TP. Hồ Chí Minh: Khu đô thị An Phú hơn 20 năm chưa xong hạ tầng đã giao cho chủ đầu tư
Dự án hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị An Phú, TP Thủ Đức chưa thực hiện xong hạ tầng nhưng có 9 chủ đầu tư dự án thành phần đã được giao đất chính thức.
Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Kết luận Thanh tra số 8161/KL-STNMT-TTr về việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chính Khu đô thị phát triển An Phú (Khu đô thị An Phú) tại TP Thủ Đức do Công ty CP Địa ốc Thủ Thiêm thực hiện.
Dự án hạ tầng kỹ thuật chính Khu đô thị An Phú được Thủ tướng Chính phủ giao cho Công ty Dịch vụ Phát triển đô thị (nay là Công ty CP Địa ốc Thủ Thiêm) từ năm 2001 để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chính, gồm 5 tuyến đường, 3 công viên và 1 trường học trong Khu đô thị An Phú.
Theo Quyết định, sau khi xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật chính khu đô thị, Công ty Dịch vụ Phát triển đô thị bàn giao toàn bộ diện tích đất trên cho UBND TP. Hồ Chí Minh để UBND Thành phố quyết định việc giao đất, cho thuê đất đối với các tổ chức có chức năng đầu tư các dự án thành phần theo quy hoạch được duyệt và theo quy định của pháp luật đất đai.
Thế nhưng, dự án hạ tầng chính Khu đô thị An Phú vẫn chưa thực hiện xong. Cụ thể, có 4/5 tuyến đường chưa bồi thường xong (đường Bắc Nam 1, Bắc Nam 2, Bắc Nam 3, đường Đông Tây 2), chỉ có 1 tuyến đường Đông Tây 1 hoàn thành xong bồi thường năm 2021 với khối lượng thực hiện được 70%; 3/3 công viên và Khu 1,6 ha xây dựng trường học chưa bồi thường xong.
Dù dự án hạ tầng kỹ thuật chính Khu đô thị An Phú chưa thực hiện xong, nhưng đã có 9 chủ đầu tư dự án thành phần được giao đất chính thức (đã hoàn tất công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng), gồm có: Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Tân Tạo, Công ty Đầu tư và Dịch vụ thành phố Invesco, Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức, Công ty TNHH Tiến Phước, Công ty CP bất động sản Nova Lexington, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Mỹ Mỹ, Công ty CP Bất động sản Xây lắp Dầu khí Việt Nam, Công ty TNHH Liên doanh Hoàng Kim, Công ty TNHH Một thành viên Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận.
Lý giải về việc này, Công ty CP Địa ốc Thủ Thiêm cho biết, do những thay đổi về các tiêu chuẩn kỹ thuật công trình, trượt giá trong chi phí đầu tư xây dựng, cũng như việc xác định lại chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng. Trong đó, Chủ đầu tư dự án thành phần chưa thống nhất với Công ty CP Địa ốc Thủ Thiêm về kinh phí đóng góp để tiếp tục thực hiện bồi thường và thi công dự án hạ tầng.
Do đó, việc bồi thường giải phóng mặt bằng đã gặp khó khăn do tình trạng tự chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng giấy tay, người dân yêu cầu bồi thường giá quá cao so với dự kiến.
Ngoài ra, nguồn vốn của Công ty CP Địa ốc Thủ Thiêm không đủ điều kiện để thực hiện dự án. Công ty đã nhiều lần gửi hồ sơ thay đổi Giấy đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch Đầu tư về việc tăng vốn điều lệ nhưng đến nay vẫn không thực hiện được do Sở Kế hoạch Đầu tư yêu cầu phải có văn bản đồng thuận của cơ quan quản lý phần vốn Nhà nước là Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn (cổ đông sở hữu 20% vốn của Công ty, tương đương 12 tỷ đồng), nhưng Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn không tán thành việc tăng vốn điều lệ.
Theo Thanh tra Sở TN-MT, đến thời điểm hiện tại Công ty chỉ nhận được 5 phản hồi từ các dự án thành phần. Vì vậy Công ty chưa chứng minh được nguồn vốn đầu tư của dự án theo yêu cầu của Sở Xây Dựng, dẫn đến hồ sơ thiết kế cơ sở chưa được phê duyệt, cũng như không đủ điều kiện pháp lý để điều chỉnh tổng mức đầu tư của Dự án hạ tầng kỹ thuật chính.
Bên cạnh đó, dự án hạ tầng kỹ thuật chính đến nay vẫn chưa thực hiện xong và khó có khả năng thực hiện, vướng mắc phần lớn ở kinh phí đầu tư xây dựng do không có sự thống nhất đóng góp của chủ đầu tư dự án và các chủ đầu tư thành phần. Do đó, để đảm bảo hoàn thành dự án, Công ty CP Địa ốc Thủ Thiêm và các Chủ đầu tư Dự án thành phần phải có trách nhiệm thống nhất phương án đóng góp, cách thức đóng góp và cam kết thời hạn hoàn thành dự án.
*Báo Đại biểu Nhân dân tiếp tục giám sát và thông tin kết quả thực thi pháp luật của các đơn vị liên quan đến vụ việc trên đến bạn đọc và cử tri cả nước.