TP. Hồ Chí Minh 'chạy đua nước rút' để đạt mục tiêu tăng trưởng 7,5%

Chỉ còn chưa đầy 2,5 tháng nữa là kết thúc năm 2024, thời gian để hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và đặc biệt là đối với TP. Hồ Chí Minh đang là áp lực rất lớn khi phải tăng tốc nhiều giải pháp, chạy nước rút với thời gian để đạt được mục tiêu đề ra cả năm.

TP. Hồ Chí Minh sẽ sớm đưa vào vận hành dự án đường sắt đô thị tuyến metro số 1 ngay trong quý IV/2024. Ảnh tư liệu

TP. Hồ Chí Minh sẽ sớm đưa vào vận hành dự án đường sắt đô thị tuyến metro số 1 ngay trong quý IV/2024. Ảnh tư liệu

Đà tăng trưởng tích cực trong quý III

Theo đánh giá của ông Nguyễn Khắc Hoàng - Cục trưởng Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, tình hình kinh tế - xã hội của thành phố trong quý III và 9 tháng năm 2024 tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Sản xuất công nghiệp, tiêu dùng và xuất khẩu vẫn là 3 trụ cột chính tác động đến sự tăng trưởng kinh tế trên địa bàn. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 9 tháng tăng 6,9% so với cùng kỳ, phản ánh nhu cầu thị trường đang tăng và chu kỳ sản xuất cuối năm sẽ tạo động lực cho khu vực sản xuất công nghiệp. Một điều rất đáng mừng là xuất khẩu sau bao nhiêu tháng giảm đã tăng trở lại, ghi nhận mức tăng 1,2% trong số thu từ xuất, nhập khẩu. Nhiều doanh nghiệp cho biết đã có các đơn hàng ổn định từ nay đến cuối năm 2024, thậm chí một số đơn hàng kéo dài đến quý I/2025.

Cũng theo ông Nguyễn Khắc Hoàng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định với mức tăng 10,5%, cao hơn trung bình cả nước. Các chỉ số cho thấy sự phục hồi của khu vực sản xuất, cũng như chứng minh chương trình kích cầu đang được triển khai rất tốt. Riêng hoạt động du lịch, lĩnh vực này đã hoàn toàn phục hồi, đóng góp tích cực vào nền kinh tế thành phố, với sự gia tăng của khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, thu ngân sách tăng 14,3% đã khẳng định một số lĩnh vực sản xuất kinh doanh có sự tăng trưởng ổn định. Cùng với đó, chi ngân sách thường xuyên tăng 14,1% là tín hiệu rất tốt trong sự tăng trưởng của thành phố. Hiện chỉ số lạm phát của TP. Hồ Chí Minh cũng đang ở mức thấp 3,17% và dự báo duy trì mức 4% trong 2024.

Theo Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, kết quả kinh tế - xã hội quý III/2024 của thành phố mặc dù vẫn tiếp đà phục hồi và phát triển, theo chiều hướng tích cực, quý sau cao hơn quý trước, nhất là trong quý III, nhưng vẫn chưa có sự đột phá; công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương vẫn còn nhiều điểm còn chưa thông suốt…

Phải đồng bộ các giải pháp trong ngắn hạn

Theo phân tích của các chuyên gia, tháng 9 vừa qua, TP. Hồ Chí Minh tuy không là địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp do bão số 3 nhưng cũng bị liên đới đến chuỗi nguyên liệu sản xuất, thị trường tiêu thụ và du lịch. Điều này đang làm cản trở bước đột phá trong những tháng cuối năm, nhất là trong bối cảnh cả hệ thống chính trị của thành phố phải tập trung nỗ lực phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kinh tế - xã hội cả năm.

Trước dự báo mức tăng trưởng kinh tế của thành phố chỉ đạt hơn 7%, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho rằng, nếu muốn năm 2024 đạt được 7,5% thì trong quý IV, thành phố phải tăng trưởng đến trên 9%. Đây thực sự đặt ra áp lực rất lớn trong thực hiện nhiệm vụ từ nay đến hết năm 2024 (chỉ còn 2,5 tháng nữa là kết thúc).

Theo TS. Nguyễn Văn Hiến - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing, để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm như kỳ vọng, trong quý IV/2024, TP. Hồ Chí Minh cần tập trung một số giải pháp ngắn hạn nhưng mang tính đột phá. Trong đó tập trung đẩy mạnh hỗ trợ cho 3 lĩnh vực gồm: xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư. Theo đó, về xuất khẩu, lãnh đạo thành phố cần làm việc với phía ngân hàng, tăng cường hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp đang có hợp đồng, đơn hàng xuất khẩu. Đối thị trường bất động sản tiêu dùng, thành phố cần quan tâm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp có đủ pháp lý thực hiện các dự án nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp nhưng đang thiếu vốn. Thành phố cần có chính sách hỗ trợ hoãn, giãn nợ, tăng cường giải ngân, hấp thụ vốn cho những doanh nghiệp này.

Một vấn đề quan trọng nữa đó là phải tập trung kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm bằng các biện pháp như: đẩy mạnh cho vay tiêu dùng đi đôi với các chương trình khuyến mãi tiêu dùng cho người nghèo; khởi động lại các doanh nghiệp chuyên sản xuất, cung ứng hàng hóa phục vụ tiêu dùng. Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh nên đặc biệt coi trọng đẩy nhanh đầu tư công, hấp thụ vốn cho các dự án, giải quyết việc làm cho người lao động theo phương châm “vướng ở đâu - tháo gỡ ở đó”.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi trong nhiều lần phát biểu chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong quý IV luôn nhấn mạnh, không còn chần chừ gì nữa, ngay từ thời điểm này các cơ quan, đơn vị, địa phương, từng người đứng đầu phải rà soát, tăng tốc thực hiện các giải pháp, nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của cơ quan và phối hợp để hệ thống hành chính hiệu quả hơn. Từng sở, ngành, địa phương, từng người đứng đầu phải chọn việc trọng tâm, trọng điểm để thực hiện.

Đặc biệt, đối với giải ngân đầu tư công, đây là một trong những nhiệm vụ cả hệ thống chính trị phải tập trung toàn lực để thực hiện các ngành, địa phương, các chủ đầu tư phải tập trung quyết liệt giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai. Trong đó, phải tập trung giải quyết các vấn đề nổi cộm về quy hoạch, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm; sớm đưa vào vận hành dự án đường sắt đô thị tuyến metro số 1 ngay trong quý IV này. Đối với giải ngân đầu tư công, TP. Hồ Chí Minh sẽ không điều chỉnh, mà tập trung giải quyết những vướng mắc để đạt kết quả cao nhất (95% kế hoạch vốn được giao).

Phải đồng bộ các giải pháp để đột phá

TP. Hồ Chí Minh cần tăng cường, quyết liệt hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh; đẩy mạnh thực hiện các chương trình khuyến công, hỗ trợ doanh nghiệp, kích cầu đầu tư, tiêu dùng. Ngoài ra, thành phố cần quyết liệt hơn để hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật giúp phát huy hiệu quả hơn nội lực của nền kinh tế. GS-TS Nguyễn Thị Cành - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Gia Cư

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tp-ho-chi-minh-chay-dua-nuoc-rut-de-dat-muc-tieu-tang-truong-75-161974.html