TP.HCM sẽ rà soát, xóa quy hoạch không khả thi
TP.HCM sẽ kiến nghị cấp phép xây dựng chính thức, bồi thường đối với nhà, đất trong quy hoạch hỗn hợp và dân cư xây dựng mới.
Liên tục trên các số báo từ ngày 23 đến 27-6, Pháp Luật TP.HCM đã đăng loạt bài “Lối ra nào cho 14.000 ha đất vướng quy hoạch?”. Loạt bài phản ánh về những vướng mắc, bất cập đối với hai chức năng quy hoạch đất hỗn hợp (ĐHH) và đất dân cư xây dựng mới (DCXDM). Sau khi đăng tải, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã có những trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về giải pháp tháo gỡ những vướng mắc trong hai chức năng quy hoạch này.
Đã thấy vướng mắc nhưng giải quyết chưa căn cơ
. Phóng viên: Lâu nay người dân có nhà, đất nằm trong quy hoạch ĐHH và đất DCXDM rất bức xúc vì quyền lợi hợp pháp của họ bị ảnh hưởng. Giải quyết các thủ tục về đất đai, xây dựng trong các quy hoạch này, quận, huyện cũng mạnh ai nấy làm. Ông đánh giá như thế nào về thực trạng này?
+ Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan: Trước hết, tôi đánh giá cao báo Pháp Luật TP.HCM đã có các bài viết phản ánh những bất cập trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch trên địa bàn TP. ĐHH, đất DCXDM là các thuật ngữ thể hiện chức năng sử dụng đất theo quy hoạch, chỉ có trong các đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000, 1/5.000. Luật Đất đai không có những thuật ngữ này.
Về nguyên tắc, quy hoạch xây dựng đô thị là cần thiết và mang tính định hướng để TP phát triển bền vững. Tuy nhiên, cách tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch nói chung cũng như quy hoạch ĐHH, đất DCXDM nói riêng hiện nay còn mang tính áp đặt, chưa đảm bảo quyền và lợi ích của người dân. Vì vậy, những phản ánh của người dân bị ảnh hưởng bởi hai chức năng quy hoạch này là đúng. Lâu nay chính quyền TP cũng đã thấy được vướng mắc này, đã chỉ đạo tìm giải pháp khắc phục nhưng vẫn còn lúng túng trong xử lý, giải quyết chưa căn cơ gây bức xúc trong nhân dân.
. Quy hoạch ĐHH và đất DCXDM dù có trong 600 đồ án quy hoạch 1/2.000 nhưng không có cơ sở pháp lý vì các thuật ngữ trên không có trong các quy định pháp luật có liên quan. Cũng vì không rõ ràng nên ảnh hưởng rất lớn đến người dân trong gần 14.000 ha đất vướng hai quy hoạch này. Vấn đề này phải giải quyết như thế nào, thưa ông?
+ Giải pháp quan trọng nhất để giải quyết những bất cập này là phải rà soát tất cả khu vực có hai chức năng quy hoạch này. Sau đó đánh giá, phân loại, đưa ra điều kiện cụ thể từng nhóm, đánh giá mức độ ảnh hưởng quyền, lợi ích của người dân, để từ đó có hướng giải quyết cụ thể cho từng nhóm.
Vừa qua, UBND TP đã chỉ đạo các sở Xây dựng, TN&MT, QH-KT nghiên cứu, tham mưu đề xuất các giải pháp nhằm xử lý các vướng mắc trong thủ tục xây dựng và đất đai đối với khu vực quy hoạch này theo hướng như tôi vừa nói.
Hướng giải quyết: Ưu tiên quyền lợi người dân
. Nhiều ý kiến cho rằng việc giải quyết vướng mắc liên quan đến quy hoạch ĐHH và đất DCXDM là không khó. Quan điểm của ông thế nào?
+ Việc xem xét, giải quyết vướng mắc liên quan đến hai chức năng quy hoạch ĐHH và đất DCXDM cần phải có đánh giá toàn diện, xử lý đồng bộ. Trong đó bắt đầu từ công tác rà soát, đánh giá tình hình thực hiện theo quy hoạch được duyệt, để từ đó có hướng xử lý cụ thể. Sau khi rà soát, đánh giá, những khu vực quy hoạch nào không khả thi thì phải điều chỉnh, xóa quy hoạch để trả lại quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Đối với khu vực quy hoạch ĐHH còn tính khả thi, đủ điều kiện thuận lợi để thực hiện chỉnh trang đô thị nhưng chưa chọn được nhà đầu tư thực hiện theo quy hoạch được duyệt thì phải chi tiết, cụ thể hóa quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/.2000 để xác định rõ vị trí, ranh giới từng loại chức năng sử dụng đất. Đồng thời, công khai lấy ý kiến nhân dân, hướng dẫn nhân dân cùng tham gia đầu tư hạ tầng trong khu vực. Đối với khu vực quy hoạch đất DCXDM còn tính khả thi thì khẩn trương kêu gọi đầu tư.
. Ngoài việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch thì vấn đề căn cơ là cần phải có chính sách hợp lý cho người dân sống trong quy hoạch. Đây là vấn đề lâu nay chính quyền TP cũng rất trăn trở. Vậy tới đây có hướng nào để tìm lối ra cho vấn đề này không, thưa ông?
+ Về vấn đề này, UBND TP đã giao các sở Xây dựng, TN&MT, QH-KT nghiên cứu, tham mưu để TP kiến nghị Bộ Xây dựng cho phép TP.HCM cấp phép xây dựng nhà ở chính thức cho người dân dưới dạng công trình thấp tầng để người dân sinh sống.
Cùng với đó sẽ cập nhật biến động vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Khi thực hiện dự án phải bồi thường nhà ở, công trình xây dựng kiến trúc cho người dân.
Thay vì theo quy định hiện hành, các khu vực quy hoạch này chỉ được cấp phép xây dựng có thời hạn và xây tối đa không quá ba tầng. Nhà xây xong không được hoàn công, không được thừa nhận tài sản trên đất. Khi Nhà nước thực hiện quy hoạch thì không có quy định bồi thường công trình kiến trúc này.
. Từ những vướng mắc trong thực tiễn có thể thấy công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch của TP còn có vấn đề. Tới đây, TP có chỉ đạo gì để việc lập và tổ chức thực hiện đảm bảo chất lượng và sát với thực tiễn hơn?
+ Quy hoạch là cần thiết, là định hướng để phát triển đô thị bền vững ổn định, cũng là lợi ích của cộng đồng, của người dân. Do vậy, việc điều chỉnh quy hoạch là cần thiết nhưng thực hiện phải chặt chẽ, phải giải quyết được sự mâu thuẫn giữa quy hoạch với thực tế đang diễn ra, làm sao người dân phải sống được trên mảnh đất của mình, quyền lợi của người dân không bị hạn chế.
Quan điểm của chính quyền TP là ưu tiên bảo vệ quyền lợi của người dân trong khi chưa kêu gọi đầu tư và triển khai thực hiện dự án đầu tư. Do đó cần phải chi tiết, cụ thể hóa quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 nhằm xác định cụ thể vị trí, ranh giới từng chức năng sử dụng đất trong ĐHH. Việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật sẽ được thực hiện theo phương thức Nhà nước và người dân cùng làm.
Đối với chức năng quy hoạch đất DCXDM, sở, ngành, địa phương cần phải quản lý trật tự xây dựng thật chặt chẽ, xử lý nghiêm đối với các trường hợp xây dựng không phép, sai phép, tự ý phân lô hộ lẻ nhằm thực hiện quy hoạch đúng theo quy định của pháp luật.
Quy hoạch chức năng ĐHH và đất DCXDM được xác định sao?
Quy hoạch chức năng ĐHH thường được xác định tại các khu vực dọc theo các trục giao thông chính, đường giao thông cấp đô thị, xung quanh nhà ga của các tuyến metro. Hiện trạng của các khu vực này chủ yếu là các nhà xưởng, cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ô nhiễm cần phải di dời. Ngoài ra, các khu chung cư cũ, các khu nhà ở lụp xụp chưa đảm bảo điều kiện hạ tầng kỹ thuật, cần kêu gọi đầu tư cũng được đưa vào quy hoạch ĐHH.
Tuy nhiên, trong định hướng quy hoạch không xác định cụ thể vị trí, ranh giới cho từng cơ cấu chức năng sử dụng đất (đất ở, đất cây xanh, đất công trình công cộng...) mà chỉ mang tính định hướng, theo tỉ lệ phần trăm (%) từng loại chức năng sử dụng đất. Khi kêu gọi đầu tư, triển khai thực hiện dự án thì mới xác định ranh, vị trí từng chức năng sử dụng đất thông qua đồ án quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500.
Quy hoạch chức năng đất DCXDM thường được xác định ở các khu đất trống, đất dự trữ phát triển, đất nông nghiệp xen cài trong khu dân cư. Đất DCXDM chính là đất ở, định hướng là để kêu gọi đầu tư dự án phát triển nhà ở, có sự đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/tphcm-se-ra-soat-xoa-quy-hoach-khong-kha-thi-921958.html