TP Hồ Chí Minh: Nhiều thách thức trong phân luồng học sinh sau trung học

Qua 1 năm triển khai chương trình phối hợp, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS nhập học các trình độ giáo dục nghề nghiệp mới đạt bình quân hơn 26%/năm, thấp hơn mục tiêu đặt ra (40%).

Các đại biểu thông tin tại hội nghị. Ảnh: Nghiêm Ý

Các đại biểu thông tin tại hội nghị. Ảnh: Nghiêm Ý

Ngày 19-9, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị sơ kết 1 năm triển khai thực hiện chương trình phối hợp về định hướng phân luồng và giáo dục nghề nghiệp đối với học sinh THCS và THPT giai đoạn 2023-2025.

Tại hội nghị, bà Huỳnh Lê Duy Trang, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thông tin, đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” của Thủ tướng Chính phủ đã xác định mục tiêu đến năm 2025, có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp. Tuy nhiên, hiện tỷ lệ này bình quân hằng năm chỉ đạt khoảng 26,19%, dự báo nhiều thách thức lớn trong việc thực hiện đề án trong năm 2025.

Học sinh đang theo học tại Trường Cao đẳng Quốc tế thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Nghiêm Ý

Học sinh đang theo học tại Trường Cao đẳng Quốc tế thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Nghiêm Ý

Còn bà Trần Đức Hạnh Quỳnh, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận 1 nhận định, công tác phân luồng trên địa bàn chưa hiệu quả là do điều kiện kinh tế của phần lớn hộ gia đình khá hơn nên chỉ muốn cho con em vào đại học, cao đẳng. Nhiều phụ huynh tin rằng sau THCS là lứa tuổi chưa trưởng thành, trong khi giáo trình đào tạo tại các trường nghề còn lạc hậu, không đáp ứng nhu cầu của xã hội, học sinh học nghề ra trường khó tìm được việc làm. Vì vậy, nhiều phụ huynh chưa muốn cho con em học nghề.

Ông Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quốc tế cho biết, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học sơ cấp và trung cấp nghề còn thấp, trong khi còn một tỷ lệ không nhỏ học sinh tốt nghiệp THCS tham gia thị trường lao động mà không qua đào tạo đã làm ảnh hưởng đến chất lượng và cơ cấu đào tạo của lực lượng lao động. Trong năm 2023, khảo sát sơ bộ tại quận Bình Tân, trong 30% học sinh phân luồng thì tỷ lệ vào học sơ cấp, học trung cấp chỉ khoảng 10% đến 15,5%.

Để tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thu hút học sinh, ông Nguyễn Đăng Lý mong muốn Sở Giáo dục và Đào tạo cho phép các trường nghề đủ điều kiện có thể dạy hệ giáo dục thường xuyên trong nhà trường; các quận, huyện tạo điều kiện cho các nhà trường giáo dục nghề nghiệp tham gia giảng dạy, tư vấn hướng nghiệp tại các trường THPT và THCS; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cần tập hợp và xây dựng các chương trình tư vấn hướng nghiệp cho các trường giáo dục nghề nghiệp trực tiếp dạy để đảm bảo tính thực tiễn…

Ngoài ra, sở cần cung cấp các khóa đào tạo chuyên sâu cho giáo viên về tư vấn hướng nghiệp, giúp họ có kiến thức, kỹ năng phân tích năng lực, sở thích của học sinh…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đầu tư đào tạo nghề cho học sinh có ý nghĩa quan trọng vì góp phần quyết định chất lượng nguồn nhân lực tương lai của thành phố.

Để thực hiện hiệu quả chính sách phân luồng, các cơ sở giáo dục tập trung công tác tuyên truyền hướng nghiệp cho giáo viên, phụ huynh về đào tạo nghề và lựa chọn nghề phù hợp hoàn cảnh, điều kiện thực tế của học sinh.

“Cơ sở giáo dục cần tạo điều kiện, cơ hội bình đẳng cho các trường nghề tham gia hướng nghiệp cho học sinh phổ thông. Mặc khác, cần có chế độ hỗ trợ giáo viên làm công tác hướng nghiệp. Các trường nghề phải nâng cao chất lượng đào tạo, bổ sung máy móc, trang thiết bị hiện đại để tăng sức thu hút cho người học…”, bà Trần Thị Diệu Thúy nói.

Thanh Tàu

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tp-ho-chi-minh-nhieu-thach-thuc-trong-phan-luong-hoc-sinh-sau-trung-hoc-678713.html