Trái cây Trung Quốc ồ ạt vào thị trường Việt Nam được kiểm soát ra sao?
Trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc đang tràn ngập các chợ, siêu thị Việt Nam, sự phong phú về chủng loại và giá cả khiến người tiêu dùng lo ngại đằng sau vẻ ngoài hấp dẫn của các loại hoa quả là những ẩn số về chất lượng và an toàn thực phẩm…
Trung Quốc từ lâu đã trở thành đối tác thương mại lớn của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực nông sản. Đất nước tỷ dân này không chỉ là thị trường tiêu thụ trái cây lớn của Việt Nam mà còn là nguồn cung cấp trái cây đa dạng và phong phú theo mùa.
Sự xuất hiện ồ ạt của trái cây Trung Quốc trên thị trường Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đa dạng của người dân mà còn tạo ra sự cạnh tranh gay gắt giữa các nhà cung cấp trong nước. Từ những quả táo đỏ mọng nước đến những quả lê căng mọng, từ những chùm nho tím ngắt đến những quả đào mơn mởn, thị trường trái cây Trung Quốc luôn có sức hấp dẫn đặc biệt đối với người tiêu dùng Việt.
Theo báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2023 của Bộ Công Thương, Trung Quốc là thị trường cung cấp mặt hàng rau quả lớn nhất cho Việt Nam với kim ngạch nhập khẩu đạt 794,7 triệu USD, giảm 7,4% so với năm trước, chiếm 40,5% trong tổng kim ngạch. Về chủng loại, táo là mặt hàng được nhập khẩu nhiều nhất trong năm vừa qua, đạt 237,1 triệu USD. Xếp vị trí thứ hai là nho, đạt 158,4 triệu USD, giảm 17,4% so với năm 2022, chiếm 14,6% trong tổng kim ngạch nhập khẩu trái cây.
Chỉ tính riêng trong 9 tháng 2024, Việt Nam đã chi 697 triệu USD (tương đương 17.400 tỷ đồng) để nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc, chủ yếu là trái cây tươi. Hiện, Trung Quốc vẫn là quốc gia cung ứng lượng rau quả lớn cho Việt Nam, chiếm gần 42% tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả.
Trước bối cảnh các loại nông sản Trung Quốc ồ ạt vào thị trường Việt Nam cũng đặt ra quan ngại về vấn đề an toàn thực phẩm, hoạt động kiểm soát hoạt chất ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Nhất là trong bối cảnh đã có quốc gia phát hiện chất cấm có trong trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc.
Cụ thể, cơ quan chức năng Thái Lan đã công bố kết quả xét nghiệm 24 mẫu nho mua từ nhiều địa điểm khác nhau. Trong đó, cơ quan chức năng xác định có 9 mẫu nhập khẩu từ Trung Quốc, 15 mẫu còn lại không có thông tin về xuất xứ.
Kết quả 23 trong 24 mẫu có dư lượng thuốc trừ sâu vượt quá giới hạn cho phép. Trong đó, có một mẫu được phát hiện có chứa chlorpyrifos - một loại thuốc trừ sâu bị cấm ở Thái Lan. Ngoài ra, 22 mẫu nho khác chứa 14 dư lượng hóa chất có hại vượt quá giới hạn an toàn là 0,01 mg/kg và 50 dư lượng thuốc trừ sâu khác.
Ngay khi xảy ra vụ việc này, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tiến hành kiểm tra đối với nho tươi nhập vào Việt Nam và có văn bản gửi về Bộ chủ quản. Cục Bảo vệ thực vật thông tin, các lô trái cây trong đó có nho nhập khẩu vào Việt Nam đều đang được áp dụng phương thức kiểm tra an toàn thực phẩm thông thường (chỉ kiểm tra hồ sơ). Trình tự, thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm với mặt hàng này được thực hiện theo quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ ban hành quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm.
Đối với nho nhập khẩu, Cục Bảo vệ thực vật đã đưa vào chương trình giám sát về an toàn thực phẩm năm 2024. Kiểm tra 10 mẫu nho nhập khẩu Trung Quốc, kết quả cho thấy không phát hiện mẫu vi phạm an toàn thực phẩm (dư lượng thuốc bảo vệ thực vật) của Việt Nam.
Thông tin thêm về kết quả giám sát nho Trung Quốc 2023, lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật cho biết kiểm tra 77 mẫu phát hiện 1 mẫu (1,3%) vi phạm quy định của Việt Nam.
Về tin tức kết quả kiểm tra nho sữa phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật từ Thái Lan, Cục Bảo vệ thực vật đã liên hệ và lấy thông tin chính thức từ Bộ Nông nghiệp và FDA Thái Lan, trên cơ sở kết quả phân tích và cảnh báo chính thức từ Thái Lan, cơ quan này sẽ xem xét và áp dụng phương thức kiểm tra chặt đối với các lô hàng nho nhập khẩu từ Trung Quốc.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, công tác kiểm tra an toàn thực phẩm đối với lô hàng trái cây nhập khẩu hiện nay đang được thực hiện theo quy định tại Nghị định 15. Nghị định 15 quy định 3 phương thức kiểm tra an toàn thực phẩm bao gồm: Kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường và kiểm tra giảm. Áp dụng phương thức này là dựa trên các đánh giá nguy cơ về an toàn thực phẩm với các lô hàng/mặt hàng nhập khẩu. Từ số liệu giám sát, hậu kiểm, cảnh báo an toàn thực phẩm trong nước và quốc tế, vi phạm an toàn thực phẩm qua các năm, cơ quan quản lý chuyên ngành quyết định áp dụng phương thức kiểm tra thông thường hay kiểm tra chặt đối với lô hàng, mặt hàng.
Bên cạnh công tác kiểm tra an toàn thực phẩm đối với trái cây nhập khẩu trước thông quan, hằng năm, cơ quan chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là Cục Bảo vệ thực vật sẽ thực hiện Chương trình giám sát an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nguồn gốc thực vật nhập khẩu.