TP HCM dừng thêm các hoạt động để chống dịch
Các quận, huyện và TP Thủ Đức cần thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch trước, trong và sau bầu cử, bảo đảm quyền bầu cử cho các cử tri ở khu vực bị cách ly, phong tỏa
Đây là chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong tại cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP vào sáng 21-5.
Bảo đảm an toàn cho bầu cử
Báo cáo tại cuộc họp, bác sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết sau khi phát hiện 3 ca mắc Covid-19 tại TP - là 3 mẹ con bán quán ăn tại hẻm 287 Nguyễn Đình Chiểu, phường 5, quận 3 (bệnh nhân 4780, 4781 và 4782) - ngành y tế đã lấy mẫu xét nghiệm 1.861 người. Toàn bộ đã có kết quả âm tính với SARS-CoV-2.
Riêng với ca nghi nhiễm là người đàn ông 63 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, có 32 F1 và 264 trường hợp tiếp xúc khác đã được lấy mẫu, trong đó 32 F1 đã âm tính.
TP HCM đã tổ chức hơn 600 đội lấy mẫu, trong tình huống khẩn cấp có thể huy động lấy 100.000 mẫu bệnh phẩm/24 giờ. Ngành y tế chuẩn bị sẵn sàng phương án, triển khai thêm cơ sở cách ly tập trung trong tình huống dịch bệnh lan rộng.
Tại cuộc họp, đại diện các quận 3, 6, 11, Gò Vấp, Bình Thạnh và TP Thủ Đức kiến nghị cấm các quán nhậu, khuyến khích mua đem về nhằm bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh, nhất là khi sắp diễn ra bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp.
Sau khi nghe đề xuất của các địa phương, Chủ tịch UBND TP HCM khẳng định TP đang kiểm soát tốt dịch bệnh nhưng nguy hiểm vẫn thường trực. Do đó, các địa phương cần thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch trước, trong và sau bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Yêu cầu cử tri trước khi vào bầu cử cần thực hiện khai báo y tế ở nhà. Các điểm thuộc khu vực đang phong tỏa, khu cách ly phải bảo đảm quyền bầu cử của cử tri trong điều kiện an toàn với dịch bệnh.
Chiều cùng ngày, UBND TP HCM đã có văn bản khẩn gửi các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND quận, huyện và TP Thủ Đức chỉ đạo tạm dừng hoạt động một số loại hình kinh doanh dịch vụ, đồng thời tạm dừng các nghi lễ tôn giáo, hoạt động lễ hội tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự.
Với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, UBND TP HCM yêu cầu tạm dừng hình thức phục vụ tại chỗ đối với các hộ gia đình hoạt động cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố. Tăng cường hình thức bán hàng mang về, đặt hàng và thanh toán trực tuyến; người giao hàng phải bảo đảm đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là đeo khẩu trang và giữ khoảng cách.
Ngoài việc kiểm tra trực tiếp các cơ sở kinh doanh dịch vụ, chủ tịch UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện thực hiện hình thức phạt nguội qua hệ thống camera. Cấm tụ tập nhiều hơn 20 người ở bên ngoài các công sở, trường học và bệnh viện (BV). Yêu cầu các cán bộ, công chức, viên chức của TP HCM phải gương mẫu trong việc chấp hành yêu cầu các quy định về phòng chống dịch. Sở Thông tin và Truyền thông tuyên truyền, nhắc nhở người dân hạn chế ra đường khi không cần thiết.
Thời gian áp dụng các nội dung nêu trên bắt đầu từ ngày 22-5 cho đến khi có thông báo mới.
Cần xử nghiêm 2 cơ sở bỏ lọt bệnh nhân Covid-19
Tại cuộc họp nêu trên, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức nhận định: Việc bệnh nhân 4780 ở quận 3 và một ca nghi mắc Covid-19 tại quận Gò Vấp từng đến các phòng khám trước khi đến BV điều trị cho thấy các phòng khám không nghiêm túc phòng chống dịch bệnh, cần có biện pháp xử lý nghiêm.
Cụ thể, bệnh nhân 4780 có triệu chứng ho, sốt nên đã đến Trung tâm Medic - Hòa Hảo (quận 10) để khám bệnh. Qua kết quả chụp X-quang phổi và CT scan phổi ghi nhận có tổn thương. Tuy nhiên, nhân viên BV lại hướng dẫn để bệnh nhân đến khám tại BV Phạm Ngọc Thạch.
Tương tự, Phòng khám Đa khoa Quang Trung (phường 14, quận Gò Vấp) cũng tiếp nhận một ca nghi mắc Covid-19, 63 tuổi, ngụ hẻm 954 Quang Trung, có triệu chứng mất vị giác, ho nhưng lại chuyển bệnh nhân đến BV Phạm Ngọc Thạch.
BV Phạm Ngọc Thạch đã hướng dẫn khai báo y tế và điều tra dịch tễ mới đưa vào khu sàng lọc, cách ly. Qua lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả 2 người này đều mắc Covid-19.
Ông Dương Anh Đức đã biểu dương tinh thần cảnh giác và xử lý kịp thời của BV Phạm Ngọc Thạch, nhờ đó nhanh chóng phát hiện 2 chuỗi lây nhiễm. Đồng thời, ông đề nghị phải xử lý nghiêm 2 đơn vị không thực hiện quy tắc phòng dịch Covid-19.
Bác sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết ngành y tế tiếp tục tăng cường phân luồng, khám sàng lọc và xét nghiệm tầm soát người có triệu chứng nghi ngờ tại cơ sở khám chữa bệnh. Sở Y tế TP HCM cũng tiếp tục tập huấn công tác phòng chống dịch tại Trung tâm Medic - Hòa Hảo nói riêng và một số phòng khám tư nhân nói chung nhằm phát hiện sớm ca nhiễm, hạn chế đến mức thấp nhất việc phải phong tỏa cả cơ sở y tế.
Chiều cùng ngày, Sở Y tế TP HCM đã có văn bản khẩn về việc tăng cường sàng lọc và phát hiện người có yếu tố nguy cơ tại cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là một số phòng khám chưa tuân thủ quy định về phòng chống dịch.
Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM thông báo việc lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tất cả những người vào TP từ Đà Nẵng, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh sau kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5.
2 chùm ca Covid-19 nhiễm 2 biến chủng khác nhau
Nhóm nghiên cứu Covid-19 của BV Bệnh nhiệt đới TP HCM và Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford đã giải mã nhanh bộ gien SARS-CoV-2 từ 2 bệnh nhân Covid-19 mới ở TP HCM. Theo đó, mẫu RNA được tách chiết từ dịch phết hầu họng của bệnh nhân 4583 (ngụ quận 7, là đồng nghiệp của bệnh nhân 4514) mang biến chủng B.1.617.2 của Ấn Độ. Mẫu từ bệnh nhân 4780 (trong chùm ca ở đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3) mang biến chủng B.1.1.7 của Anh.
Theo TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP HCM - thành viên nhóm nghiên cứu, đây là lần đầu tiên TP ghi nhận sự lưu hành đồng thời của cả 2 biến chủng được cho là có khả năng lây lan nhanh (biến chủng của Ấn Độ và biến chủng của Anh) ở các ca bệnh trong cộng đồng.