TP.HCM nỗ lực cao nhất để vực dậy nền kinh tế
Có gần 18.500 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 250.000 tỉ đồng; FDI thu hút hơn 2 tỉ USD.
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương sáng 2-7 tại đầu cầu TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho hay TP.HCM đã tổ chức nhiều hoạt động để vực dậy nền kinh tế.
Phấn đấu đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ kép
Trong bối cảnh mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội bị tác động bởi đại dịch COVID-19, chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá vẫn có nhiều điểm sáng đáng ghi nhận. Đáng chú ý, khối lượng giải ngân các dự án trên thực tế đạt hơn 18.000 tỉ đồng (đạt 43% kế hoạch vốn, gấp bốn lần về mặt giá trị tuyệt đối, gấp hơn ba lần về tỉ lệ so với cùng kỳ).
Nhiều ngành dịch vụ vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao như dịch vụ y tế, tài chính ngân hàng; có gần 18.500 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 250.000 tỉ đồng; FDI thu hút hơn 2 tỉ USD… “Những kết quả trên là tiền đề quan trọng cho sự phục hồi kinh tế trong giai đoạn bình thường mới” - ông Phong nói.
Theo người đứng đầu chính quyền TP.HCM, với vai trò là một đô thị đặc biệt, một trung tâm nhiều mặt của cả nước, TP xác định phải nỗ lực nhiều hơn, quyết tâm nhiều hơn, bởi sự phát triển chậm lại của TP sẽ tác động trực tiếp đến kết quả tăng trưởng chung của cả nước.
Trên tinh thần đó, ông Phong cho biết cả hệ thống chính trị và nhân dân TP.HCM sẽ vào cuộc với tinh thần quyết liệt, khẩn trương, phấn đấu đi đầu thực hiện nhiệm vụ kép với nỗ lực cao nhất, quyết tâm cao nhất, điều hành đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn. Đồng thời đánh giá đúng hạn chế, yếu kém để thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm để hành động tốt hơn trong thời gian tới.
TP.HCM: 8 nhiệm vụ trọng tâm của 6 tháng cuối 2020
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng đã nêu ra tám nhiệm vụ trọng tâm của sáu tháng cuối năm 2020.
Một là TP.HCM kiên trì theo đuổi, thực hiện nhiệm vụ kép, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh COVID-19 được dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp.
Hai là tập trung tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI, hoàn thành nội dung phục vụ đại hội. Trong đó trọng tâm là đề án điều chỉnh tỉ lệ phần trăm các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; đề án không tổ chức HĐND quận, phường; đề án thành lập TP phía đông; sơ kết ba năm thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM…
500 tỉ đồng là số tiền TP.HCM đã hỗ trợ hơn 510.000 đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch (đạt hơn 94% kế hoạch).
Ba là triển khai thực hiện có hiệu quả kết luận của Bộ Chính trị, nghị quyết của Chính phủ nhằm khắc phục tác động của đại dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế…
Bốn là tiếp tục triển khai chủ đề “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”; xây dựng, đầu tư, nâng cấp hệ thống thiết chế văn hóa TP…
Năm là triển khai chương trình chuyển đổi số của TP giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến 2030. Tận dụng cơ hội hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu để tăng cường lĩnh vực xuất khẩu dịch vụ phần mềm và nội dung số, cũng như các lĩnh vực TP có thế mạnh… Đồng thời, triển khai giải pháp khôi phục, phát triển ngành du lịch, trước mắt là tập trung phát triển thị trường nội địa, lâu dài là thị trường quốc tế khi mở lại đường bay với các nước.
Sáu là tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, xem việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2020. TP tổ chức họp hai tuần/lần để rà soát công tác giải ngân đầu tư công, phấn đấu đến hết tháng 10-2020 tỉ lệ giải ngân phải đạt trên 80% kế hoạch. Triển khai thực hiện có hiệu quả nghị quyết của Chính phủ cho phép áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư, bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất.
Bảy là đẩy nhanh tiến độ triển khai các bước lập quy hoạch kinh tế - xã hội TP thời kỳ 2021-2030, quy hoạch chung xây dựng TP; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên; bàn giao mặt bằng chuẩn bị khởi công tuyến đường sắt số 2 Bến Thành - Tham Lương…
Tám là tiếp tục đẩy mạnh tiến độ triển khai các nội dung theo kế hoạch của UBND TP về thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ về khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu công nghệ cao. Đồng thời, tham mưu cho Thành ủy sớm ban hành nghị quyết chuyên đề về tiếp tục đầu tư xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Kinh tế TP.HCM đang có chuyển biến tốt
Với những quyết tâm, nỗ lực của TP, tình hình kinh tế - xã hội quý II có sự chuyển biến tốt hơn so với quý I. Về quy mô, TP.HCM vẫn đóng góp vào GDP của cả nước trên 25% và 27% tổng thu ngân sách trong sáu tháng đầu năm.
Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/tphcm-no-luc-cao-nhat-de-vuc-day-nen-kinh-te-921956.html