Trách nhiệm của Bộ Công an về biên phòng

Quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị và cả nước. Để bảo đảm hiệu quả quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, cần có những quy định cụ thể về trách nhiệm của các chủ thể có liên quan. Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN), trên cơ sở thể chế hóa quan điểm lãnh đạo của Đảng, thống nhất với các quy định có liên quan trong văn bản quy phạm pháp luật khác, bám sát thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức, đã quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về biên phòng. Trong đó, Điều 31, Luật BPVN quy định trách nhiệm của Bộ Công an về biên phòng, thể hiện qua các nội dung cơ bản sau:

Cán bộ Công an địa phương tham gia cùng tổ công tác của Đồn Biên phòng Tam Hợp, BĐBP Nghệ An tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Viết Lam

Cán bộ Công an địa phương tham gia cùng tổ công tác của Đồn Biên phòng Tam Hợp, BĐBP Nghệ An tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Viết Lam

Một là, về thực thi nhiệm vụ biên phòng, nhiệm vụ biên phòng được quy định tại Điều 5, Luật BPVN với 7 nhóm nhiệm vụ cụ thể. Các nhiệm vụ có phạm vi rộng, tầm quan trọng đặc biệt, phản ánh tính chất quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Do đó, thực thi nhiệm vụ biên phòng cần được tiến hành bởi lực lượng nhất định. Lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng gồm có: Cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân ở khu vực biên giới, cửa khẩu; cơ quan lãnh đạo, chỉ huy, quản lý của cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân nêu trên.

Theo quy định của Luật Công an nhân dân, Công an nhân dân có hệ thống tổ chức bao gồm: Bộ Công an; Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; Công an xã, phường, thị trấn.

Để đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định thành lập đồn, trạm Công an và đơn vị độc lập bố trí tại những địa bàn cần thiết. Thực tế, khu vực biên giới trên bộ có hơn 420 đơn vị Công an xã, phường, thị trấn thuộc 100 đơn vị Công an cấp huyện biên giới; khu vực biên giới biển có 11 đơn vị Công an huyện đảo và hơn 620 đơn vị Công an xã, phường, thị trấn thuộc 124 đơn vị Công an cấp huyện giáp biển. Xác định vị trí là lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng, Luật BPVN nêu rõ: “Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Bộ Công an có trách nhiệm phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao thực thi nhiệm vụ biên phòng”.

Hai là, về xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân, nền biên phòng toàn dân ở khu vực biên giới, Luật BPVN quy định: Bộ Công an có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, cơ quan có liên quan, chính quyền địa phương nơi có biên giới quốc gia “xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân gắn với nền quốc phòng toàn dân, nền biên phòng toàn dân ở khu vực biên giới”. Trong đó, “nền an ninh nhân dân là sức mạnh về tinh thần, vật chất, sự đoàn kết và truyền thống dựng nước, giữ nước của toàn dân tộc được huy động vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, trong đó, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia làm nòng cốt”; “nền biên phòng toàn dân là sức mạnh biên phòng của đất nước, được xây dựng trên nền tảng chính trị, tinh thần và các nguồn lực với phương châm toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự cường”.

Ba là, về công tác quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh, Luật BPVN quy định, Bộ Công an có trách nhiệm: Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, cơ quan có liên quan, chính quyền địa phương nơi có biên giới quốc gia thực hiện: “Quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh, xây dựng, ban hành theo thẩm quyền và trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh”. Quy định này phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Trong đó, đáng chú ý là quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (được sửa đổi, bổ sung năm 2019).

Bốn là, về duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thực thi pháp luật và xử lý các tình huống quân sự, quốc phòng ở khu vực biên giới, Luật BPVN quy định Bộ Công an có trách nhiệm phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, cơ quan có liên quan, chính quyền địa phương nơi có biên giới quốc gia “duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thực thi pháp luật và xử lý các tình huống quân sự, quốc phòng ở khu vực biên giới”. Việc tiến hành công tác phối hợp giữa các lực lượng trong duy trì an ninh, trật tự, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới là yêu cầu tất yếu; nhằm bảo đảm sự hoạt động nhịp nhàng giữa các lực lượng; góp phần quan trọng ổn định tình hình ở khu vực biên giới, vùng biển, xây dựng biên giới hòa bình hữu nghị, hợp tác và phát triển. Bên cạnh đó, ở khu vực biên giới, việc giải quyết các vấn đề nảy sinh có sự tác động nhiều chiều tới các lĩnh vực và quan hệ đối ngoại. Do vậy, cần có sự phối hợp thực thi pháp luật và xử lý các tình huống quân sự, quốc phòng ở khu vực biên giới với sự tham gia của các chủ thể, trong đó có Bộ Công an.

Năm là, về công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, pháp luật, đối với lực lượng nòng cốt, chuyên trách, cần có kiến thức nghiệp vụ, pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội vững vàng, chuyên sâu, đủ khả năng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Quá trình thực hiện nhiệm vụ biên phòng, không thể thiếu hoạt động trao đổi thông tin nghiệp vụ liên quan. Điều này đòi hỏi cần chú trọng tới công tác đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn lực lượng này. Trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn đối với lực lượng nòng cốt, chuyên trách được Luật BPVN quy định: Bộ Công an “phối hợp với Bộ Quốc phòng đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn lực lượng nòng cốt, chuyên trách nghiệp vụ, pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, trao đổi thông tin nghiệp vụ liên quan để thực thi nhiệm vụ biên phòng”.

Sáu là, về công tác lãnh đạo, chỉ đạo Công an các cấp trong công tác phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng, để bảo đảm hoạt động phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng được tiến hành thông suốt, thống nhất, Luật BPVN quy định: Bộ Công an có trách nhiệm “chỉ đạo Công an các cấp phối hợp với cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, chính quyền địa phương thực thi nhiệm vụ biên phòng”. Việc chỉ đạo Công an các cấp được thực hiện trên cơ sở bảo đảm tuân thủ nguyên tắc tổ chức và hoạt động trong lực lượng Công an nhân dân (Điều 4, Luật Công an nhân dân năm 2018).

Thạc sĩ Nguyễn Thị Tố Loan, Khoa Pháp luật, Học viện Biên phòng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/trach-nhiem-cua-bo-cong-an-ve-bien-phong-post439085.html