Trại huấn luyện ở Trung Quốc gây tranh cãi vì cách dạy bơi khắc nghiệt
Một 'trại huấn luyện' theo phong cách quân đội ở miền nam Trung Quốc đã gây tranh cãi vì huấn luyện viên dạy bơi bế trẻ dìm xuống nước với hai tay bị trói sau lưng, nhằm giúp vượt qua nỗi sợ nước.
Các cảnh quay từ trại bị rò rỉ cho thấy một huấn luyện viên đã nhấn đầu một cậu bé 11 tuổi xuống nước trong khi đứa trẻ cố gắng bơi với hai tay bị trói ra sau lưng.
Người hướng dẫn hét lên "nhanh hơn, nhanh hơn" khi cậu bé đạp nước. Bài học bơi khắc nghiệt này là một phần trong chương trình giảng dạy của trại huấn luyện theo phong cách quân đội mang tên Chuang Shi Mo Xun.
Theo giám đốc trại huấn luyện, nhiều trẻ em sợ ngâm mình trong nước, và đứa trẻ trong video có vẻ "hơi nhút nhát". Việc huấn luyện nhằm giúp cậu bé vượt qua "rào cản tâm lý" và tập bơi.
Các hoạt động khác tại trại bao gồm chạy bộ buổi sáng hàng ngày, học giặt giũ và các bài giảng về cách thể hiện lòng biết ơn đối với bố mẹ.
Giám đốc cho biết: "Bố mẹ gửi con đến trại này để nuôi dưỡng tính cách mạnh mẽ, ý chí và thói quen sống tốt".
Ông nói thêm rằng sự an toàn của trẻ đã được đảm bảo. "Nước hồ bơi sâu 90 cm, chỉ ngập đến thắt lưng khi đứng lên, ngăn ngừa nguy cơ đuối nước hoặc ngạt thở. Hồ bơi của chúng tôi được khử trùng và chứa đầy nước sạch, có nguồn gốc rõ ràng".
Tất cả các buổi đào tạo đều được phát trực tiếp để phụ huynh theo dõi. Giám đốc nói thêm rằng một số phụ huynh đặc biệt gửi con đến trại huấn luyện của ông vì trẻ sợ nước.
Đoạn video gây tranh cãi được quay vào mùa hè năm 2023. Trại hè được tổ chức hàng năm kể từ năm 2018, thu hút 500 - 600 trẻ em mỗi năm tham gia các chương trình đào tạo. Chi phí trại hè từ 2.000 đến 7.000 nhân dân tệ, tùy thuộc vào thời gian lưu trú.
Tuy nhiên, nhà trị liệu tâm lý người Trung Quốc Ma Li đã cảnh báo rằng những phương pháp như vậy có thể để lại tổn thương tâm lý cho trẻ. Ma cho biết: "Nếu trẻ không có khả năng chịu đựng căng thẳng, cách tiếp cận này sẽ không nuôi dưỡng khả năng phục hồi mà còn có thể phản tác dụng và gây ra những tác động tiêu cực".
Ở Trung Quốc, các trường đào tạo theo phong cách quân đội tương tự dành cho trẻ em rất phổ biến. Một quảng cáo cho một trại huấn luyện tương tự có nội dung: "Con bạn nghiện điện thoại di động, dễ mất tập trung, không muốn học và không tôn trọng người lớn tuổi? Hãy đến đây, chúng tôi sẽ giúp con bạn tự lập và biết ơn hơn".
Hoài Phương (theo SCMP)