TP.HCM thiếu các trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế?

Hiện nay hầu hết các hội chợ thương mại lớn của cả nước liên quan đến xuất nhập khẩu đều chọn TP.HCM là nơi tổ chức, lịch Trung tâm Hội chợ và Triển lãm và Sài Gòn đã kín đến hết một hai năm sau.

Ngày 31-7, tại TP.HCM, Bộ Công thương tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đông Nam Bộ.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng, Đông Nam Bộ là vùng kinh tế năng động, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, vùng đang đối mặt với nhiều vấn đề cần giải quyết như tốc độ phát triển của vùng thời gian qua chưa tương xứng so với tiềm năng.

Công nghiệp chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp. Công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm, chưa làm chủ được công nghệ cao, công nghệ lõi, công nghệ nguồn trong những ngành chủ lực.

Mối quan hệ và liên kết vùng trong lĩnh vực xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu còn chưa được quan tâm thỏa đáng.

TP.HCM thiếu trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục xúc tiến Thương mại cho biết, vùng Đông Nam Bộ gồm sáu địa phương, trong đó TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai là ba đầu tàu ngoại thương, công nghiệp của cả nước.

Tuy nhiên, nhiều năm qua công tác xúc tiến đầu tư của ba địa phương này là riêng lẻ, chưa có hoạt động liên kết nào.

Về hạ tầng cho hoạt động xúc tiến thương mại, vùng Đông Nam Bộ ngoài Bình Dương có một trung tâm triển lãm quốc tế lớn, TP.HCM chưa có nhiều.

“Hiện nay hầu hết các hội chợ thương mại lớn của cả nước liên quan đến xuất nhập khẩu đều chọn TP.HCM nơi tổ chức. Khi chúng tôi liên kết với các DN, tổ chức nước ngoài thì lịch Trung tâm Hội chợ và Triển lãm và Sài Gòn đã kín đến hết cả một hai năm sau”- ông Phú kể.

Ông Phú kiến nghị, TP.HCM quan tâm khẩn trương đầu tư, có cơ chế khuyến khích tư nhân, các tổ chức đầu tư vào hạ tầng cho thương mại, hội chợ, xúc tiến thương mại…

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, về cơ sở hạ tầng đối với hoạt động xúc tiến thương mại như phản ảnh TP.HCM thiếu các trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế, trung tâm hội nghị quốc tế. Vấn đề này thành phố đang chỉ đạo quyết liệt.

“Lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo Sở Công thương phối hợp quận 12 rà soát, tìm kiếm địa điểm để xây dựng trung tâm hội chợ triển lãm. Tại thành phố Thủ Đức, Sở đã chọn được một số địa điểm, dự kiến sẽ xây dựng các trung tâm với quy mô quốc tế”- ông Phương nói.

Trong khi đó, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tây Ninh cho biết, Sở đề xuất tiếp tục nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại hoặc liên vùng để tỉnh có điều kiện tham gia vì DN đa số là nhỏ.

Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ cho những tiềm năng lợi thế của từng vùng. Đơn cử Tây Ninh có điều kiện thuận lợi về chăn, nuôi trồng trọt, đất nông nghiệp còn lớn.

Bên cạnh đó, do đặc thù so với các địa phương khác, hiện nay Tây Ninh có vài doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình qua Campuchia đầu tư trồng các loại nông sản. Sau đó họ thu hoạch về làm nguyên liệu chế biến cho các ngành công nghiệp.

Tuy nhiên, những danh mục hàng hóa này vẫn chưa đầy đủ theo quy định của pháp luật. Do đó, đề nghị Bộ Công thương kiến nghị Chính phủ hoặc phối hợp các bộ ngành tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh.

Ngoài ra, các DN, hiệp hội ngành hàng nếu có điều kiện nghiên cứu cùng Tây Ninh đầu tư thêm phát huy các vùng nguyên liệu về trồng trọt, chăn nuôi để phục vụ trong chế biến hàng hóa xuất khẩu.

 Lãnh đạo Bộ Công thương, lãnh đạo UBND TP.HCM, UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu tại hội nghị. Ảnh: TÚ UYÊN

Lãnh đạo Bộ Công thương, lãnh đạo UBND TP.HCM, UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu tại hội nghị. Ảnh: TÚ UYÊN

Cần quy hoạch vùng nguyên liệu, kiểm soát chất lượng để hàng hóa vươn xa

Theo ông Phương, thời gian qua với nhiệm vụ của Sở là kết nối giúp các địa phương phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ hàng hóa. Qua hoạt động này, nhận thấy còn có một số vướng mắc, nhất là trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Ông Phương cho biết, TP.HCM có các hệ thống phân phối mạnh. Đơn cử siêu thị MM Mega Market xuất khẩu thanh long sang nhiều nước và thường xuyên sang Thái Lan.

Đơn vị này vừa thí điểm xuất khẩu thanh long sang Mỹ thành công chuyến hàng đầu tiên. Tuy nhiên, qua container thứ hai bị trả về do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép.

Siêu thị MM Mega Market cho biết có điều kiện, có khả năng giúp DN xuất khẩu nhưng khó kiểm soát chất lượng.

Tương tự, chúng tôi vừa làm việc cùng Hiệp hội thanh long Bình Thuận cũng cho biết hoàn toàn đảm chất lượng theo yêu cầu của DN xuất khẩu.

Tuy nhiên, do quy hoạch vùng nguyên liệu chưa có. Khi họ thí điểm làm trên diện tích nhỏ nhưng xung quanh sản xuất theo phương thức bình thường dẫn đến rủi ro lây nhiễm, lô hàng xuất khẩu bị trả về. Đây là điều đáng tiếc.

“Chúng tôi cho rằng, với yêu cầu chuyển đổi số hiện nay sẽ hỗ trợ cho công tác truy xuất nguồn gốc, cùng với đó là phối hợp quy hoạch vùng.

Thế mạnh của TP.HCM thông qua các hiệp hội như logistics, các DN phân phối có thể giúp hàng hóa đi xa. Tuy nhiên, vai trò quy hoạch vùng nguyên liệu và kiểm soát chất lượng rất quan trọng”- ông Phương nói.

Thứ trưởng Bộ Công thương, Phan Thị Thắng cho rằng để khắc phục những hạn chế, vượt qua thách thức mới đang đặt ra trong phát triển vùng Đông Nam Bộ cần phải có hàng loạt các giải pháp.

Trong đó, có giải pháp thúc đẩy khoa học, công nghệ; liên kết vùng trong các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu theo quy mô chuyên nghiệp.

“Muốn làm được vùng Đông Nam Bộ cần phát huy tối đa các nguồn lực, thực thi hiệu quả các chương trình hành động mang tính đột phá”-bà Thắng nói.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, với vai trò là đầu tàu của nền kinh tế, cực tăng trưởng của vùng Đông Nam Bộ và dẫn đầu về kim ngạch xuất nhập khẩu nhiều năm qua.

Riêng sáu tháng năm 2024 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của TP.HCM đạt gần 49,9 tỉ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, hầu hết kim ngạch xuất khẩu theo mặt hàng như máy vi tính, sản phẩm điện tử, hàng dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ, hàng rau… đều tăng. Đây là một trong những điểm sáng của nền kinh tế và có ý nghĩa tạo đà tăng trưởng cho những tháng còn lại của năm 2024.

TP.HCM dự kiến xây dựng 8 trung tâm logistics

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, thời gian qua hạ tầng giao thông được bàn đến nhiều, là điểm nghẽn trong hoạt động xuất khẩu của vùng Đông Nam Bộ. Nếu giải quyết được đây là cơ sở giúp cho vùng phát triển, giảm được chi phí logistics.

TP.HCM nhận thức điều này nên đã có chỉ đạo đã hoàn thiện quy hoạch các trung tâm logistics, dự kiến xây dựng tám trung tâm.

Khi triển khai chúng tôi đã gặp một số vướng mắc, lãnh đạo Thành phố quyết liệt thành lập Tổ công tác rà soát xử lý các khó khăn của từng trung tâm để thúc đẩy việc sớm hình thành.

TÚ UYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-thieu-cac-trung-tam-hoi-cho-trien-lam-quoc-te-post803067.html