Trái tim chung nhịp đập
'Ai đã từng sống trong những năm tháng ấy cũng đều lựa chọn như vậy. Đất nước lâm nguy, gác lại mọi dự định về tương lai, chúng tôi sẵn sàng tạm biệt quê hương và gia đình lên đường!' Cựu chiến binh, trung tá Đặng Văn Hiền (SN 1945) ở tiểu khu Lưu Thuận, TT. Đồng Lê (huyện Tuyên Hóa) bảo, đó là ý chí của thế hệ thanh niên thời bấy giờ.
Sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ (4-8-1964), đế quốc Mỹ lấy cớ đưa quân ra ném bom phá hoại miền Bắc, nhằm chặn nguồn tiếp tế của hậu phương lớn với tiền tuyến lớn miền Nam, hòng chia cắt sự thống nhất đất nước ta. Quảng Bình, mảnh đất ở đầu cầu tuyến lửa những năm đó, trở thành “chảo lửa” của bom đạn đế quốc Mỹ. Hiểu được nỗi đau thương, mất mát và hy sinh của đồng bào miền Nam, lớp lớp thanh niên nơi tuyến lửa đã tình nguyện lên đường vào Nam chiến đấu.
Tháng 2-1965, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên Đặng Văn Hiền, lúc bấy giờ 20 tuổi đã tình nguyện viết đơn lên đường nhập ngũ. Sau khi được huấn luyện 3 tháng ở Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh), ông được phân công về đơn vị pháo cao xạ, thuộc Sư đoàn 325, sư đoàn chủ lực của Bộ Quốc phòng. Kể từ đó, ông theo đơn vị đi một mạch từ nơi huấn luyện tân binh ở Hương Khê (Hà Tĩnh) vào Nam chiến đấu.
Ông Hiền nhớ lại: “Lúc bấy giờ, các cuộc hành quân từ Bắc vào Nam được tổ chức rất bí mật. Đơn vị pháo cao xạ là một trong những đơn vị mới thành lập của Sư đoàn 325, được trang bị nhiều loại vũ khí mới, nên việc di chuyển càng đòi hỏi bí mật khắt khe hơn. Các loại phương tiện, vũ khí đều phải tháo rời, rồi vác đi. Cứ ngày nghỉ đêm đi”. Hành quân vào đến A Lưới (tỉnh Thừa Thiên-Huế), sư đoàn của ông nhận được lệnh phải “nhổ bỏ” Đồn A Sậu, để mở thông hành lang tuyến giao liên từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam.
Đồn A Sậu cũng là một địa điểm Mỹ-Ngụy huấn luyện lính biệt kích. Đây là lực lượng đặc biệt, kẻ thù dùng để thực hiện mục đích mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc. Tại đồn này có đến 20 cố vấn quân sự Mỹ. Vừa đến nơi, nhận được lệnh của cấp trên, đội hình các đơn vị vào vị trí, ai nấy theo nhiệm vụ được phân công sẵn sàng chiến đấu. Chỉ sau 1 đêm, Đồn A Sậu đã bị xóa sổ. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, sư đoàn men theo tuyến biên giới Việt-Lào tiếp tục hành quân vào Tây Nguyên. Mãi sau này, ông mới biết cuộc hành quân của Sư đoàn 325 là để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968.
Ông Hiền kể, vào đến Tây Nguyên, đêm 30-1-1968, đơn vị của ông được lệnh vượt sông Pô Cô, tấn công vào Buôn Ma Thuột. Do bị tấn công bất ngờ bởi những trận pháo kích của quân ta, quân địch ở đây vô cùng hoảng loạn. Chỉ sau 1 đêm, các lực lượng của ta đã đánh chiếm được các vị trí trọng yếu của địch ở TX. Buôn Ma Thuột. Lực lượng của ta giữ thị xã được 4 ngày, sau đó, địch tập hợp lực lượng, sử dụng máy bay oanh tạc ném bom, phản công lại rất dữ dội. Đơn vị pháo của ông buộc phải rút ra ngoài, trên một khu rừng khộp để củng cố lực lượng.
Thế nhưng, vừa rút ra ngoài, đơn vị pháo của ông bị địch phát hiện và tấn công. Không kịp chuẩn bị pháo, ông (lúc bấy giờ là Tiểu đội trưởng pháo cao xạ) ra lệnh cho hạ pháo xuống nằm ngang mặt đất để chiến đấu. Lúc này, địch dùng súng cối bắn trả. Suốt ngày đêm hôm đó, cả hai bên ở thế giằng co quyết liệt. Thấy không thể đánh bật được quân ta, địch đành rút lui.
Sau trận đánh vào TX. Buôn Ma Thuột, đơn vị ông được lệnh tiến về miền Đông Nam bộ và đóng quân ở gần Sóc Con Trăng, một địa danh thuộc huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh. Đây là một vùng địa hình khá bằng phẳng, có nhiều ngọn đồi thấp và rộng lớn. Tại đây, lực lượng địch đang đổ quân, chuẩn bị xây dựng một cơ sở quân sự khá lớn. Khoảng tháng 5-1969, trong lúc đơn vị đang bố trí trận địa pháo, thì máy bay địch đã ập đến.
Lúc này, có pháo đã quy chỉnh xong, nhưng có pháo vẫn chưa được chỉnh ngắm. Phát hiện có quân ta, máy bay địch lập tức bổ nhào xuống bắn vào trận địa pháo. Ông lập tức ra lệnh bắn. Chiếc máy bay của địch nhanh chóng bị bắn cháy. Kinh nghiệm trải qua nhiều trận đánh, ông nhận thấy trận địa đã bị lộ, Trung đội trưởng Đặng Văn Hiền nhanh chóng cho tháo pháo rút quân, một mặt để bảo toàn lực lượng, mặt khác để bảo vệ pháo. Sau khi rút pháo ra khỏi trận địa, ngay đêm hôm đó, hàng loạt tốp máy bay địch bay đến trút bom ở vị trí trận địa pháo vừa rút. Ông Đặng Văn Hiền cho biết: “Mỗi khẩu pháo lúc đó rất quý. Bộ đội pháo cao xạ, bên cạnh nhiệm vụ đánh địch, yêu cầu cao nhất là phải bảo vệ pháo an toàn. Nếu lúc đó mình không dứt khoát, thiệt hại cho đơn vị sẽ vô cùng lớn”.
Sau trận chiến đó, ông được đưa ra miền Bắc đào tạo tại Trường sỹ quan Sơn Tây 3 năm. Năm 1971, ông được điều về công tác tại một đơn vị xây dựng các công trình công sự cho đến lúc chiến tranh kết thúc, miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối. Năm 1976, ông được điều động về làm Chính trị viên phó, rồi Phó chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự huyện Tuyên Hóa cũ (lúc này huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa chưa chia tách và vẫn còn mang tên huyện Tuyên Hóa-PV).
Từ năm 1985 đến năm 1990, trung tá Đặng Văn Hiền là 1 trong 3 sỹ quan của tỉnh Quảng Bình được Bộ Quốc phòng lựa chọn và cử sang làm chuyên gia quân sự ở Cuba. Lúc nghỉ hưu, ông cũng là Bí thư Đảng ủy đầu tiên của TT. Đồng Lê, lúc mới chia tách từ xã Lê Hóa. Cho dù ở vị trí nào, lúc ở trong quân ngũ hay về giữa đời thường, ông chỉ có một ý chí duy nhất đó là phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân và nỗ lực hoàn thành tốt chức trách được giao. Đó không chỉ là bản chất, tính cách, mà còn là phẩm chất của “Bộ đội Cụ Hồ” đã được rèn luyện trong khói lửa chiến tranh, cựu chiến binh Đặng Văn Hiền chia sẻ.