TQ chỉ trích Mỹ dùng 'tâm lý chiến và tuyên truyền' để gây sức ép
Trung Quốc cho rằng Washington đang theo đuổi tâm lý chiến và tuyên truyền nhằm gây sức ép lên Bắc Kinh, đồng thời mỉa mai ngược lại tốc độ tăng trưởng GDP ở mức 3,1% của Mỹ.
Thời báo Hoàn cầu hôm 16/7 đã có bài viết đáp trả Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi ông chủ Nhà Trắng tuyên bố GDP giảm tốc kỷ lục sau 30 năm đang buộc Bắc Kinh phải quay lại bàn đàm phán thương mại với Washington.
"Ngoài nỗ lực dọa dẫm Trung Quốc, Washington cũng muốn khuếch trương các biện pháp thương mại đồng thời giảm đi những tiếng nói thất vọng (với chiến tranh thương mại) trong nội bộ nước Mỹ", Thời báo Hoàn cầu viết.
Bài viết cũng cho rằng Washington đang âm mưu đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền và tâm lý chiến nhằm ép Bắc Kinh chấp nhận một thỏa thuận có lợi cho Mỹ và chấm dứt chiến tranh thương mại.
Tờ nhật báo thuộc quản lý của đảng Cộng sản Trung Quốc nói việc Tổng thống Trump chĩa mũi dùi vào mức tăng trưởng 6,2% trong quý II năm 2019 của nước này là điều khó hiểu bởi nền kinh tế Mỹ chỉ đạt mức tăng trưởng 3,1% trong quý I năm 2019.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bác bỏ quan điểm của Tổng thống Trump khi cho rằng việc hai bên tái khởi động đàm phán thương mại xuất phát từ nhu cầu của cả Washington và Bắc Kinh.
"Tuyên bố của Mỹ về việc Trung Quốc nóng lòng đạt thỏa thuận thương mại do kinh tế giảm tốc là hoàn toàn sai sự thật. Một lần nữa tôi kêu gọi Mỹ phối hợp với Trung Quốc để đạt được một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và đối xử công bằng", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết hôm 16/7.
Phản ứng của Trung Quốc được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter cá nhân hôm 15/7 cho rằng các đòn trừng phạt của Mỹ góp phần khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại và là nguyên nhân khiến Bắc Kinh muốn sớm đạt được một thỏa thuận thương mại song phương.
Theo báo cáo của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, GDP nước này tính trong các tháng 4-6 tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm so với 6,4% của quý I, do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại. Đây là mức tăng trưởng tính theo quý chậm nhất của Trung Quốc kể từ năm 1992.