TPHCM: Phát triển hạ tầng giáo dục bằng nguồn vốn kích cầu

Các dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo mở rộng, đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại, kỹ thuật cao chuyên sâu trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo trên địa bàn TPHCM thuộc diện Ngân sách Thành phố xem xét hỗ trợ toàn bộ lãi suất.

Nhờ có nguồn vốn vay kích cầu mà nhiều trường học đã được đầu tư hiện đại . Ảnh: VGP/Thanh Thủy

Nhờ có nguồn vốn vay kích cầu mà nhiều trường học đã được đầu tư hiện đại . Ảnh: VGP/Thanh Thủy

Theo ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo TPHCM, chương trình kích cầu thông qua đầu tư là một trong những chủ trương sáng tạo đột phá của TPHCM để khuyến khích đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của các ngành nói chung và cho giáo dục nói riêng.

Từ năm 2000 đến nay, TPHCM đã tài trợ cho 72 dự án trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo với tổng vốn vay 1.318 tỷ đồng - chiếm hơn 48% chương trình kích cầu của TPHCM.

Theo đó, thời gian hỗ trợ lãi vay không quá 7 năm với vốn vay ngân sách hỗ trợ lãi suất không quá 70% của phần vốn đầu tư xây dựng cơ bản, công nghệ và thiết bị. Mức vay được hỗ trợ lãi suất không quá 100 tỷ cho 1 dự án và với những dự án có mức vay trên 100 tỷ đồng thì UBND Thành phố sẽ xem xét, quyết định từng trường hợp cụ thể.

Tổng vốn vay của các dự án được ngân sách hỗ trợ lãi vay thông qua chương trình kích cầu không quá 12.000 tỷ đồng.

Để tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp và trường học trong các thủ tục hành chính khi tiến hành vay vốn, ông Diệp Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC), cho biết quy trình đánh giá thẩm định chỉ không quá 25 ngày làm việc, qua 2 “cửa” tại HFIC và Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Đặc biệt, riêng trong các dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo mở rộng, đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại, kỹ thuật cao chuyên sâu trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo (trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT, Trung cấp nghề, Cao đẳng, Đại học) trên địa bàn TPHCM sẽ thuộc diện Ngân sách Thành phố xem xét hỗ trợ toàn bộ lãi suất.

Nhiều trường học nhờ vay vốn kích cầu nên đã phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị, từ đó nâng cao chất lượng giảng dạy và đào tạo. Ví dụ: Đại học Tôn Đức Thắng TPHCM với số vốn vay 100 tỷ đồng đã phát triển thêm cơ sở 2; Đại học Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia TPHCM đã được vay 87 tỷ đồng để đầu tư lớp học và phòng thí nghiệm; Trường Mầm non tư thục Ánh hồng từ năm 2012 đã được vay 8,36 tỷ đồng trên tổng dự án của trường là 17,56 tỷ đồng…

Thanh Thủy

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/hoat-dong-dia-phuong/tphcm-phat-trien-ha-tang-giao-duc-bang-nguon-von-kich-cau/197788.vgp