TP.HCM đề nghị Bộ Quốc phòng bàn giao đất tại Ba Son

Theo báo Sài Gòn giải phóng, UBND TP.HCM vừa có văn bản đề nghị Bộ Quốc phòng bàn giao khu đất di tích lịch sử địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại khu vực Ba Son (số 2 Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1, khoảng 6.000m²) và các tài sản gắn liền với di tích cho TP.HCM quản lý và đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo di tích.

Hình ảnh Khu Ba Son chụp năm 2015.

Theo đó, việc này thực hiện theo nội dung đã được thống nhất giữa Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương và Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM.

Được biết, khu vực lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng thuộc khu đất có chức năng đất văn hóa bảo tồn, phương án bảo tồn đã được Bộ VH-TT-DL thống nhất năm 2015. Hiện khu đất này do Tổng Công ty Ba Son quản lý và đã được UBND TP.HCM cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đất quốc phòng).

Theo Quy hoạch Phát triển GTVT TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt, tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) có hướng tuyến đi ngang khu vực này...

Khu vực lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng thuộc khu đất có chức năng đất văn hóa bảo tồn. Ảnh: Sài Gòn giải phóng

Khu vực lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng thuộc khu đất có chức năng đất văn hóa bảo tồn. Ảnh: Sài Gòn giải phóng

Trước đó, tại cuộc họp báo do Bộ Quốc phòng tổ chức ngày 13.7.2017 giới thiệu kết quả hoạt động quân sự, quốc phòng, xây dựng quân đội 6 tháng đầu năm 2017 tại TP.HCM, thiếu tướng Võ Hồng Thắng, Cục trưởng Kinh tế Quốc phòng, khẳng định những dự án chuyển đổi đất quốc phòng cho các nhà đầu tư ở các khu đất vàng ở TP.HCM theo hình thức lấy tiền đổi đất giữa nhà nước và nhà đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Giải thích rõ hơn về việc chuyển giao các khu đất như Tổng kho xăng dầu Phan Văn Trị và nhà máy Z751 ở quận Gò Vấp, khu đất cảng Ba Son (quận 1), khu đất Tân Cảng (quận Bình Thạnh), thiếu tướng Thắng cho biết Bộ Quốc phòng thực hiện chuyển giao đất cho nhà đầu tư theo yêu cầu của TP.HCM.

Đất ở các nhà máy ở quận Gò Vấp, cảng Ba son, Khu Tân Cảng (quận Bình Thạnh) là các khu đất thuộc nội đô, TP yêu cầu Bộ Quốc phòng di chuyển các nhà máy ra khu ngoại ô nhằm tránh ô nhiễm. Khi di chuyển các nhà máy đi thì Bộ Quốc phòng không có tiền, Chính phủ cũng không có tiền nên Chính phủ cho phép Bộ Quốc phòng được chuyển mục đích sử dụng đất để lấy tiền di dời nhà máy. “Bộ Quốc phòng chọn các nhà đầu tư có năng lực xây dựng, vốn. Các nhà đầu tư sẽ xây dựng các nhà máy, kho xăng, đổi lại chúng tôi giao đất để nhà đầu tư thu hồi vốn”, thiếu tướng Thắng khẳng định.

Ụ tàu là cơ xưởng đầu tiên và lớn nhất của Thủy xưởng Ba Son ra đời từ 152 năm trước, là địa điểm lịch sử lâu đời bậc nhất của Ba Son chỉ cách 40m với Xưởng cơ khí (di tích quốc gia đã được xếp hạng), có vị trí nam giáp sông Sài Gòn, đông giáp Xưởng cơ khí, tây giáp Trạm xưởng Ụ đốc (cũng là một bộ phận của Ba Son có trên 100 năm). Các ụ nổi được xây dựng vào năm 1886. Ảnh tư liệu

Ụ tàu khi ngập nước. Ảnh tư liệu

Ụ tàu khi ngập nước. Ảnh tư liệu

Về khu Ba Son, trước đó, vào năm 2016, Bộ Quốc phòng đã có công văn số 1943 đề nghị chính quyền TPHCM xem xét việc điều chỉnh lại quy hoạch chi tiết 1/500 của Dự án Khu trung tâm phức hợp Sài Gòn – Ba Son, tức khu đất của Thủy xưởng Ba Son, nằm ở ngã ba sông Sài Gòn và rạch Thị Nghè.

Theo phương án điều chỉnh quy hoạch Bộ Quốc phòng đề xuất thì cách bảo tồn xưởng cơ khí trong khu Ba Son – một di tích lịch sử quốc gia – sẽ “thực hiện theo hướng tập trung các hiện vật, di tích lịch sử, địa điểm lưu niệm gắn liền với quá trình hoạt động của Chủ tịch Tôn Đức Thắng vào phần diện tích khoảng 600 mét vuông thuộc xưởng cơ khí; ụ tàu sẽ được xây dựng thành mô hình trưng bày trong khu bảo tồn di tích.”.

Buổi ra mắt của thuyền Albert Sarraut ở Sài Gòn. Ảnh tư liệu

Buổi ra mắt của thuyền Albert Sarraut ở Sài Gòn. Ảnh tư liệu

Tại khu vực này, một di tích quí hiếm của Sài Gòn như Người Đô Thị từng đề cập, đó là Ụ tàu Ba Son. Ụ tàu trong khu Ba Son được khởi công từ giữa năm 1884 và đưa vào sử dụng tháng 12.1888. Đây chính là ụ tàu duy nhất của Ba Son còn lại đến nay, gần như nguyên vẹn sau 131 năm xây dựng. Ụ tàu móng lót đá, thành ụ lát đá ong Biên Hòa, ximăng, sắt thép mang từ Pháp sang. Kinh phí xây dựng ụ tàu này (dài 156m, rộng 21m, sâu 10m) lên tới hơn 7,8 triệu franc.

Sau khi Hiệp định Genève được ký kết, quân Pháp rút khỏi Đông Dương và Ba Son được Pháp chuyển giao lại cho hải quân chính quyền Sài Gòn từ ngày 12.9.1956.

Trước năm 1975, Thủy xưởng Ba Son được đổi tên là Hải quân Công xưởng, đặt trực thuộc Bộ Quốc phòng. Sau 30.4.1975, Hải quân Công xưởng được chính quyền cách mạng tiếp quản và đổi tên thành Xí nghiệp Liên hiệp Ba Son, trực thuộc Bộ Quốc phòng cho đến ngày nay.

Tuy nhiên di tích quí hiếm của Sài Gòn đã bị xóa sổ năm 2016 cùng với nhà máy Ba Son - xưởng thủy 225 năm, cái nôi của công nghiệp hàng hải, để giao đất cho doanh nghiệp xây dựng Khu trung tâm phức hợp Sài Gòn Ba Son.

B.T.V

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/tp-hcm-de-nghi-bo-quoc-phong-ban-giao-dat-tai-ba-son-25037.html