TPHCM: Đề xuất bố trí hơn 24.000 tỷ đồng làm đường Vành đai 3
UBND TPHCM kiến nghị HĐND TPHCM thống nhất chủ trương triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 và chủ trương đảm bảo thực hiện cân đối đủ vốn ngân sách hơn 24.000 tỷ đồng để thực hiện đoạn qua địa bàn thành phố.
Sáng 7/4, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 5 HĐND TPHCM khóa X, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng đã báo cáo Tờ trình về việc triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 – TPHCM.
Dự án đường Vành đai 3 có chiều dài khoảng 76,34 km đi qua TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An; được đầu tư xây dựng với bốn làn xe cao tốc hạn chế, đường song hành mỗi bên 2-3 làn xe.
Dự án được đầu tư công từ nguồn vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương với tổng mức đầu tư khoảng 75.377 tỷ đồng, trong đó, chi bồi thường, tái định cư cho các hộ dân bị giải tỏa là 41.589 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia, việc khép kín đường Vành đai 3 góp phần hoàn chỉnh hệ thống mạng lưới cao tốc kết nối TPHCM với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, kéo giảm ùn tắc giao thông khu vực.
Để đảm bảo tiến độ (cơ bản hoàn thành tuyến cao tốc cuối năm 2025), TPHCM và các tỉnh có tuyến đường này đi qua đã thống nhất đề xuất một số cơ chế chính sách đặc thù trình Quốc hội xem xét, cho phép áp dụng.
Tại kỳ họp này, UBND TPHCM trình HĐND TPHCM xem xét, ban hành Nghị quyết thống nhất chủ trương triển khai dự án Đầu tư xây dựng Vành đai 3 TP.HCM và chủ trương đảm bảo thực hiện cân đối đủ vốn từ ngân sách thành phố để thực hiện dự án.
Theo nội dung tờ trình, về ngân sách thực hiện dự án, UBND TPHCM cho biết tổng vốn ngân sách của địa phương dự kiến bố trí cho dự án là hơn 24.000 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách TPHCM trong giai đoạn 2021-2025 là hơn 19.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, tại kỳ họp, UBND TPHCM cũng trình HĐND TPHCM xem xét, thống nhất chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3, đoạn qua TPHCM.
Theo đó, diện tích rừng bị ảnh hưởng trong phạm vi của dự án là 16,82 ha thuộc địa bàn xã Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh) đã được UBND TPHCM chấp thuận cho Công ty TNHH Một thành viên cây trồng TPHCM quản lý, sử dụng.
Về hiệu quả kinh tế, UBND TPHCM đánh giá việc quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nói trên giúp thành phố tăng cường năng lực lưu thông hành khách và hàng hóa, tiết kiệm thời gian, chi phí vận chuyển; phát huy tối đa hiệu quả lợi thế các tỉnh, tạo điều kiện phát triển dịch vụ vận tải liên vùng; mở rộng không gian phát triển các khu đô thị mới, các khu công nghiệp, dịch vụ logistic dọc hai tuyến đường; góp phần phát triển kinh tế của TPHCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Về mặt xã hội, việc quy hoạch làm giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, giải quyết nhu cầu cấp bách về cơ sở hạ tầng giao thông khu vực; tạo cơ hội việc làm cho người dân, tạo hạ tầng giao thông nền tảng để phát triển các khu đô thị mới; giải quyết nhu cầu nhà ở cho người lao động có thu nhập thấp trên địa bàn TPHCM và các tỉnh…
Đường Vành đai 3 mở ra hướng mới về phát triển đô thị cho các đô thị vệ tinh như Nhơn Trạch (Đồng Nai); khu đô thị Tây Bắc (Củ Chi, TPHCM); khu đô thị Đức Hòa, Đức Huệ (Long An)... Từ đó, tuyến đường chia sẻ áp lực với khu vực nội đô của 4 địa phương, tác động tích cực không gian đô thị và phát triển đô thị bền vững.
Đồng thời, quy hoạch cũng giúp làm giảm đáng kể lưu lượng các phương tiện đi qua khu vực đông dân cư, giảm thiểu tác động môi trường, nâng cao chất lượng môi trường đô thị.
Vành đai 3 là đường liên vùng và điểm đầu của các tuyến cao tốc hướng tâm như TPHCM - Long Thành - Dầu Giây; TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành...
Theo quy hoạch, TP.HCM có 3 tuyến vành đai (2, 3, 4), tổng chiều dài 356 km. Đến nay, thành phố chỉ đưa vào khai thác được 71 km (vành đai 2 khoảng 55 km, vành đai 3 là 16 km). Riêng vành đai 4 chưa được đầu tư xây dựng.
Tình trạng đầu tư thiếu đồng bộ hệ thống đường vành đai TPHCM như hiện nay đã trở thành điểm nghẽn phát triển kinh tế - xã hội của thành phố cũng như Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Khi tuyến đường Vành đai 3 được đưa vào khai thác, các xe vận tải liên tỉnh không cần đi qua trung tâm thành phố, đông dân cư, tiết kiệm thời gian hành trình, chi phí vận tải, tạo thêm hướng kết nối giữa TP.HCM với sân bay Long Thành ngoài cao tốc TPHCM - Long Thành.