Trắc nghiệm: Tìm hiểu món ăn truyền thống độc đáo dịp Tết Âm lịch của các nước châu Á

Nhiều nước châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Bhutan, Campuchia… đều đón năm mới theo lịch Âm như Việt Nam. Mỗi quốc gia đều có phong tục tập quán đón Tết cổ truyền riêng, trong đó không thể bỏ qua nét đặc sắc về văn hóa ẩm thực.

1. Bánh gạo ngọt là món ăn truyền thống trong dịp Tết Âm lịch của nước nào?

A. Hàn Quốc

B. Philippines

Bánh gạo ngọt hay Tikoy là món ăn truyền thống trong dịp Tết Âm lịch của Philippines. Bánh này được làm từ gạo nếp, trộn mỡ heo, đường và nước, sau đó trộn chung với trứng gà, đánh đều trước khi chiên. Tikoy có ý nghĩa cầu chúc cho mọi người trong gia đình luôn bên nhau.

C. Ấn Độ

2. Món sủi cảo của Trung Quốc tượng trưng cho vật gì?

A. Nén bạc

Ở Trung Quốc, sủi cảo là một trong những món ăn truyền thống của người dân trong ngày Tết Nguyên Đán. Miếng sủi cảo thường được gói theo hình bán nguyệt, tượng trưng cho nén bạc cổ mang đến sự giàu sang, tiền tài.

B. Cầu vồng

C. Trăng khuyết

3. Theo ngôn ngữ Lào, món “lạp” dùng trong ngày Tết có nghĩa là gì?

A. Phúc

B. Lộc

Tết của Lào thường diễn ra muộn hơn, vào khoảng giữa tháng Tư dương lịch. Trong dịp năm mới, món “lạp” được xem như là “linh hồn” của người Lào. Theo ngôn ngữ bản địa, “lạp” có nghĩa là “lộc”. Lạp có thể làm bằng thịt heo, gà, bò, chim hay cá… băm nhỏ trộn chung với các loại rau thơm, ớt cay thái nhỏ (loại gia vị truyền thống), nước cốt chanh và thính nếp rang vàng. Người Lào thường dùng lạp kèm với xôi hoặc cơm nóng.

C. Thọ

4. Vào đầu năm mới, người Campuchia mang món cari đi đâu?

A. Viếng mộ

B. Cho hàng xóm

C. Lên chùa

Cari là món ăn truyền thống trong ngày Tết của người Campuchia. Những ngày đầu năm mới, mỗi gia đình đều đem món ăn này lên chùa và nhờ các nhà sư làm lễ cúng dâng lên tổ tiên. Sau đó, cả nhà quây quần bên nhau thưởng thức bữa cơm đầu năm ấm cúng.

5. Món bánh bao trong ngày Tết của người Mông Cổ có nhân là gì?

A. Thịt cừu

Những món ăn truyền thống trong gia đình của người Mông Cổ luôn là những loại bánh làm từ bột và sữa ngựa. Trong đó, nổi bật nhất chính là bánh bao nhân thịt cừu. Bánh gồm vỏ bánh là bột mì cùng nhân là rau cải và thịt cừu. Bánh được hấp chín, ăn khi còn nóng và được thưởng thức với sữa ngựa lên men hoặc bánh ngọt và trà sữa.

B. Thịt ngựa

C. Nhân chay

6. Món ăn truyền thống ngày Tết của người Singapore là gì?

A. Cua sốt ớt

B. Mì hoành thánh

C. Gỏi cá

Trong những ngày đầu năm, bữa cơm của các gia đình Singapore không thể thiếu món gỏi cá Yusheng - còn được gọi là gỏi thịnh vượng. Món ăn được làm từ cá hồi sống được thái lát mỏng, các loại rau củ quả thái sợi như bưởi, khoai môn, đu đủ, gia vị gừng, vừng, lạc rang cùng với bột chiên nước sốt từ mận. Gỏi cá Yusheng được trang trí đẹp trong một bát to hoặc đĩa đến khi ăn mới được trộn đều. Khi trộn gỏi cá cần trộn các nguyên liệu lên càng cao càng tốt mang ý nghĩa về sự trọn vẹn, đầy đủ và thịnh vượng. Ngoài ra, người Singapore cũng cho thêm cà rốt và dưa leo với mong muốn trẻ mãi không già và may mắn phát tài.

7. Nguyên liệu nào không được dùng trong món Yaksik của Hàn Quốc?

A. Mật ong

B. Hạt khô

C. Nhân sâm

Yaksik hay gạo ngọt Hàn Quốc là một trong những món ăn truyền thống dịp Tết Âm lịch của người dân xứ củ sâm. Yaksik có nghĩa là thực phẩm thuốc. Nguyên liệu để làm món ăn vặt này bao gồm gạo nếp, các loạt hạt, trái cây khô và mật ong. Yaksik có độ ngọt vừa phải và có kết cấu dính.

8. Người dân Ấn Độ chủ yếu ăn món ăn vị gì ngày Tết?

A. Cay

B. Ngọt

Người Ấn Độ chủ yếu ăn đồ ngọt vào dịp Tết. Họ cũng chuẩn bị quà là những túi quả, bánh và kẹo để gửi tặng người thân, bạn bè và láng giềng thay cho lời chúc mừng năm mới may mắn, suôn sẻ. Ngoài ra, mâm cỗ mừng xuân ở Ấn Độ không thể thiếu món beriane (cơm trộn thịt). Tùy theo sở thích của các thành viên trong gia đình mà món beriane được nấu với thịt hay rau (dành cho những người thích ăn chay). Các thành phần của món beriane gồm đỗ, bắp cải, củ cải, thậm chí cả khoai tây, nhưng thành phần chính của nó là cơm.

C. Mặn

9. Cùng với mía, loạt trái cây nào không thể thiếu trong nhà người Bhutan dịp Tết cổ truyền?

A. Chuối xanh

Tết của người Bhutan (Tết Losar) thường diễn ra vào giữa tháng 2 và đầu tháng 3, dựa theo lịch của Phật giáo. Lịch của người Bhutan cũng có 12 con giáp giống như âm lịch của một số quốc gia châu Á khác. Cũng giống như Việt Nam và một số nước khác, 3 ngày đầu tiên trong năm mới là quãng thời gian ý nghĩa nhất đối với người Bhutan. Theo phong tục truyền thống của người dân địa phương, mía và chuối xanh luôn xuất hiện trong nhà của họ vì chúng được tin là đem đến sự may mắn và những điều tốt lành trong năm mới.

B. Táo đỏ

C. Dưa vàng

10. Món ăn nào của người Đài Loan (Trung Quốc) ngày Tết tượng trưng cho sự may mắn?

A. Rau hẹ trắng

B. Cá hấp

C. Bánh củ cải

Người Đài Loan xem Tết là ngày lễ lớn nhất trong năm, là ngày mọi người trong gia đình tụ họp bên nhau, chia sẻ với nhau những buồn vui, thành công, thất bại trong năm qua. Trong ngày này, nhiều món ăn được bày trên mâm cỗ đều có ý nghĩa riêng. Trong tiếng Đài Loan, cách phát âm của “củ cải” (daikon) trong bánh củ cải đồng âm với từ “may mắn”. Hẹ trắng nấu nguyên cọng thể hiện cho sự lâu dài, còn cá hấp mang ý nghĩa giàu có, sung túc.

Số câu trả lời đúng

Tú Oanh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/trac-nghiem-tim-hieu-mon-an-truyen-thong-doc-dao-dip-tet-am-lich-cua-cac-nuoc-chau-a-1792239.tpo