Trầm cảm: cảnh giác tiếng nói lạ thôi thúc tự sát

Có đến 75% các trường hợp tự sát có nguyên nhân là trầm cảm chủ yếu. Các giai đoạn trầm cảm kéo dài ít nhất 2 tuần. Trong đó, có ít nhất một trong hai triệu chứng chủ yếu là: khí sắc giảm và mất hứng thú/sở thích cho hầu hết các hoạt động.

Trước sự việc đau lòng của một sinh viên 19 tuổi từ Bình Định vào TP.HCM nhập học đã tìm đến cái chết bằng cách đeo đá nhảy sông, một nhà báo kỳ cựu chia sẻ trên trang cá nhân kêu gọi mọi người đừng vội trách bạn trẻ ấy khi chưa thể rõ nguyên nhân. “Con người ta có thể tìm đến cái chết như một sự giải thoát nào đó mà người bình thường không thể giải thích, mà tôi đây là một nhân chứng, tôi đã từng có ý định tự sát…”, anh kể.

Chống lại giọng nói kêu mình tự sát

Chuyện xảy ra vào dịp Tết cách đây ba năm, anh nhà báo từ TP.HCM ra Đà Nẵng dự tiệc tất niên của một công ty. Trước giờ đi tiệc, anh thấy hơi mệt, cơn mệt thấm dần và tới nơi thì trong người anh bùng phát cơn hoảng loạn, mồ hôi ra như tắm, đầu óc quay cuồng, sợ tiếng động lớn... Anh nói với chủ tiệc về mua thuốc uống rồi sẽ quay lại nhưng tới phòng khách sạn anh ngã lăn ra và bắt đầu lên cơn khủng khiếp.

Nằm một mình trong phòng mà bên tai anh luôn có giọng nói thôi thúc anh tự sát, thôi thúc bước ra ban công nhảy xuống đường. Cơn hoảng loạn khủng khiếp tới mức anh nghĩ nhảy lầu là cách giải thoát tốt nhất! Tay chân không thể nhấc lên được, giọng nói thì cứ thúc giục, anh dùng hết sức còn lại ghì lấy thành giường để không thể bước chân xuống đi ra cửa. Rạng sáng hôm sau bạn anh qua phòng đưa anh đi cấp cứu...

Một chuyên gia đầu ngành ngoại thần kinh đã từ chối điều trị cho anh vì theo ông, anh phải nhập viện tâm thần bởi ý định tự sát là rất nguy hiểm. Khi người nhà đưa anh vào cấp cứu ở Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, anh vẫn còn nghe bên tai tiếng nói thì thầm gọi mình tự sát. Bác sĩ chẩn đoán anh bị stress kéo dài, sau đó chuyển sang trầm cảm nặng. “Đến giờ tôi cũng không biết mình rơi vào căn bệnh trầm cảm từ khi nào. Ba năm nay tôi vẫn duy trì điều trị bằng thuốc mỗi ngày để chống lại giọng nói thì thầm kinh khủng kêu mình tự sát quay trở lại!”, anh kể.

Hầu hết trầm cảm chủ yếu đều có ý nghĩ chết

PGS-TS-BS. Bùi Quang Huy (Trưởng khoa Tâm thần Bệnh viện Quân y 103), cho biết rối loạn trầm cảm bao gồm trầm cảm chủ yếu, loạn khí sắc, trầm cảm do một chất và trầm cảm do một bệnh thực tổn.

Ngoài ra, còn có rối loạn điều chỉnh cảm xúc ở trẻ em từ 12 tuổi trở xuống. Trong đó, hầu hết bệnh nhân trầm cảm chủ yếu đều có ý nghĩ về cái chết, nặng hơn thì có ý định tự sát hoặc hành vi tự sát.

Lúc đầu họ nghĩ rằng bệnh thế này (mất ngủ, chán ăn, sút cân, mệt mỏi…) thì chết mất. Dần dần, bệnh nhân cho rằng họ phải chết đi cho đỡ đau khổ. Các ý nghĩ này biến thành niềm tin rằng những người trong gia đình, cơ quan… có thể sẽ khá hơn nếu bệnh nhân chết.

Tự sát còn có thể là hậu quả của các ảo thanh ra lệnh, bình phẩm, xui bệnh nhân. Các ảo thanh giả thường chi phối hành vi của bệnh nhân nhiều hơn ảo thanh thật. “Chúng ta cần lưu ý rằng có đến 75% các trường hợp tự sát có nguyên nhân là trầm cảm chủ yếu, vì vậy không được xem thường triệu chứng này. Khi phát hiện ra ý định tự sát ở bệnh nhân trầm cảm thì phải điều trị nội trú cho bệnh nhân trong các bệnh viện có chuyên khoa tâm thần”, PGS. Huy khuyến cáo.

Một số bệnh nhân tự sát ít nghiêm trọng có thể ý định tự sát mới chỉ ập đến (trong khoảng 1 - 2 phút) mà trước đó họ chưa hề nghĩ đến cái chết. Trường hợp nặng hơn, ý nghĩ tự sát tái diễn (1 hoặc 2 lần/tuần), họ có thể cân nhắc kỹ càng trước khi hành động. Một số bệnh nhân tự sát có chuẩn bị trước vật chất (vũ khí, chất độc…), có thể xác định chỗ và thời điểm mà họ chỉ có một mình để có thể tự sát thành công. Họ có thể lập kế hoạch thực tế để đảm bảo tự sát sẽ kết thúc bằng cái chết (như tích cóp thuốc an thần, thuốc ngủ, thuốc độc, chuẩn bị dây thừng để thắt cổ…). Có bệnh nhân viết thư tuyệt mệnh, thông báo cho bạn bè hoặc người thân về ý định tự sát của họ…

“Tự sát có thể gặp ở trầm cảm nhẹ, vừa và nặng, vì thế không thể chủ quan cho rằng trầm cảm nhẹ thì không cần quan tâm đến ý định tự sát. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng không thể dự đoán một cách chính xác bệnh nhân trầm cảm có cố gắng tự sát hay không và khi nào tự sát. Động cơ tự sát của bệnh nhân là mong muốn cao độ chấm dứt một trạng thái cảm xúc đau khổ, sự tra tấn đang hành hạ cơ thể. Về mặt lâm sàng, các bệnh nhân trầm cảm chủ yếu có hành vi tự sát và không có hành vi tự sát, có triệu chứng giống nhau. Điểm duy nhất khác biệt ở hai nhóm bệnh nhân này là những bệnh nhân có ý định tự sát thường có các hành vi tự sát trong tiền sử bệnh”, PGS. Huy diễn giải.

Sớm nhận biết cơn trầm cảm chủ yếu

Rối loạn trầm cảm chủ yếu được đặc trưng bởi một hay nhiều giai đoạn trầm cảm, bệnh nhân phải có ít nhất 5 triệu chứng chủ yếu và hay gặp. Các giai đoạn trầm cảm kéo dài ít nhất 2 tuần. Trong đó, có ít nhất 1 trong 2 triệu chứng chủ yếu: khí sắc giảm và mất hứng thú/sở thích cho hầu hết các hoạt động.

Minh họa: Bravo

Ngoài ra, bệnh nhân có biểu hiện ít nhất 4 triệu chứng trong dãy triệu chứng chủ yếu và hay gặp, gồm: thay đổi cảm giác ngon miệng hoặc khối lượng cơ thể (ăn ít, sút cân…); thay đổi giấc ngủ (hầu hết mất ngủ); rối loạn hoạt động tâm thần vận động (kích động đi đi lại lại, vận động chậm chạp, tăng khoảng nghỉ trước khi trả lời, giọng nói nhỏ, số lượng ít, nội dung nghèo nàn, thậm chí câm lặng...); giảm sút năng lượng (kiệt sức và mệt mỏi…); cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi (luôn nghĩ mình đã làm hỏng mọi việc, trở thành gánh nặng, mặc cảm tội lỗi liên quan đến các sai lầm nhỏ trước đây…); khó suy nghĩ, tập trung hoặc ra quyết định (phân tán chú ý nhẹ hoặc than phiền khó nhớ…); ý nghĩ tái diễn về cái chết hoặc có ý nghĩ, kế hoạch tự sát.

Các giai đoạn trầm cảm phát triển qua nhiều giai đoạn. Lúc đầu, bệnh nhân chỉ than phiền mệt mỏi, sau một thời gian họ lại hay bị mất ngủ. Sau đó, các triệu chứng khác của trầm cảm lần lượt xuất hiện như đau đầu, đánh trống ngực, chán ăn, đau vùng thượng vị. Vì thế bệnh nhân hay đi khám tại các chuyên khoa tim mạch, tiêu hóa, thần kinh… Khi các triệu chứng của trầm cảm đã xuất hiện đầy đủ và rầm rộ, người bệnh mới được khuyên đi khám tại chuyên khoa tâm thần.

Ở mức độ trầm cảm nặng, bệnh nhân có tất cả các triệu chứng, các chức năng xã hội, nghề nghiệp bị ảnh hưởng trầm trọng. Được chia thành hai loại: nặng không có triệu chứng loạn thần và nặng có triệu chứng loạn thần (hoang tưởng, ảo giác), bao gồm loạn thần phù hợp với khí sắc (hoang tưởng nghi bệnh, hoang tưởng tự buộc tội) và loạn thần không phù hợp với khí sắc (hoang tưởng bị hại, bị chi phối, bị theo dõi, ảo thanh bình phẩm, ảo thanh ra lệnh).

Cách phòng bệnh tốt nhất là cần tách bạch giữa công việc và thời gian nghỉ ngơi, để cơ thể không bị kiệt sức, thần kinh không quá tải. Bên cạnh đó, ngủ đủ giấc, chơi thể thao, tham gia sinh hoạt cùng gia đình, bạn bè để xả stress và lấy lại niềm hứng khởi trong công việc… cũng là những biện pháp nên áp dụng. “Khi đã được chẩn đoán bị bệnh trầm cảm, người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị của các bác sĩ chuyên khoa tâm thần để chữa trị căn bệnh này triệt để và hiệu quả, tránh tái phát”, PGS. Huy lưu ý.

Anh Tuấn - Hữu Tiến

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/tram-cam-canh-giac-tieng-noi-la-thoi-thuc-tu-sat-33902.html