TP HCM đề xuất mở 5 tuyến xe buýt điện

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) vừa kiến nghị UBND TP HCM chấp thuận chủ trương cho Tập đoàn Vingroup – Công ty CP thí điểm thực hiện 5 tuyến xe buýt điện trên địa bàn TP trong thời gian 12 tháng.

5 tuyến xe buýt điện đều có lộ trình xuất phát từ khu dân cư Vinhome Grand Park đến các đầu mối giao thông quan trọng. Cụ thể, tuyến VB01 từ Vinhome Grand Park – Trung tâm thương mại Emart (cự ly 27 km), tuyến VB02 từ Vinhome Grand Park đến sân bay Tân Sơn Nhất (cự ly 30 km), tuyến VB03 từ Vinhome Grand Park đến bến xe buýt Sài Gòn (cự ly 29 km), tuyến VB04 đến Bến xe Miền Đông (cự ly 8,5 km) và tuyến VB05 đến Khu đô thị Đại học Quốc Gia (cự ly 10 km).

Xe buýt điện nếu đi vào hoạt động góp phần giảm ô nhiễm môi trường (CTV)

Xe buýt điện nếu đi vào hoạt động góp phần giảm ô nhiễm môi trường (CTV)

Mỗi xe trị giá khoảng 6,5 tỉ đồng, chạy bằng điện năng, không phát sinh khí thải, hạn chế tiếng ồn, thân thiện môi trường. Dự kiến có 77 xe hoạt động, sức chứa mỗi xe từ 65 – 70 chỗ.

Giá vé dự kiến sau khi có trợ giá trung bình 7.000 đồng/lượt hành khách các tuyến VB01, VB02, VB03 và 5.000 đồng/lượt hành khách đối với các tuyến VB04, VB05. Riêng học sinh, sinh viên giá vé 3.000 đồng/lượt.

Lộ trình 5 tuyến này dừng đón tại các trạm dừng, nhà chờ hiện hữu, ngoài ra chủ đầu tư sẽ bổ sung thêm 9 điểm đón mới, xây dựng 1 depot và bến bãi rộng hơn 12.200 m2 tại khu dân cư Vinhome Grand Park.

Về giá vé, chủ đầu tư xin được cơ chế trợ giá theo đơn giá cho xe buýt CNG (không xét đến yếu tố chênh lệch giá nhiên liệu CNG), cụ thể đơn giá cho 1km vận doanh là 24.224 đồng/km. Tỉ lệ trợ giá/chi phí bằng 44,1% chi phí hoạt động.

Liên quan những đề xuất trên của chủ đầu tư, Sở GTVT cho rằng việc đầu tư xe buýt điện phù hợp với chủ trương của TP HCM nhằm góp phẩn giảm ô nhiễm môi trường, đa dạng hóa phương tiện xe buýt sử dụng năng lượng sạch, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Ngoài ra lộ trình 5 tuyến trên chủ yếu kết nối khu dân cư mới với các điểm công cộng chưa có xe buýt phục vụ nên không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động các tuyến xe buýt hiện hữu. Về để xuất trợ giá phù hợp với các quy định hiện hành.

Do đó, sở này đề xuất UBND TP HCM chấp thuận chủ trương cho phép Tập đoàn Vingroup – Công ty CP thí điểm theo phương thức đặt hàng dịch vụ cung ứng dịch vụ công ích đối với 5 tuyến xe buýt điện nêu trên. Đơn giá trợ giá được áp dụng như xe buýt CNG, tỷ lệ trợ giá/chi phí bằng 44,1% chi phí hoạt động trong thời gian tối đa 12 tháng kể từ ngày chính thức đưa vào hoạt động. Trường hợp sau 12 tháng thí điểm nếu dừng không cho phép tiếp tục loại hình này thì chủ đầu tư tự chịu trách nhiệm.

Theo Sở GTVT, hiện nay, bộ định mức đơn giá và kinh tế kỹ thuật cho loại hình xe buýt điện chưa có, do đó khi các cơ quan chức năng hoàn tất bộ định mức này sẽ tiến hành đấu thầu tuyến theo quy định sau khi kết thúc thời gian thí điểm.

Thu Hồng

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/tp-hcm-de-xuat-mo-5-tuyen-xe-buyt-dien-20200928191614583.htm