Trà giảm cân Vy&Tea bị 'khui' chứa chất cấm Sibutramine, Phenolphthaleine như nào?

Ngay khi cơ quan quản lý Hàn Quốc thông tin Trà giảm cân Vy&Tea bị phát hiện chứa chất cấm Sibutramine, Phenolphthaleine nguy hại sức khỏe người tiêu dùng, Cục ATTP (Bộ Y tế) đã điều tra, quyết định dừng lưu thông sản phẩm này.

Liên quan đến vụ việc người tiêu dùng phản ánh trà giảm cân Vy&Tea chứa chất cấm vẫn bán tràn lan, Kiến Thức đã tìm hiểu thông tin sản phẩm này từng bị thông báo thu hồi, dừng lưu thông do có chứa chất cấm Sibutramine và Phenolphthaleine.

Cụ thể, thời điểm tháng 2/2019 Trà giảm cân Vy&Tea của Công ty TNHH Một thành viên dịch vụ thương mại Hà Vy (Địa chỉ: Số nhà 45, Tổ 1, Quốc lộ 14, Thôn Sơn Hiệp, Xã Thọ Sơn, Huyện Bù Đăng, Tỉnh Bình Phước) đang làm mưa làm gió thị trường thực phẩm chức năng giảm cân thì bất ngờ bị cơ quan quản lý Hàn Quốc phát hiện chất cấm khi nhập hàng vào nước này. Hai chất cấm bị phát hiện là Sibutramine và Phenolphthaleine cấm sử dụng trong thực phẩm.

Sau khi nhận được thông tin cảnh báo từ Đại sứ quán Hàn Quốc về sản phẩm Trà thảo mộc giảm cân Vy&Tea, Cục An toàn thực phẩm đã thành lập Đoàn kiểm tra đến làm việc tại Công ty TNHH Một thành viên dịch vụ thương mại Hà Vy.

Căn cứ Biên bản kiểm tra số 02/BB-KT ngày 28/02/2019 của Đoàn kiểm tra, ngày 01/3/2019 Cục An toàn thực phẩm đã ra quyết định tạm dừng lưu thông và thu hồi đối với lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe trà giảm cân Vy&Tea (NSX 20/12/2018, HSD 20/12/2019) của tổ chức công bố, sản xuất sản phẩm là Công ty TNHH Một thành viên dịch vụ thương mại Hà Vy.

Đồng thời, Cục An toàn thực phẩm đã giao Ban quản lý ATTP thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh và các Chi cục ATVSTP các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương để giám sát về việc dừng lưu thông sản phẩm nêu trên trên địa bàn.

Trà giảm cân Vy&Tea bị phát hiện có chứa chất cấm nguy hại Sibutramine và Phenolphthaleine

Trà giảm cân Vy&Tea bị phát hiện có chứa chất cấm nguy hại Sibutramine và Phenolphthaleine

Được biết Sibutramine và Phenolphthaleine là hai chất bị bị cấm sử dụng trong thực phẩm do ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe người sử dụng. Chất cấm Sibutramine có khả năng làm giảm cảm giác thèm ăn, hỗ trợ quá trình giảm cân, nhưng lại có tác dụng phụ nguy hại như gây mất ngủ, tăng huyết áp và nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tăng nguy cơ co giật, đau tim, loạn nhịp tim và đột quỵ; Phenolphtalein có nguy cơ gây ung thư và cũng có thể gây suy tim sung huyết hoặc đột quỵ với bệnh nhân có tiền sử bệnh động mạch vành.

Đặc biệt, các nghiên cứu chỉ ra rằng Sibutramine có thể gây những tác dụng phụ nguy hại như: gây nên các triệu chứng đau đầu (tỷ lệ xảy ra khoảng 30,3%), đau lưng (chiếm 8,2%), dị ứng (3,8%), cảm cúm (8,2%), suy nhược (5,9%), đau bụng (4,5%), đau ngực (1,8%), đau nhức cổ vai gáy (1,6%).

Sibutramine đặc biệt nguy hiểm đối với những người có tiền sử bệnh tim mạch hay huyết áp. Chất này làm gia tăng trung bình huyết áp tâm thu và tâm trương khoảng 1-3 mmHg. Đồng thời, Sibutramine cũng làm tăng nhịp tim khoảng 4-5 nhịp mỗi phút, có thể gây rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim và nguy hiểm hơn là có thể gây ngừng tim, đột quỵ.

Ngoài ra, Sibutramine cũng tác động lên hệ thần kinh, với các triệu chứng: mất ngủ (10,7%), chóng mặt (7,0%), lo lắng (4,5%), trầm cảm (4,3%), kích thích thần kinh trung ương (1,5%), mất khả năng cảm xúc (1,3%), hội chứng Gilles de la Tourette, mất trí nhớ ngắn hạn, rối loạn ngôn ngữ… Cũng theo nghiên cứu, khoảng 0,1% bệnh nhân đã trải qua cơn động kinh trong khi sử dụng sản phẩm chứa Sibutramine.

Chính vì những tác dụng phụ nguy hại đó, từ tháng 10/2010, FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ) đã ban hành quyết định cấm lưu hành tất cả sản phẩm có sibutramine.

Ở Việt Nam, ngày 8/6/2010, Cục Quản lý Dược- Bộ Y tế đã ban hành công văn về việc ngưng cấp phép nhập khẩu nguyên liệu Sibutramine. Tiếp đó, ngày 14/4/2011 Cục Quản lý Dược đã ban hành công văn thông báo đình chỉ lưu hành và thu hồi các thuốc chứa hoạt chất Sibutramine và quyết định rút số đăng ký của tất cả các thuốc có chứa hoạt chất này ra khỏi danh mục các thuốc được cấp số đăng ký lưu hành trên thị trường Việt Nam.

An Lê

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/khoe-dep/tra-giam-can-vytea-bi-khui-chua-chat-cam-sibutramine-phenolphthaleine-nhu-nao-1266374.html