TP Hồ Chí Minh: tập trung hỗ trợ giáo dục mầm non các khu công nghiệp

Giáo dục mầm non ở TP Hồ Chí Minh đang chịu nhiều áp lực từ đô thị hóa nhanh. Nhu cầu giáo dục mầm non tăng cao, nhất là tại các khu đông công nhân. Do đó, cải thiện các chính sách hỗ trợ giáo dục mầm non là ưu tiên hàng đầu của TP Hồ Chí Minh.

TP Hồ Chí Minh nâng cao hiệu quả chính sách hỗ trợ giáo dục mầm non khu các khu công nghiệp.

TP Hồ Chí Minh nâng cao hiệu quả chính sách hỗ trợ giáo dục mầm non khu các khu công nghiệp.

Thách thức về nguồn nhân lực

Theo số liệu thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Hồ Chí Minh, tính đến tháng 10/2024, toàn TP có 3.281 cơ sở giáo dục mầm non. Trong đó, có 1.261 trường và 2.020 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập. Đáng chú ý, số lượng cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất chiếm tỷ lệ cao, lên đến 61,14% với 771 trường và 1.590 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập.

Theo bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh), số lượng trẻ đang theo học và giáo viên công tác ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập đều chiếm tỷ lệ nhiều hơn so với hệ thống công lập. Điều này không chỉ đúng ở khu vực có khu công nghiệp mà còn ở các địa bàn không có khu công nghiệp.

Sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống giáo dục mầm non ngoài công lập cho thấy vai trò quan trọng của khu vực tư nhân trong việc đáp ứng nhu cầu giáo dục mầm non ngày càng tăng của TP. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra yêu cầu về việc quản lý chất lượng và đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục mầm non cho mọi đối tượng trẻ em.

Mặc dù số lượng cơ sở giáo dục mầm non tăng nhanh, việc đảm bảo đủ số lượng và chất lượng giáo viên vẫn là một thách thức lớn. Nhiều cơ sở giáo dục mầm non, đặc biệt là ở khu vực ngoài công lập, đang phải đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên hoặc giáo viên không đáp ứng đủ tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn.

Nguyên nhân của tình trạng này có thể kể đến như: áp lực công việc cao, mức lương chưa tương xứng với công sức bỏ ra, và thiếu các chính sách hỗ trợ đặc thù cho giáo viên mầm non. Điều này đòi hỏi cần có những chính sách đột phá để thu hút và giữ chân đội ngũ giáo viên có chất lượng, đặc biệt là ở các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Tạo môi trường tốt cho trẻ em học tập

Trong thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đặc thù nhằm phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non. Các chính sách này không chỉ tập trung vào việc hỗ trợ cơ sở vật chất mà còn chú trọng đến việc nâng cao đời sống và thu nhập cho đội ngũ giáo viên.

Một trong những chính sách quan trọng là Nghị quyết 27/2021/NQ-HĐND được ban hành ngày 9/12/2021. Đây được xem là một trong những chính sách chủ chốt, tập trung vào các cơ sở giáo dục mầm non độc lập ở khu công nghiệp, nơi có trên 30% trẻ em là con công nhân và lao động làm việc trong khu công nghiệp.

Nghị quyết 27/2021/NQ-HĐND đã mang lại những kết quả đáng kể trong 3 năm qua cho giáo dục mầm non tại TP Hồ Chí Minh.

Nghị quyết 27/2021/NQ-HĐND đã mang lại những kết quả đáng kể trong 3 năm qua cho giáo dục mầm non tại TP Hồ Chí Minh.

Cụ thể, các cơ sở này nhận hỗ trợ trang bị đồ dùng và sửa chữa cơ sở vật chất với mức từ 20 đến 50 triệu đồng mỗi nơi. Chính sách giúp cải thiện môi trường học tập và giảm gánh nặng tài chính cho cơ sở ngoài công lập.

Ngoài ra, trẻ em là con công nhân được hỗ trợ 160.000 đồng/tháng, tối đa 9 tháng/năm, còn giáo viên tại cơ sở tư thục được 800.000 đồng/người/tháng, giúp cải thiện thu nhập và giữ chân giáo viên.

Sau gần 3 năm, Nghị quyết này đã chi hơn 1 tỷ đồng cho cơ sở giáo dục mầm non, 12,6 tỷ cho trẻ em và 2,6 tỷ cho giáo viên. TP cũng đầu tư xây dựng mới 33 trường và sửa chữa 577 trường, tổng kinh phí lên tới gần 1.800 tỷ đồng.

Những con số này cho thấy sự quan tâm đặc biệt của TP đối với việc cải thiện điều kiện học tập cho trẻ em mầm non. Việc đầu tư vào cơ sở vật chất không chỉ tạo ra môi trường giáo dục tốt hơn mà còn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non nói chung.

Huy Chương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tp-ho-chi-minh-tap-trung-ho-tro-giao-duc-mam-non-cac-khu-cong-nghiep.html