh đang cạnh tranh trực tiếp với xe buýt khiến lượng khách giảm. Theo ông Lâm, nếu như năm 2016, hành khách đi xe công nghệ chỉ có 20,8 triệu lượt thì năm 2019 đã tăng lên hơn 191 triệu lượt. Việc này tác động lớn đến thói quen đi lại của người dân. Trong đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xe ôm công nghệ trong và ngoài nước ngày càng tăng với nhiều ưu đãi hấp dẫn khách.
Trưởng ban Đô thị HĐND TP.HCM Trương Trung Kiên cũng cho hay, việc hành khách giảm đi xe buýt có nguyên nhân chi phí thu về không đủ để vận hành nên các đơn vị vận tải có tình trạng bỏ tuyến, giảm chuyến, rút thời gian hoạt động, kéo dài giãn cách tuyến, hoạt động cầm chừng. Có tuyến còn có nguy cơ ngưng hoạt động. Năm 2018 và 2019 đã có 6/105 tuyến trợ giá ngừng hoạt động. Hàng chục tuyến xe buýt khác xin cắt giảm chuyến vì càng chạy càng lỗ.
Còn đại biểu Lê Nguyễn Minh Quang cho rằng, người dân thành phố không chọn xe buýt vì phương tiện chưa được cải tiến, chất lượng phục vụ chưa cao. Đặc biệt, có tình trạng trộm cắp, móc túi và ùn tắc giao thông khiến xe buýt không thể chạy đúng giờ. Tài xế xe buýt cũng gặp áp lực rất lớn, trong khi đãi ngộ lại hạn chế thì phục vụ khách sẽ không được tốt.
Nghiên cứu làn đường riêng cho xe buýt
Từ thực trạng trên, bàn về giải pháp để phát triển hệ thống xe buýt, Giám đốc Sở Giao thông vận tải nói rằng sẽ nghiên cứu bố trí làn ưu tiên, làn dành riêng cho xe buýt hoạt động, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
Đồng thời, rà soát, sắp xếp lại các tuyến xe buýt hiện hữu và tổ chức phát triển mạng lưới tuyến xe buýt phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân từng khu vực và thời điểm. Thành phố cũng sẽ bố trí ngân sách trợ giá phù hợp với phương án vé và phương pháp trợ giá khuyến khích đơn vị vận tải nâng cao chất lượng dịch vụ và thu hút hành khách sử dụng xe buýt.
Còn Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết UBND TP.HCM sẽ rà soát lập, phê duyệt và triển khai quy hoạch sử dụng đất tại các quận huyện, trong đó ưu tiên bố trí quỹ đất dành cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Thành phố cũng sắp xếp lại mạng lưới tuyến xe buýt theo kế hoạch và phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân từng khu vực và thời điểm.
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cũng yêu cầu UBND TP.HCM tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đảm bảo về an ninh trật tự, an toàn cho người dân khi đi xe buýt, chấm dứt tình trạng trộm cắp, cướp giật, trấn lột trên xe buýt, lấn chiếm trạm dừng, nhà chờ, điểm chờ.