TP. Hồ Chí Minh 'trợ lực' toàn diện cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ

Xác định công nghiệp hỗ trợ là lĩnh vực ưu tiên cần tập trung phát triển, thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, ưu tiên hỗ trợ toàn diện cho doanh nghiệp trên địa bàn kết nối với các tập đoàn đa quốc gia, công ty FDI; đồng thời dành các ưu đãi, điều kiện tốt để doanh nghiệp phát triển, tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu.

Xác định công nghiệp hỗ trợ là lĩnh vực ưu tiên cần tập trung phát triển, thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, ưu tiên hỗ trợ toàn diện cho doanh nghiệp trên địa bàn kết nối với các tập đoàn đa quốc gia, công ty FDI; đồng thời dành các ưu đãi, điều kiện tốt để doanh nghiệp phát triển, tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu.

Thời gian qua, ngành công nghiệp đóng vai trò chủ đạo và có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của kinh tế TP. Hồ Chí Minh, chiếm khoảng 20% GRDP toàn Thành phố năm 2023. Đặc biệt, trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, cơ cấu ngành công nghiệp TP. Hồ Chí Minh đã chuyển dịch đúng định hướng, cơ cấu 4 ngành công nghiệp trọng yếu tăng từ 52,8% năm 2016 lên 55,82% năm 2020.

Trong đó, ngành công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giúp nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng, góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong toàn ngành công nghiệp.

Xác định công nghiệp hỗ trợ là lĩnh vực ưu tiên cần tập trung phát triển, từ Đại hội X đến nay, Thành ủy và UBND TP. Hồ Chí Minh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai rất nhiều giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ như: Thành lập Ban Chỉ đạo phát triển công nghiệp hỗ trợ Thành phố; thành lập Trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ Thành phố trực thuộc Sở Công thương; cùng với một số giải pháp cụ thể khác như xây dựng Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Thành phố; tổ chức kết nối cung cầu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, kích cầu đầu tư, hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp...

Các giải pháp trên đã góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố tham gia hiệu quả chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu.

Đơn cử, giai đoạn 2022-2023, chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ của TP. Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tỷ lệ nội địa hóa tính chung của 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 2 ngành công nghiệp truyền thống đạt 55,2% và tỷ lệ nhập khẩu đạt 44,8%.

Thành phố đã hình thành và đi vào hoạt động 2 phân khu công nghiệp hỗ trợ trong các khu công nghiệp (KCN), đang lập đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 KCN Phạm Văn Hai I và II, trong đó quy hoạch phân khu chức năng chuyên ngành điện - điện tử, cao su - nhựa, cơ khí tự động hóa sẽ tạo điều kiện cho Thành phố có nhiều cơ hội thu hút đầu tư dự án ngành công nghiệp hỗ trợ hoặc dự án công nghệ cao có quy mô lớn.

Thành phố cũng đã xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu công nghiệp hỗ trợ tạo cầu nối gắn kết doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh; đã khảo sát 4 mặt bằng nhà, đất để đề xuất mở rộng trung tâm trưng bày tại quận Tân Bình, Bình Thạnh, Phú Nhuận.

Một trong những giải pháp quan trọng mà TP. Hồ Chí Minh tập trung triển khai là tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố liên kết cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia, để tiếp nhận chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản trị sản xuất và từng bước hiện đại hóa sản xuất trong nước tiến tới tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng hành cùng các doanh nghiệp trong quá trình đổi mới công nghệ mở rộng sản xuất.

Định kỳ hằng năm, UBND Thành phố giao Sở Công thương phối hợp Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp (HEPZA) và Ban quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) tổ chức “Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ” nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả các hoạt động kết nối giữa các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ Việt Nam với các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đầu cuối. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, giúp các doanh nghiệp sản xuất trong nước nắm bắt các cơ hội thị trường, tiếp cận và từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Được tổ chức liên tiếp từ năm 2018, qua 6 lần diễn ra, Hội nghị đã được sự ủng hộ của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đầu chuỗi lớn với 116 lượt doanh nghiệp tham gia. Các hội nghị đã kết nối hơn 1.800 cuộc tiếp xúc trực tiếp với 370 lượt tham gia của nhà máy sản xuất công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nhỏ và vừa có sản phẩm cung ứng phù hợp nhu cầu. Qua đó, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã tự tin tiếp cận, giới thiệu năng lực và tham gia vào chuỗi cung ứng.

Năm 2024, Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ (SFS) tiếp tục được tổ chức trong tháng 8 nhằm kết nối cung cầu trực tiếp và trực tuyến về sản phẩm tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ B2B. Hội nghị năm nay với chủ đề “Sự sẵn sàng của công nghiệp hỗ trợ trong chuỗi cung ứng các ngành công nghệ mới nổi” với mục đích tạo các cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã sẵn sàng trong các năm qua về năng lực cung ứng, nỗ lực đầu tư cải tiến nhà máy, để tiếp cận các nhu cầu hợp tác sản xuất chế tạo và nội địa hóa của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài FDI và doanh nghiệp sản xuất công nghiệp lớn của Việt Nam.

Các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị gồm hội thảo thông tin về xu hướng thị trường các ngành công nghệ mới nổi như công nghiệp vi mạch bản dẫn; thị trường các ngành công nghiệp có giá trị cao như ngành hàng không vũ trụ, ngành công nghiệp y tế; kết nối cung cầu trực tiếp với các chuỗi cung ứng từ các đối tác Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… và các ngành công nghiệp thế mạnh của Việt Nam gồm công nghiệp ô tô, công nghiệp cơ khí, công nghiệp điện - điện tử - điện gia dụng. Hội nghị là nền tảng cho các nhà sản xuất công nghiệp hỗ trợ Việt Nam lập chiến lược sản xuất dài hạn, kế hoạch đầu tư đổi mới sản xuất, tham gia có hiệu quả các chương trình đầu tư đổi mới giá trị công nghiệp của ngành Công Thương TP. Hồ Chí Minh.

Mới đây nhất, UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2024 - 2025.

Theo Kế hoạch, Thành phố sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đầu tư phát triển, mở rộng thị trường; kết nối cung cầu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Trong đó chú trọng xây dựng, tham mưu ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; triển khai hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư sản xuất lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ theo các chương trình hỗ trợ lãi suất đầu tư và các chính sách ưu tiên của Thành phố.

Đồng thời, tổ chức Chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ tiêu biểu TP. Hồ Chí Minh; hỗ trợ quảng bá, phát triển doanh nghiệp có sản phẩm được bình chọn tại chương trình. Đổi mới, tăng cường các hoạt động truyền thông về công nghiệp hỗ trợ. Mở rộng Trung tâm trưng bày sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Thành phố; tổ chức hội chợ, triển lãm và các hoạt động xúc tiến, kết nối cung cầu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp vi mạch, tạo điều kiện để TP. Hồ Chí Minh bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và xây dựng đô thị thông minh.

Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất như: Khảo sát, đánh giá khả năng và nhu cầu áp dụng các tiêu chuẩn, hệ thống quản lý trong sản xuất tại các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Thành phố. Đồng thời, tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực quản lý chất lượng, năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ cho sản phẩm công nghệ cao.

Thành phố cũng sẽ hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ như: Xây dựng và triển khai Kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, quan tâm thực hiện việc kiểm định theo các tiêu chuẩn quốc tế, khu vực ASEAN do các tổ chức quốc tế thực hiện, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu theo Quyết định số 248 ngày 19/1/2022 của UBND TP. Hồ Chí Minh về ban hành Kế hoạch kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh giai đoạn từ nay đến năm 2025. Đào tạo nâng cao trình độ, năng lực quản trị, năng lực sản xuất và quản trị chất lượng sản phẩm cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

Ngoài ra, Thành phố tiếp tục hỗ trợ giải quyết nhu cầu về mặt bằng sản xuất cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ gồm: Tiếp tục thực hiện quy hoạch phân khu công nghiệp hỗ trợ trong các khu công nghiệp theo chỉ tiêu đề ra. Trong đó, sẽ tiếp tục khai thác hiệu quả và phát triển mô hình nhà xưởng cao tầng. Hoàn thành lập quy hoạch phân khu xây dựng đối với Khu công nghiệp Phạm Văn Hai I và Phạm Văn Hai II; bổ sung, hoàn thiện các pháp lý cần thiết để thành lập Khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao.

Đáng chú ý, theo Kế hoạch của UBND TP. Hồ Chí Minh, Thành phố sẽ xây dựng triển khai thực hiện Đề án thí điểm chuyển đổi 5 khu chế xuất, khu công nghiệp gồm: Khu chế xuất Tân Thuận, Khu công nghiệp Cát Lái, Khu công nghiệp Hiệp Phước, Khu công nghiệp Bình Chiểu theo Đề án “Định hướng phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2023 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045” và Kế hoạch triển khai đề án theo Quyết định số 1354. Đồng thời vận hành Cổng thông tin công nghiệp hỗ trợ như: Vận hành và hoàn thiện cổng cơ sở dữ liệu sản phẩm công nghiệp chủ lực và công nghiệp hỗ trợ của Thành phố; điều tra, đánh giá tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Thành phố.

Riêng năm 2024, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã có Tờ trình gửi UBND Thành phố về kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ năm 2024.

Theo Tờ trình, năm 2024, Sở Công Thương dự kiến tiếp nhận và xử lý hồ sơ đăng ký tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất của Thành phố đối với 5 dự án.

Để được hỗ trợ lãi suất vay, doanh nghiệp phải đáp ứng đủ các điều kiện được quy định tại Nghị quyết số 09/2023/NQ-HĐND.

Đầu tiên là doanh nghiệp phải có sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ tiêu biểu của TP.HCM. Ngành nghề sản xuất phải thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố.

Mức hỗ trợ lãi suất chỉ áp dụng đối với dự án có mức vay tối đa là 200 tỷ đồng, khi đó ngân sách Thành phố sẽ hỗ trợ lãi suất tối đa 70% đối với phần đầu tư xây dựng công trình.

Riêng đối với phần vốn đầu tư công nghệ và thiết bị (được tính toán phù hợp quy định) được hỗ trợ lãi suất tối đa 85%.

Mức lãi suất được hỗ trợ tối đa không vượt quá mức lãi suất huy động tiết kiệm bằng tiền đồng Việt Nam kỳ hạn 12 tháng (trả lãi cuối kỳ) bình quân của 4 ngân hàng thương mại gồm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển; Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương; Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương, cộng thêm phí quản lý 2%/năm.

Cùng với hỗ trợ lãi suất, TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá các sản phẩm tại triển lãm về công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ năm 2024.

Ngoài ra, Thành phố hỗ trợ thêm việc đào tạo chuyển đổi số; đào tạo về hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015; tập huấn nâng cao năng lực marketing cho doanh nghiệp…

Bài: Thy Thảo
Ảnh: Tiến Thành
Thiết kế: Duy Kiên

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/magazine/tp--ho-chi-minh--tro-luc--toan-dien-cho-doanh-nghiep-cong-nghiep-ho-tro-127150.htm