TP Hồ Chí Minh khơi thông 'điểm nghẽn' ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường

TP Hồ Chí Minh hiện có hơn 8 triệu xe máy và gần 1 triệu ôtô, chiếm đến 90% tỷ lệ phương tiện giao thông đang lưu thông, dẫn đến lượng phát thải thuộc nhóm cao nhất cả nước. Trung bình mỗi ngày có khoảng 9.878 tấn chất thải rắn sinh hoạt, chủ yếu đem chôn lấp gây ra nhiều hậu quả xấu cho môi trường.

Ngoài ra, chỉ với 7/28 trạm trung chuyển đạt tiêu chuẩn, tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường chỉ chiếm khoảng 12,8%, hay sự phụ thuộc quá lớn vào các phương tiện giao thông cơ giới sử dụng nhiên liệu hóa thạch như xăng, dầu diesel, là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm không khí. Vì vậy, để giải quyết vấn đề về môi trường tại TP Hồ Chí Minh thì cần được khơi thông các điểm nghẽn...

Thu gom chất thải rắn đưa vào nhà máy xử lý bằng công nghệ hiện đại.

Thu gom chất thải rắn đưa vào nhà máy xử lý bằng công nghệ hiện đại.

Ông Phan Ngọc Ánh – Chủ nhiệm CLB Năng lượng mới TP Hồ Chí Minh, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ năng lượng Alena đưa ra giải pháp để góp phần giải quyết điểm nghẽn này là phát triển xe điện tại TP Hồ Chí Minh. Các trạm sạc sử dụng điện mặt trời để sạc pin, đảm bảo nguồn điện gốc sử dụng điện sạch 100%.

Theo chia sẻ của bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh, Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội cho phép TP Hồ Chí Minh ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch để giảm ô nhiễm môi trường và đầu tư phát triển phương tiện giao thông công cộng nhằm hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, hạn chế ùn tắc giao thông. Đây là cơ hội rất tốt cho các nhà đầu tư phát triển các phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch như: xe chạy điện, xe chạy bằng pin nhiên liệu hydro,...

TP Hồ Chí Minh dự kiến cũng thực hiện kêu gọi đầu tư theo hình thức BT đối với một số đoạn tuyến trên đường Vành đai 2 để khép kín đồng bộ trục giao thông huyết mạch này, đồng thời TP Hồ Chí Minh cũng đã xác định danh mục 5 dự án nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu áp dụng loại hợp đồng BOT. Trong đó, dự kiến vốn nhà nước sẽ tham gia khoảng 27.869 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 62% tổng vốn dự án, nhằm tăng tính khả thi về mặt tài chính của các dự án.

Về hệ thống đường sắt và xe điện công cộng, ngoài các tuyến Metro 1 cơ bản đã hoàn thành, TP Hồ Chí Minh còn phải phát triển dự án Metro 2 (giai đoạn 1: 48.320 tỷ đồng) và Metro 5 (giai đoạn 1: 41.072 tỷ đồng), đã xác định được nguồn vốn từ các nhà tài trợ. Còn lại 9 dự án Metro và 3 dự án đường sắt nhẹ có tổng vốn đầu tư dự kiến là 386.560 tỷ đồng.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai cũng cho biết, liên quan đến việc xử lý chất thải rắn, cơ chế mới cho phép nhà đầu tư đang thực hiện dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt tự nguyện chuyển đổi toàn bộ công nghệ của dự án sang xử lý chất thải rắn sinh hoạt có thu hồi năng lượng được UBND Thành phố xem xét, quyết định bổ sung khối lượng chất thải rắn sinh hoạt theo hình thức đặt hàng. Cơ chế này khuyến khích các doanh nghiệp xử lý rác thải trên địa bàn tự thực hiện chuyển đổi công nghệ để xử lý được lượng rác nhiều hơn, đồng thời giảm rủi ro về an ninh chất thải, ô nhiễm môi trường. Chính sách chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn sẽ khuyến khích các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện hữu chuyển đổi, nâng cấp công nghệ xử lý rác, đưa vào vận hành các nhà máy xử lý rác theo hướng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường.

Thúy Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/tp-ho-chi-minh-khoi-thong-diem-nghen-un-tac-giao-thong-o-nhiem-moi-truong-i722907/