TPHCM phát triển kinh tế ban đêm, tạo đột phá du lịch
Là một trong những trung tâm du lịch ở khu vực phía Nam, TPHCM có sức hút lớn đối với du khách trong nước và quốc tế. Ngay sau khi mở cửa đón du khách quốc tế, Sở Du lịch thành phố đang có những chiến lược phát triển kinh tế du lịch về đêm với kỳ vọng sẽ tạo ra đột phá thu hút 3,5 triệu lượt khách từ nay đến cuối năm.
TPHCM đang nỗ lực thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Ảnh: Phạm Nguyễn
Sau thời gian dài bị gián đoạn vì sự bùng phát của đại dịch trên toàn cầu, nỗ lực kiểm soát COVID-19 đã giúp TPHCM mở cửa trở lại những chuyến bay quốc tế từ ngày 15/3. Sự kiện trên đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của du khách quốc tế có nhu cầu tham quan Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng.
Tại buổi họp báo về tình hình dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế (chiều 21/3), ông Nguyễn Việt Anh, Trưởng phòng Quản lý Lữ hành Sở Du lịch TPHCM cho biết, ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, Chính phủ chủ trương mở lại chuyến bay quốc tế, ngành du lịch đã chủ động tham mưu cho UBND TPHCM ban hành các kế hoạch nhằm thu hút khách. Thành phố đã có dự thảo xây dựng bộ tiêu chí an toàn trong lĩnh vực du lịch để sẵn sàng tiếp đón du khách quốc tế.
Sau 1 tuần mở cửa trở lại, bước đầu lượng du khách đoàn đến thành phố chưa nhiều nhưng đã có những tín hiệu khả quan khi lượng khách lẻ đang ngày càng gia tăng. Trước tình hình trên, các doanh nghiệp du lịch đang ráo riết triển khai các kế hoạch thu hút và tổ chức đón khách vào cuối tháng 3 đầu tháng 4/2022.
“Qua khảo sát sơ bộ của một số công ty lữ hành trên địa bàn thành phố, dự kiến trong tháng tới sẽ có vài nghìn lượt khách trong khu vực Đông Nam Á và các quốc gia trên toàn thế giới sẽ đến TPHCM, bao gồm cả khách lẻ và khách đoàn. Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp lữ hành ở châu Âu đang đặc biệt quan tâm đến môi trường du lịch sau đại dịch tại Việt Nam”- ông Anh thông tin.
Ba giải pháp trọng tâm
Về chiến lược phát triển, đa dạng loại hình du lịch thu hút và giữ chân khách khi đến TPHCM, bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Trưởng phòng Quy hoạch Phát triển Tài nguyên Du lịch, Sở Du lịch TPHCM cho biết, trên thực tế, các khu phố đi bộ, các phố ẩm thực, khu chợ đêm ngoài phục vụ khách nội địa và người dân trên địa bàn thành phố thì lượng khách rất lớn khác là du khách quốc tế. Hiện nay, việc trải nghiệm và mua sắm, vui chơi của người dân thành phố chưa được nhộn nhịp như trước khi có dịch, khách du lịch còn chưa cao.
Theo bà Thảo, để thu hút khách tham quan, Sở Du lịch đã lấy ý kiến của các địa phương, doanh nghiệp, sở ngành và xin chủ trương của thành phố để tổ chức chương trình “TPHCM chào đón bạn” với 3 giải pháp trọng tâm. Đó là công tác quảng bá, xúc tiến cho điểm đến tại TPHCM; nâng cao chất lượng dịch vụ và sản phẩm du lịch; vận động các doanh nghiệp cùng chung tay triển khai chương trình gia tăng các giá trị cộng thêm với những khuyến mãi, quà tặng cho du khách khi đến TPHCM.
Một trong những chiến lược được kỳ vọng sẽ tạo đột phá cho du lịch TPHCM là hoạt động kinh tế ban đêm. Bà Thanh Thảo cho biết: “Sở Du lịch đã phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch, đang xúc tiến các hoạt động phục hồi kinh tế với những đề án dịch vụ kinh tế ban đêm”.
Cụ thể, trên địa bàn quận 5 sẽ tổ chức lại phố đông y, phố ẩm thực, phố vàng bạc - đá quý. Tại Quận 11 đã có đề án xây dựng khu phố ẩm thực về đêm, phối hợp với công viên văn hóa Đầm Sen tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí ban đêm dọc tuyến đường kênh Tân Hóa. Tại Quận 7, kế hoạch phát triển kinh tế ban đêm theo dự thảo sẽ hình thành 3 đến 4 điểm về thương mại, ẩm thực, văn hóa cho người dân và khách du lịch. Tại huyện Cần Giờ, đề án phát triển kinh tế ban đêm sẽ tổ chức chợ đêm Cần Giờ và mô hình du lịch sinh thái cộng đồng.
Nếu phát huy được những thuận lợi và khắc phục khó khăn, ông Nguyễn Việt Anh (Sở Du lịch TPHCM) cho biết, từ nay đến cuối năm 2022, TPHCM có thể đón khoảng 3,5 triệu khách quốc tế trên tổng số 5 triệu khách đến Việt Nam theo dự kiến của Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch.
TPHCM có các sản phẩm, tài nguyên du lịch khá đa dạng và phong phú. Bên cạnh đó là hệ thống đường sông nội đô có tiềm năng lớn tổ chức đa dạng loại hình du lịch có sức hấp dẫn với du khách.
Theo ông Việt Anh, để tạo sự đồng bộ trong hoạt động du lịch sau đại dịch, TPHCM và các tỉnh phía Nam phải có sự thống nhất trong công tác phòng chống dịch bệnh để tạo điều kiện thuận lợi và sự thoải mái cho du khách. Điều này cần sự chung tay của Bộ Y tế và Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch trong việc xét nghiệm và mở đường cho hoạt động mua bảo hiểm COVID-19 áp dụng với du khách khi đến Việt Nam.
“Mặc dù Bộ Ngoại giao Việt Nam đã cho phép miễn thị thực đơn phương đối với 13 nước nhưng có một số nước song phương cũng cần được xem xét miễn thị thực theo nguyên tắc có qua có lại để tạo sự thu hút đối với khách quốc tế đến Việt Nam và TPHCM”- ông Anh đề xuất.