'Trái táo khuyết' bứt phá trong đại dịch

Nếu nói đại dịch Covid-19 tác động xấu đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thì Apple rõ ràng là trường hợp đặc biệt. Không chỉ tăng trưởng nhanh trong thời buổi nhiều doanh nghiệp phá sản hàng loạt, Apple còn củng cố vững chắc danh hiệu 'công ty đại chúng có giá trị lớn nhất thế giới', sau cú cán mốc vốn hóa 2.000 tỷ USD ngày 19-8 vừa qua.

Lội ngược dòng

Theo New York Times, Apple đã mất 42 năm để đạt mốc 1.000 tỷ USD giá trị vốn hóa, nhưng chỉ mất 2 năm để đưa con số này lên gấp đôi. Đáng ngạc nhiên hơn, toàn bộ giá trị 1.000 tỷ USD thứ hai của Apple đạt được chỉ trong 21 tuần, nghĩa là giữa bối cảnh nền kinh tế toàn cầu suy thoái vì đại dịch Covid-19.

Thực tế, mãi gần giữa tháng 3-2020, giá trị vốn hóa của Apple vẫn chỉ dưới 1.000 tỷ USD, sau khi thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc do tâm lý hoảng sợ trước dịch bệnh. Sau cú chạm đáy ngày 23-3 của thị trường chứng khoán, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã công bố các biện pháp trấn an giới đầu tư. Kể từ đó, thị trường chứng khoán-đặc biệt là cổ phiếu của 5 “ông lớn” công nghệ gồm: Apple, Microsoft, Amazon, Alphabet và Facebook, phần lớn đã tăng vọt.

Giữa bối cảnh đại dịch, các nhà đầu tư quyết định đổ hàng tỷ USD vào những “gã khổng lồ” công nghệ vì cho rằng quy mô và sức mạnh của họ sẽ là nơi trú ẩn an toàn khỏi cuộc suy thoái do đại dịch gây ra. Giá trị của 5 “ông lớn” công nghệ vì thế đã tăng gần 3.000 tỷ USD kể từ ngày 23-3. Riêng giá trị của Apple tăng khoảng 6,8 tỷ USD mỗi ngày.

 Cửa hàng của Apple tại thành phố New York. Ảnh: AP

Cửa hàng của Apple tại thành phố New York. Ảnh: AP

“Đó sẽ là chuyến bay mới đến nơi an toàn”, Aswath Damodaran, giáo sư tài chính tại Đại học New York, một chuyên gia nghiên cứu thị trường chứng khoán, nhận định về làn sóng các nhà đầu tư đổ tiền vào các công ty công nghệ lớn. Theo ông, cuộc khủng hoảng do đại dịch khiến các “ông lớn” này được hưởng lợi.

Cú hích từ đại dịch

Dịch Covid-19 đã đưa thế giới đến một trạng thái chưa từng có trước đây. Một nửa thế giới ngồi ở nhà, các hoạt động mua sắm, học tập, làm việc... trực tuyến nở rộ. Khi mọi người buộc phải giao tiếp xã hội từ xa, điện thoại thông minh, máy tính bảng, laptop... trở thành công cụ hữu hiệu để người dân tăng cường kết nối. Chính vì lẽ đó, Apple trở thành một trong những cái tên “ăn nên làm ra” trong đại dịch. Từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay, ngay cả khi Apple phải đóng cửa nhiều cửa hàng bán lẻ của mình vì dịch, họ vẫn đạt lợi nhuận 11,25 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Doanh số bán hàng tất cả sản phẩm của “trái táo khuyết” cũng như doanh thu của công ty tại các quốc gia trên thế giới đều tăng nhanh.

"Các sản phẩm và dịch vụ của chúng tôi liên hệ mật thiết tới cuộc sống của khách hàng, và trong một số trường hợp thì mối liên hệ này giữa đại dịch còn chặt chẽ hơn", Luca Maestri, Giám đốc Tài chính của Apple chia sẻ vào tháng 7.

Song, theo New York Times, Apple cũng kiếm lời từ việc thu phí các công ty khác kinh doanh trên ứng dụng iPhone, dẫn đến cáo buộc rằng việc đòi chia tới 30% doanh thu của một số ứng dụng là không công bằng. Bên cạnh đó, Apple còn sử dụng một công cụ mạnh mẽ khác để nâng cao giá trị, đó là mua lại cổ phiếu. Kể từ khi đạt giá trị 1.000 tỷ USD, công ty đã trả 175,6 tỷ USD cho các cổ đông, bao gồm cả 141 tỷ USD mua lại cổ phiếu. Apple đã mua lại hơn 360 tỷ USD cổ phiếu của chính mình kể từ năm 2012, và lên kế hoạch chi thêm ít nhất hàng chục tỷ USD để tiếp tục mua cổ phiếu Apple. Việc mua lại cổ phiếu thường sẽ làm tăng giá trị mỗi cổ phiếu, nhưng bị chỉ trích là chỉ làm giàu cho những nhà đầu tư và các lãnh đạo chủ chốt của công ty.

Apple không phải là doanh nghiệp đầu tiên trên thế giới cán mốc 2.000 tỷ USD. Saudi Aramco-nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới của Saudi Arabia-đã vươn tới mốc này hồi tháng 12 năm ngoái, nhưng giá dầu giảm đã ảnh hưởng tới cổ phiếu của tập đoàn. Apple vượt Saudi Aramco hồi đầu tháng 8 năm nay sau khi ghi nhận doanh thu “khủng” nhờ cú hích của đại dịch. Trở thành công ty đầu tiên của Mỹ cán mốc 2.000 tỷ USD trong thời gian ngắn có ý nghĩa vô cùng quan trọng với “trái táo khuyết”. Điều này không chỉ khiến Apple thêm hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư mà đây còn là tín hiệu khẳng định vai trò lãnh đạo của Apple trong giới công nghệ Mỹ, Gene Munster, nhà sáng lập Loup Ventures và từng là một người phân tích cổ phiếu công nghệ lâu năm, cho hay.

NGỌC HÂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/trai-tao-khuyet-but-pha-trong-dai-dich-632397