TP Hồ Chí Minh: Điểm sáng giảm nghèo bền vững

TP Hồ Chí Minh phấn đấu đến cuối năm 2025 sẽ không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn cả nước và còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo thành phố. Thành phố tiếp tục hoàn thiện chính sách giảm nghèo bảo đảm lâu dài gắn với mục tiêu phát triển bền vững, chăm lo tốt an sinh xã hội.

Giảm nghèo thực chất, thoát nghèo bền vững

Đầu giai đoạn 2021-2025, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh còn 639 hộ nghèo (chiếm 1,35% hộ dân) nhưng đến cuối tháng 3-2024, toàn quận không còn hộ nghèo, chỉ còn 292 hộ cận nghèo (chiếm 0,62% hộ dân) với hơn 1.350 nhân khẩu. Quận Phú Nhuận vừa được UBND TP Hồ Chí Minh công nhận hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của thành phố giai đoạn 2021-2025, sớm hơn một năm so với kế hoạch.

Vừa được công nhận thoát hộ nghèo, gia đình ông Bùi Văn Cường (phường 9, quận Phú Nhuận) càng nhân đôi niềm vui khi được các cấp trao tặng phương tiện sinh kế là chiếc xe máy. Gia đình ông còn nhiều khó khăn khi có hai người em ruột bị bệnh tâm thần, bị bại liệt do bị tai nạn giao thông hơn 10 năm qua. Bản thân ông Cường đang là lao động chính trong gia đình. Ông Cường chia sẻ: “Công việc chính của tôi là nhận sửa giày dép tại nhà. Với chiếc xe máy được trao tặng, tôi sẽ chạy thêm xe ôm lúc không có đơn hàng để kiếm thu nhập chăm lo các em, từng bước ổn định kinh tế, không phụ sự quan tâm chăm lo của địa phương”.

Trao tặng xe đạp, học bổng đến học sinh là con em các hộ gia đình thoát nghèo tại quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh.

Trao tặng xe đạp, học bổng đến học sinh là con em các hộ gia đình thoát nghèo tại quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh.

Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện công tác giảm nghèo của địa phương, theo đồng chí Nguyễn Đông Tùng, Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận, địa phương triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách, giải pháp giảm nghèo thực chất và toàn diện với phương châm “trao cần câu chứ không trao con cá”. Quận đã huy động, vận động các nguồn lực tạo nên hệ sinh thái hỗ trợ giảm nghèo từ công tác an sinh xã hội, phát huy nguồn vốn giảm nghèo đến các chính sách chăm lo, trao tặng phương tiện sinh kế, đào tạo nghề, giải quyết việc làm...

Với phương châm không để người nghèo bị bỏ lại phía sau và không để tái nghèo, TP Hồ Chí Minh đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Đặc biệt, thành phố xác định không chỉ giảm hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia mà thường xuyên bổ sung, nâng cao chuẩn nghèo để bảo đảm tính bền vững lâu dài. Theo đó, chuẩn hộ nghèo thành phố là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/năm từ 46 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

Để bảo đảm chương trình giảm nghèo có hiệu quả thực chất, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã ban hành Chỉ thị số 32-CT/TU về việc tăng cường sự chỉ đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn thành phố. Mục tiêu chính thành phố hướng tới là hỗ trợ người nghèo được thoát nghèo và được hưởng những nhu cầu tối thiểu về điều kiện sống, các dịch vụ xã hội cơ bản. Cùng với đó, thành phố quan tâm làm tốt công tác dạy nghề và giới thiệu việc làm cho thanh niên, thiếu niên thuộc diện hộ nghèo và hộ cận nghèo.

 Quận Phú Nhuận trao tặng quà an sinh xã hội đến các em học sinh, thiếu nhi.

Quận Phú Nhuận trao tặng quà an sinh xã hội đến các em học sinh, thiếu nhi.

Thông qua nhiều giải pháp hỗ trợ từ chính sách của TP Hồ Chí Minh, sự giúp đỡ của cộng đồng xã hội, sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp và sự vươn lên thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo tại thành phố được kéo giảm xuống còn 0,33%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ Thành phố lần thứ XI đề ra. Đến nay, 9 địa phương cấp huyện hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của thành phố giai đoạn 2021-2025, gồm: Quận 3, 5, 7, 10, 11, Bình Tân, Tân Phú, Phú Nhuận và huyện Củ Chi.

Cuối năm 2022, TP Hồ Chí Minh không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia, hoàn thành trước thời hạn hơn hai năm so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XI đã đề ra là đến cuối năm 2025, cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia và còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo của thành phố. Năm 2024, thành phố huy động tổng hợp các nguồn lực thực hiện những chính sách, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo với tổng kinh phí dự kiến hơn 13.700 tỷ đồng. Mục đích cuối cùng của thành phố là bảo đảm cuộc sống cho người dân, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, không để tái nghèo.

Chăm lo an sinh, nâng cao chất lượng sống người dân

Đồng hành trong thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, hệ thống MTTQ của TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều mô hình thiết thực như: “Ngày hội nhân ái”, “Kết nối sẻ chia-Trao yêu thương”, “Heo đất nghĩa tình”, “Siêu thị 0 đồng”... Hệ thống MTTQ còn tổ chức nhiều chương trình an sinh xã hội ý nghĩa như: Xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa, nhà tình thương, trao tặng phương tiện sinh kế, trợ cấp khó khăn, hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề, tặng học bổng... Các địa phương, đơn vị tùy điều kiện cụ thể cũng triển khai nhiều mô hình, hoạt động để giúp đỡ hộ nghèo, thành lập nhóm hộ giúp nhau làm kinh tế, tổ phụ nữ tiết kiệm, hội viên nông dân thi đua làm kinh tế giỏi.

Trong những ngày này, hệ thống chính trị và các cơ quan, đơn vị, địa phương tại TP Hồ Chí Minh đang hưởng ứng và triển khai tích cực các hoạt động trong Tháng cao điểm Vì người nghèo năm 2024. Tại lễ phát động cấp thành phố, các đơn vị, doanh nghiệp các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, hệ thống MTTQ các cấp hưởng ứng thực hiện xây dựng mới, sửa chữa 358 căn nhà tạm, nhà dột nát với tổng kinh phí gần 20,5 tỷ đồng. Thành phố đặt mục tiêu phấn đấu xóa 10% nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, khó khăn có đủ điều kiện trước ngày 30-4-2025. Quỹ “Vì người nghèo” TP Hồ Chí Minh dịp này cũng tiếp nhận ủng hộ và đăng ký của 45 tổ chức, cá nhân với kinh phí gần 19 tỷ đồng.

Trao tặng kinh phí đến các địa phương xây dựng mới, sửa chữa nhà cho người nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn.

Trao tặng kinh phí đến các địa phương xây dựng mới, sửa chữa nhà cho người nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn.

Để vận hành Quỹ “Vì người nghèo” hiệu quả, đồng chí Đoàn Văn Lý, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Quận 12 cho biết: “Quận cụ thể hóa bằng những công trình, phần việc cụ thể, tránh tình trạng đối tượng cần được hỗ trợ không tiếp cận được chính sách. Từ nguồn quỹ, quận hỗ trợ sửa chữa nhà tình nghĩa, nhà tình thương, trao phương tiện sinh kế, trao học bổng Nguyễn Hữu Thọ, hỗ trợ người bị bệnh hiểm nghèo, trẻ em mồ côi giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn… góp phần thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững, thực hiện công tác an sinh xã hội”.

Để công tác giảm nghèo trên địa bàn thành phố bền vững, đồng chí Nguyễn Phước Lộc, Phó bí thư Thành ủy, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh mong muốn các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với MTTQ các cấp thường xuyên rà soát, nắm chắc số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân gặp khó khăn đột xuất, đồng thời bảo đảm triển khai đồng bộ chính sách người có công, chính sách an sinh xã hội và chính sách bảo trợ xã hội đúng đối tượng thụ hưởng, tạo sự đồng thuận của xã hội.

UBND TP Hồ Chí Minh vừa ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 53-CTrHĐ/TU ngày 9-4-2024 của Thành ủy Thành phố về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới”. Thành phố hướng tập trung mạnh về công tác giảm nghèo bền vững gắn liền với chăm lo an sinh xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng sống của người dân.

 TP Hồ Chí Minh thực hiện giải pháp “trao cần câu chứ không trao con cá” trong hỗ trợ giảm nghèo bền vững.

TP Hồ Chí Minh thực hiện giải pháp “trao cần câu chứ không trao con cá” trong hỗ trợ giảm nghèo bền vững.

TP Hồ Chí Minh phấn đấu đến cuối năm 2025 sẽ không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn cả nước và còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo thành phố. Đồng thời, đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo, ban hành chính sách hỗ trợ có điều kiện, nâng cao chất lượng công tác giảm nghèo bền vững. Đến năm 2030, thành phố phấn đấu giải quyết việc làm bình quân cho 300.000 lượt người/năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 89%. TP Hồ Chí Minh sẽ nâng mức chuẩn nghèo của thành phố về thu nhập cao gấp 2 lần so với mức chuẩn chung cả nước vào năm 2030.

Trước mắt, Thành phố cũng xác định năm 2024 là năm tăng tốc để hoàn thành mục tiêu phấn đấu không còn hộ nghèo theo chuẩn thành phố giai đoạn 2021-2025 hướng tới chào mừng 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-2025).

Bài và ảnh: HỒNG GIANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/tp-ho-chi-minh-diem-sang-giam-ngheo-ben-vung-799529