TPHCM còn 13 tuyến đường trục chính ngập do mưa
Chiều 30/10, UBND TPHCM tổ chức họp báo tình hình kinh tế - xã hội thường kỳ tháng 10. Các đồng chí: Lâm Đình Thắng – Thành ủy viên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT); Phạm Đức Hải – Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy; Đặng Quốc Toàn – Chánh Văn phòng UBND Thành phố, đồng chủ trì cuộc họp.
Tham dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành và phóng viên một số cơ quan báo chí Trung ương và TPHCM.
TPHCM còn 13 tuyến đường chính ngập do mưa
Trả lời câu hỏi phóng viên gửi về họp báo, ông Đỗ Tấn Long - Phó giám đốc Trung tâm Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TPHCM) cho biết, hiện trên địa bàn thành phố còn 13 tuyến đường trục chính ngập do mưa.
Các tuyến đường ngập do mưa: Quốc Lộ 1A, Đặng Thị Rành, Dương Văn Cam, Kha Vạn Cân, Thảo Điền, Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng (Thành phố Thủ Đức); đường Nguyễn Văn Khối - Cây Trâm, Lê Đức Thọ, Quang Trung (quận Gò Vấp); đường Phan Anh (quận Tân Phú); đường Hồ Học Lãm (quận Bình Tân); đường Bạch Đằng (quận Bình Thạnh).
Để từng bước khắc phục tình trạng ngập nước trên các tuyến đường, UBND Thành phố đã ban hành ”Đề án chống ngập và xử lý nước thải TPHCM giai đoạn 2020-2045 và Kế hoạch chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020-2030 tại Quyết định số 299/QĐ-UBND ngày 25/01/2021”; ”Kế hoạch Chống ngập và xử lý nước thải TPHCM giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 3272/QĐ-UBND ngày 08/9/2021”. Trong đó thực hiện các dự án để giải quyết 18 tuyến đường trục chính còn bị ngập.
Các tuyến đường ngập được phân kỳ đầu tư cụ thể trong giai đoạn 2020-2025 và sau năm 2025. Đồng thời, giao nhiệm vụ chủ đầu tư cho các Ban Quản lý dự án chuyện ngành cụ thể để triển khai thực hiện.
Từ năm 2020 đến nay, các Ban Quản lý dự án chuyên ngành đã hoàn thành 05 tuyến đường gồm: Tân Quý, Trương Công Định, Ban Vân, Bàu Cát, Nguyễn Hữu Cảnh.
Hiện Thành phố đang hoàn thiện các thủ tục để chuẩn bị đầu tư các tuyến đường còn lại.
Đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở
Liên quan tiến độ giải quyết thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho người mua nhà tại các dự án phát triển nhà ở thương mại trên địa bàn, Trưởng phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường Võ Công Lực cho biết, Sở này đã và đang giải quyết việc cấp giấy chứng nhận, đáp ứng nhu cầu, quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người mua nhà tại các dự án Nhà ở thương mại trên địa bàn Thành phố.
Qua rà soát, xác định được 81.085 căn nhà tại các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn Thành phố, tuy đã có văn bản thẩm định đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận nhưng chưa thể cấp do 06 nhóm vướng mắc gồm: (1) Chờ xác minh của cơ quan thuế; (2) Chậm nộp hồ sơ cấp; (3) Loại hình bất động sản mới; (4) Rà soát nghĩa vụ tài chính bổ sung; (5) Vướng mắc khác (đối tượng mua nhà; cấn trừ nghĩa vụ tài chính…) và (6) Đang trong quá trình thanh tra, điều tra.
Để giải quyết 06 nhóm vướng mắc nêu trên, Sở đã tiến hành phân nhóm, phân loại và ban hành kế hoạch giải quyết. Đến thời điểm hiện tại, Sở cũng như Văn phòng Đăng ký đất đai đã giải quyết cấp 17.300 giấy chứng nhận cho người mua nhà tại các dự án.
Bên cạnh đó, chuyển 7.000 hồ sơ đến các cơ quan thuế để xác nhận nghĩa vụ tài chính làm cơ sở ký phát hành giấy chứng nhận cho người mua nhà tại các dự án trong thời gian tới.
Ngoài ra, Sở đã liên tục tổ chức làm việc trực tiếp với cơ quan thuế, các Chủ đầu tư dự án và các doanh nghiệp dự án để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đáp ứng quyền lợi cho người mua nhà tại dự án
Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố, đơn vị sẽ sớm tham mưu thành lập Tổ Công tác tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà tại các dự án nhà ở thương mại với để thực hiện trao đổi thông tin, lấy ý kiến trực tiếp giải quyết các vướng mắc, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải quyết cấp giấy chứng nhận, đáp ứng nhu cầu hợp pháp, chính đáng của người mua nhà tại các dự án.
Mặt bằng lãi suất dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong giai đoạn cuối năm 2023
Thông tin về phương án hỗ trợ, điều chỉnh lãi suất đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM Nguyễn Đức Lệnh cho hay, từ đầu năm 2023 đến nay, thực hiện chủ trương của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ về giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, NHNN đã 04 lần giảm lãi suất điều hành với mức giảm 0,5 - 2%/năm và kết hợp đồng bộ các công cụ chính sách khác.
Tại TPHCM, theo thông tin của các Ngân hàng thương mại có trụ sở chính trên địa bàn, ngoài các đợt giảm lãi suất, các đơn vị đã chủ động điều chỉnh giảm. Thực hiện cam kết điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,5% - 2%/năm đối với các khoản vay hiện hữu và sẽ tiếp tục thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay mới. Mặt bằng lãi suất trên địa bàn dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong giai đoạn cuối năm 2023.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, từ nay đến cuối năm 2023 - là giai đoạn cao điểm về nhu cầu vốn để thanh toán, dự trữ hàng hóa, tăng cường sản xuất kinh doanh phục vụ cao điểm Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán…, ngành ngân hàng Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời các chỉ đạo của Ngân hàng Trung ương, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân như đã thực hiện trong thời gian qua.
Đồng thời, tiếp tục định hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế; thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng, đa dạng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, đơn giản hóa thủ tục, đảm bảo hoạt động tín dụng hiệu quả.
Tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ, công chức tại cơ sở có thời gian nghỉ ngơi
Thông tin việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 80/NQ-HĐND về Đề án cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại các phường, xã, thị trấn theo quy mô dân số, hoạt động kinh tế và đặc điểm địa bàn (sau đây gọi chung là Đề án), Trưởng phòng Phòng Xây dựng chính quyền và công tác thanh niên (Sở Nội vụ) Nguyễn Văn Hiếu cho biết, UBND Thành phố đã ban hành kế hoạch về thực hiện tăng Phó Chủ tịch đối với 52 phường, xã, thị trấn có quy mô dân số từ đủ 50.000 dân trở lên.
Căn cứ kế hoạch này, UBND thành phố Thủ Đức, quận, huyện đang thực hiện quy trình bổ nhiệm, phê chuẩn kết quả bầu cử chức vụ Phó Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn thẩm quyền.
Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, sẽ tăng 52 Phó Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn; 323 công chức phường, xã, thị trấn và hơn 1.800 người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Sở Nội vụ sẽ tham mưu UBND Thành phố trình HĐND Thành phố giao bổ sung biên chế công chức làm việc tại phường năm 2023; giao số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách phường, xã, thị trấn năm 2024.
Đề án này xác định số lượng nhân sự cần thiết để đảm bảo nguồn lực nhân sự thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước tại cơ sở. Với số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách được tăng cường sẽ góp phần giảm tải khối lượng công việc mà một cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách đang đảm nhận.
Qua đó, tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ, công chức tại cơ sở có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo năng suất lao động; có thời gian tham gia các lớp học bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn góp phần tạo ra nhiều sang kiến, giải pháp để cải tiến quy trình làm việc; nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp cũng như đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính trên địa bàn…
Theo đại diện Sở Nội vụ, việc tăng số lượng Phó Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn có thể xem xét bổ nhiệm, phê chuẩn kết quả bầu cử đối với nhân sự được giới thiệu quy hoạch từ nguồn tại chỗ hoặc điều động, luân chuyển; Việc tăng số lượng công chức phường, xã, thị trấn sẽ thực hiện bằng hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển, tiếp nhận hoặc điều động theo quy định từ các cơ quan, đơn vị, đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo phù hợp với tiêu chuẩn chức danh. UBND cấp xã chủ động căn cứ theo số lượng, chức danh để tuyển dụng, ký hợp đồng lao động đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã để bổ sung số lượng.
Phát hiện 108 tài khoản mạng xã hội nước ngoài đăng thông tin xấu độc
Trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, ngành chức năng TPHCM đã ngăn chặn, gỡ bỏ 330 bài viết có thông tin xấu độc trên tài khoản mạng xã hội Facebook, 439 video trên nền tảng YouTube, 573 video trên TikTok, hàng trăm trang tin điện tử có tên miền quốc tế. Thông tin được ông Nguyễn Ngọc Hồi – Phó Giám đốc Sở TT-TT cung cấp tại họp báo.
Với 108 tài khoản mạng xã hội nước ngoài đăng tải các thông tin xấu độc, các quan điểm sai trái, thù địch, Sở TT-TT TPHCM đã chuyển danh sách để Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử xem xét xử lý theo quy định. Với các tài khoản có địa chỉ cư trú tại TPHCM thì tiến hành xử phạt vi phạm hành chính.
Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng rà soát, thống kê hơn 30 sàn Forex tổ chức các sự kiện, hội thảo kêu gọi đầu tư vào các giao dịch tiền số; mời nhiều cá nhân, tổ chức có liên quan lên làm việc.
Hệ thống ứng dụng CNTT do Sở TT-TT thực hiện có khả năng nắm bắt thông tin của hơn 70 triệu tài khoản mạng xã hội và hơn 100 ngàn trang tin khác; quản lý, nắm bắt thông tin khoảng 150 trang báo điện tử, hơn 1.500 trang tin điện tử tổng hợp và 350 trang mạng xã hội do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép.
Lãnh đạo Sở TT-TT cũng cho biết, đơn vị thường xuyên phối hợp với Công an Thành phố và các phòng nghiệp vụ liên quan đánh giá và giám định các nội dung có dấu hiệu vi phạm pháp luật về hình sự trên không gian mạng để xử lý. Trong thời gian qua, Sở đã giám định tư pháp 114 hồ sơ, thẩm định 131 tài liệu có nội dung liên quan đến việc đăng tải thông tin xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xuyên tạc, kích động chống phá Đảng, Nhà nước, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm lãnh đạo… trên internet.
TPHCM nỗ lực thực hiện giải ngân đầu tư công
Ông Đặng Quốc Toàn – Chánh Văn phòng UBND Thành phố cho biết, đến cuối tuần qua, các quận, huyện và TP Thủ Đức đã gửi đầy đủ cam kết về giải ngân đầu tư công.
Trong đó, có 18/22 địa phương cam kết giải ngân trên 95%; 4/22 địa phương (Hóc Môn, Gò Vấp, Tân Bình, Thủ Đức) cam kết giải ngân từ 80-95%. Các đơn vị có đề xuất về bố trí tái định cư để sớm thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
Phát biểu trước đó, bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thông tin, năm 2023, Thành phố được giao giải ngân đầu tư công hơn 68.000 tỷ đồng. Đến nay, đã giải ngân 24.199 tỷ, đạt 35% kế hoạch. Về giá trị tuyệt đối, TPHCM đang giải ngân đứng thứ 3 cả nước (chỉ sau Bộ Giao thông vận tải và Thành phố Hà Nội).
Hiện các sở, ngành đang tích cực phối hợp các chủ đầu tư triển khai thủ tục để các dự án đủ cơ sở pháp lý bố trí vốn trong quý I năm 2024. UBND TP đã bổ sung vốn cân đối và vốn bổ sung cho các quận, huyện và TP Thủ Đức để các địa phương chủ động trong kế hoạch đầu tư công.
Nêu ra các giải pháp đồng bộ để tăng cường phát hiện, xử lý và có phương án chấn chỉnh ứng xử trên không gian mạng, ông Nguyễn Ngọc Hồi cũng cho biết, hiện Sở TT-TT được Thành phố giao chủ trì xây dựng, vận hành, khai thác hiệu quả ứng dụng CNTT để tổng hợp thông tin dư luận xã hội quan tâm, cũng như giám sát thông tin xấu độc.