TP.HCM: Nhiều đơn vị thu gom rác phản ứng trước việc thu tiền rác qua ứng dụng
Nhiều đơn vị thu gom rác cho rằng việc triển khai thực hiện thu tiền rác qua ứng dụng là chưa sát với thực tiễn, sẽ xuất hiện nhiều bất cập và ảnh hưởng đến quyền lợi người thu gom rác.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM, hiện trên địa bàn Thành phố có 42 Hợp tác xã (HTX) và 283 công ty tư nhân đang thu gom rác. Ngoài ra, còn khoảng 1.152 đường dây và tổ thu gom rác dân lập, chưa có tư cách pháp nhân.
Nhằm thực hiện công tác chuyển đổi số, mới đây UBND quận Bình Tân, TP.HCM đã ban hành Đề án Nâng cao chất lượng dịch vụ thu gom và vận chuyển rác sinh hoạt (Đề án 1627). Đây là một trong những quận đầu tiên ở TP.HCM triển khai thực hiện đề án chuẩn hóa lực lượng thu gom rác dân lập và trực tiếp quản lý công tác thu chi tiền rác.
Việc thu tiền rác của người dân qua ứng dụng, là điểm mới trong Đề án Nâng cao chất lượng dịch vụ thu gom và vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt (rác sinh hoạt). Và theo UBND quận Bình Tân, việc triển khai thực hiện đóng tiền rác thông qua ứng dụng sẽ giúp chủ động trong đóng tiền thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt hàng tháng, không bị phiền hà khi đơn vị thu gom đến thu tiền.
Việc này cũng giúp đơn vị thu gom tập trung thực hiện công tác thu gom và vận chuyển, không tốn nhân sự đi thu tiền hàng tháng. Đồng thời, việc này cũng giúp cơ quan quản lý nhà nước từng bước rà soát, hoàn thiện số liệu hộ gia đình và chủ nguồn thải để quản lý chặt chẽ nguồn thu. Hàng tháng kiểm soát được số lượng hộ gia đình, chủ nguồn thải chưa thanh toán giá để kịp thời đôn đốc; chủ động hơn đối với hợp đồng các đơn vị thu gom trên địa bàn.
Khi triển khai thực hiện, các phường sẽ trực tiếp thu nguồn tiền này qua ứng dụng, sau đó, địa phương sẽ chi trả ngược lại cho lực lượng thu gom, vận chuyển rác.
Đáng nói, ngay sau khi việc thu tiền rác qua ứng dụng được triển khai thì đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của các đơn vị thu gom và một số người dân. Trong đó, rất nhiều doanh nghiệp, các thành viên thu gom rác thuộc hợp tác xã Bình Tân và một số quận, huyện khác trong TP.HCM đã lên tiếng nêu ra những bất cập và cầu cứu các cấp chính quyền.
Theo ý kiến của hầu hết các đơn vị thu gom rác trên địa bàn quận Bình Tân cho rằng, việc quy về một mối như vậy sẽ rất khó khăn trong việc quản lí và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các đơn vị thu gom rác.
Thông tin với phóng viên, anh Huỳnh Văn Tân đại diện một cơ sở thu gom rác ở quận Bình Tân cho biết việc thu tiền rác qua ứng dụng và việc quận Bình Tân trực tiếp quản lí thu chi tiền rác như vậy sẽ gây khó khăn cho các đơn vị thu gom rác vì họ sẽ không tự chủ được dòng tiền vì phải phụ thuộc vào chính quyền.
“Nếu người dân đóng tiền qua ứng dụng thì các doanh nghiệp và hợp tác xã thực hiện việc thu gom rác phải chờ UBND quận duyệt. Vì sau khi tiền vào ứng dụng đủ thì UBND quận mới đưa trở về đơn vị thu gom rác. Vậy đến bao giờ chúng tôi mới nhận được tiền trong thời gian đó chúng tôi lấy đây ra kinh phí duy rì việc thu gom rác, tiền trả nhân công hằng ngày”, anh Tân bức xúc.
Đồng ý với quan điểm của anh Tân chị Nguyễn Thị Hường cũng là một trong những cơ sở thu gom rác ở Bình Tân kiến nghị chuyển toàn bộ phần tiền phí vận chuyển về Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích quận Bình Tân tự thu còn phí thu gom các đơn vị sẽ tự thu để chi trả chi phí hằng ngày. “Trường hợp, đơn vị thu gom có hành vi thu sai quy định thì cơ quan có thẩm quyền xử phạt hoặc chấm dứt hợp đồng chứ không nên đánh đồng, rồi áp cho tất cả mọi người. Nghề rác là nghề cũng cực của xã hội rồi, là cần câu cơm duy nhất của chúng tôi, đâu có ai dại mà tự đá đi chén cơm của mình đâu. Cơ quan có thẩm quyền cần phải xem xét, đánh giá lại để làm sao cho phù hợp với thực tế”.
Không chỉ có các cơ sở ở quận Bình Tân mà còn có các quận, huyện khác trên địa bàn TP.HCM như quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp, Quận 12 cũng bày tỏ mong muốn nếu Nhà nước vẫn tiến hành triển khai thu tiền qua ứng thì đề nghị các cấp lãnh đạo xem xét chỉ thu tiền phí vận chuyển còn phí thu gom để các đơn vị thu gom tự thu như từ trước đến nay.
Lí giải về việc muốn tự chủ trong việc thu tiền rác chị Nguyễn Thị Huyền Thương đại diện cơ sở thu gom rác ở Quận 9 cho biết tiền rác sẽ còn phụ thuộc vào rác nhiều hay ít của các hộ gia đình vì có gia đình ít người nhưng có gia đình ở tới mười mấy người số lượng rác cũng nhiều hơn thì số tiền thu sẽ khác. Thêm vào đó còn có rác buôn bán, nếu thu qua ứng thì số tiền quy định sẽ là bao nhiêu và trả cho các cơ sở thu gom bao nhiêu?
Bà Nguyễn Thị Diễm cơ sở thu gom rác dân lập ở Củ Chi cho biết khi Nhà nước yêu cầu các cơ sở thu gom rác dân lập chuyển đổi xe ép và thành lập công ty để chuẩn hóa. Cơ sở của bà Diễm đều đã làm theo với mong muốn mau chóng ổn định lại việc làm thì bây giờ Nhà nước lại đòi tự thu tiền nếu làm như vậy cuộc sống của họ sẽ như thế nào? Số tiền bà vay mượn trước đó để chuyển đổi xe ép theo yêu cầu của Nhà nước tới ngày tới tháng phải đóng tiền lời thì giờ lại phụ thuộc vào Nhà nước đợi nhà nước trả tiền lúc đó lấy tiền đâu mà đóng lãi ngân hàng, bà Diễm trăn trở.
Song song đó, một số thành viên thu gom rác cho rằng việc thu tiền rác qua ứng dụng sẽ bộc lộ nhiều bất cập khác như: hiện nay pháp luật cũng chưa có chế tài cụ thể cho những trường hợp không đóng tiền rác, do đó việc thu tiền qua app sẽ không được triệt để; Việc đóng tiền qua app cũng sẽ khó khăn với nhiều đối tượng người dân bởi không phải ai cũng hiểu biết về công nghệ, đặc biệt trong thời điểm tội phạm công nghệ cao ngày càng gia tăng; Đặc biệt, TP.HCM là địa phương có số lượng người dân nhập cư lớn, không cố định thì việc thu tiền rác qua ứng dụng sẽ không triệt để.
Mặt khác, thông tin với Phóng viên Tạp chí Kinh tế môi trường, nhiều người dân cũng cho rằng việc thu tiền rác qua ứng dụng sẽ giúp minh bạch hơn, hạn chế tình trạng thu thêm, thu lại nhiều lần của các đơn vị thu gom. Tuy nhiên, họ cũng cho rằng việc thu phí qua ứng dụng cũng khiến nhiều người gặp khó vì không phải ai cũng hiểu biết về công nghệ và có thể cũng ảnh hưởng đến cả quyền lợi của những người trực tiếp đi thu gom..
Chị Đỗ Thị Mai Anh (quận Tân Bình) chia sẻ: “Việc thu tiền rác qua ứng dụng mang lại những lợi ích nhất định. Tuy nhiên, cơ quan có thẩm quyền và người dân cũng cần thông cảm, cân nhắc đến lợi ích của những người đi thu gom, bởi đây là công việc nặng nhọc, rất hại cho sức khỏe. Không chỉ vậy, nếu người dân không có ý thức tự giác thì việc thu tiền rác qua ứng dụng sẽ trở nên vô nghĩa và gây thiệt hại cho quyền lợi của người đi thu gom và ngân sách Nhà nước”.
Luật sư Kiều Thái Việt –Đoàn Luật sư TP.HCM nhận định, đối với các đơn vị thu gom rác dân lập thì đây được xem là công việc chính để họ có nguồn kinh tế để duy trì cuộc sống. Khi triển khai thu tiền rác qua ứng dụng sẽ khiến nguồn thu những đơn vị thu gom bị phụ thuộc và gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Do đó, trước khi triển khai thực hiện, cơ quan có thẩm quyền cần phải lấy ý kiến cộng đồng dân cư, các đơn vị thu gom và bên cạnh đó là cần cân nhắc thật kỹ để đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên có liên quan để hạn chế tình trạng khiếu nại khiếu kiện.
Trên thực tế, việc thu tiền qua ứng dụng cũng đã được một số quận triển khai như quận 7, quận 3 nhưng đều không có kết quả.
Cần phải nói thêm, từ trước đến nay, giữa chủ nguồn thải và các đơn vị thu gom đang xác lập Hợp đồng cung cấp dịch vụ thu gom chất thải rắn sinh hoạt, trong đó, chủ nguồn thải là bên yêu cầu dịch vụ và đơn vị thu gom là bên cung cấp dịch vụ. Căn cứ quy định tại khoản 3, Điều 158 Bộ Luật Dân sự về quyền của bên cung ứng dịch vụ thì việc UBND quận Bình Tân thực hiện thu phí dịch vụ thu gom chất thải rắn sinh hoạt của các đơn vị dịch vụ thu gom là không phù hợp với quy định của pháp luật.