TP.HCM: F0 mới giảm, số ca tử vong vẫn cao nhất cả nước

Trong ngày 23/12, TP.HCM đứng thứ 7 về số ca mắc mới (787 ca). Số lượng bệnh nhân tử vong tại thành phố là 44 ca.

Tổng số ca mắc mới ngày 23/12 là 16.377, trong đó 10 ca nhập cảnh và 16.367 ca trong nước (giảm 155 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố.
10.152 ca nhiễm được phát hiện trong cộng đồng.
10.944 người được công bố khỏi Covid-19 trong ngày.
280 ca tử vong được ghi nhận sau 24 giờ, tăng 70 ca so với ngày 22/12.
1.273.529 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm trong 24 giờ.

Hà Nội liên tiếp có số lượng F0 trong ngày cao nhất

Tối 22/12, Bộ Y tế cho hay Việt Nam ghi nhận thêm 16.377 ca nhiễm mới, trong đó 10 ca nhập cảnh và 16.367 ca ghi nhận trong nước (giảm 155 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (10.152 ca trong cộng đồng).

Hai tỉnh, thành phố có số lượng ca mắc mới vượt ngưỡng 1.000 là Hà Nội (1.774), Cà Mau (1.167). Đặc biệt, đồ thị số ca nhiễm tại Hà Nội đang tăng lên rất nhanh. Trung bình 7 ngày qua, Hà Nội phát hiện đến 1.417 ca mắc mới/ngày, số lượng này vượt TP.HCM, Cà Mau, cao nhất cả nước.

Các tỉnh, thành phố ghi nhận số lượng F0 vượt ngưỡng 500 ca là Tây Ninh (949), Vĩnh Long (855), Khánh Hòa (797), Cần Thơ (792), TP.HCM (787), Đồng Tháp (787), Bạc Liêu (689), Bình Định (555), Trà Vinh (527).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Đắk Lắk (-206), Hải Phòng (-197), TP.HCM (-192).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bình Định (+196), Hà Nội (+128), Thanh Hóa (+110).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 15.909 ca/ngày.

Cà Mau và Tây Ninh vẫn là 2 tỉnh có số ca mắc cao thứ 2 và thứ 3 cả nước. Hôm nay, Cà Mau đánh dấu ngày thứ 10 liên tiếp ghi nhận trên 1.000 ca nhiễm mới trong 24 giờ.

Trong khi đó, Tây Ninh cũng đã có 13 ngày liên tiếp phát hiện trên 900 F0 trong 24 giờ (chưa kể số lượng ca bổ sung).

TP.HCM đứng thứ 7 cả nước về số lượng ca nhiễm. Đây là ngày thứ 4 thành phố có tổng số ca nhiễm mới dưới 1.000 người.

Như vậy, kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.604.712 ca nhiễm. Ở đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.599.150 ca.

Hiện tại, chỉ còn Bắc Kạn không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (497.949), Bình Dương (289.731), Đồng Nai (95.993), Tây Ninh (67.772), Long An (39.891).

Hơn 7.400 F0 diễn biến nặng

TP.HCM đã có nhiều ngày liên tiếp ghi nhận số lượng F0 mới ở dưới ngưỡng 1.000 ca. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, từ 17h30 ngày 22/12 đến 17h30 ngày 23/12, cả nước ghi nhận 280 ca tử vong, TP.HCM chiếm số lượng nhiều nhất (34 ca).

Ngoài ra, 10 bệnh nhân tử vong tại thành phố sau khi chuyển đến từ các tỉnh, thành khác gồm Tiền Giang (3), Bình Dương (2), Tây Ninh (2), Cần Thơ (1), Đồng Nai (1), Long An (1).

Số ca tử vong tại các tỉnh, thành phố khác: Đồng Nai (38 ca trong 2 ngày), An Giang (28), Bình Dương (17), Đồng Tháp (15), Tây Ninh (14), Tiền Giang (14), Long An (13), Cần Thơ (12), Vĩnh Long (11), Bà Rịa - Vũng Tàu (10), Kiên Giang (9), Cà Mau (8), Khánh Hòa (6), Sóc Trăng (6), Hà Nội (5), Hậu Giang (5), Bạc Liêu (5), Bình Thuận (4), Bình Định (3), Bình Phước (3), Lâm Đồng (2), Trà Vinh (2), Quảng Nam (1), Quảng Ngãi (1), Phú Thọ (1), Đà Nẵng (1), Gia Lai (1), Đắk Nông (1).

Trung bình số ca tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua tại nước ta là 239 ca. Tổng số bệnh nhân tại Việt Nam tính đến nay là 30.531 ca.

Số ca bệnh nặng đang điều trị tính đến chiều nay là 7.493 ca, giảm 694 ca so với hôm qua. Tuy nhiên, số ca F0 nặng cần hỗ trợ hô hấp vẫn còn ở mức cao, trong đó, các bệnh nhân cần thở oxy qua mặt nạ là 5.204 ca, 1.248 ca thở oxy dòng cao (HFNC), thở máy không xâm lấn là 141 ca, thở máy xâm lấn là 882 ca và 18 ca được can thiệp ECMO.

Về tình hình tiêm chủng, trong ngày 22/12, nước ta có 1.273.529 liều vaccine được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 142.342.501 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 76.524.842 liều, tiêm mũi 2 là 64.109.397 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vaccine Abdala) là 1.708.262 liều.

Tại TP.HCM, sau 15 ngày thực hiện "Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ", thành phố này thống kê tổng cộng có 584.403 người thuộc nhóm nguy cơ. Trong đó, 24.420 người chưa tiêm vaccine (chiếm tỷ lệ 4,2%).

Trong khi số ca Covid-19 tử vong tại TP.HCM vẫn còn ở mức cao, chủ yếu là người thuộc nhóm nguy cơ cao (trên 65 tuổi, có bệnh nền), các chuyên gia nhấn mạnh thành phố này cần tiếp tục truy vét, thuyết phục các trường hợp này tiêm vaccine càng sớm càng tốt.

Trong bối cảnh số ca nhiễm, ca chuyển nặng và tử vong có xu hướng tăng, đặc biệt, những ngày gần đây, tại TPHCM và một số địa phương phía nam gặp khó khăn trong đảm bảo oxy phục vụ công tác điều trị.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có giải pháp cụ thể để bảo đảm nguồn oxy phục vụ công tác điều trị trong các tình huống. Trước mắt, chỉ đạo giải quyết ngay đối với địa bàn TPHCM và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu long.

Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) vừa cấp phép sử dụng thuốc viên điều trị Covid-19 Paxlovid cho những người có nguy cơ cao từ 12 tuổi trở lên.

Đến nay, các thuốc kháng virus và điều trị Covid-19 đã được phê chuẩn là Molnupiravir, Paxlovid và Remdesivir. FDA nhấn mạnh đây là cột mốc quan trọng trong thời kỳ đại dịch sẽ cho phép hàng triệu người tiếp cận điều trị.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tphcm-f0-moi-giam-so-ca-tu-vong-van-cao-nhat-ca-nuoc-post1285189.html