Trầm Lộng - Ngày ấy, bây giờ

Một sáng mùa Thu 75 năm trước (ngày 17/8/1945), tại chùa Chòng, thôn Trầm Lộng, xã Kiện Trung (nay là Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa), đồng chí Đỗ Mười đã đánh hồi chuông tập hợp quân và nhân dân địa phương nhất tề nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền. Hôm nay, cũng tại nơi này, mỗi khi nghe chuông ngân là cả miền ký ức hào hùng lại trở về với người dân Trầm Lộng. Nền tảng đó chính là động lực để Trầm Lộng vươn mình, biến khó khăn thành lợi thế với những trang trại ao cá, đầm sen, vườn cây ăn quả... cho thu nhập gấp nhiều lần so với độc canh cây lúa trước đây.

Tác giả (ngoài cùng bên trái) trong cuộc gặp gỡ với người dân Trầm Lộng.

Tác giả (ngoài cùng bên trái) trong cuộc gặp gỡ với người dân Trầm Lộng.

Xứ ủy An toàn bởi lòng dân yêu nước

Lật mở từng trang sử, người cựu chiến binh thời kỳ chống Mỹ - ông Nguyễn Quyết Tiến say sưa kể: Trầm Lộng được chọn làm trung tâm An toàn khu Xứ ủy Bắc Kỳ (năm 1942) bởi có vị trí xa trung tâm Hà Nội, Hà Đông, là một vùng trũng quanh năm đồng lầy nước lụt, giao thông đi lại khó khăn, phương tiện chủ yếu là thuyền thúng nên chính quyền cai trị ít chú ý đến. Đặc biệt, nơi đây nhân dân đoàn kết, yêu nước, căm thù chế độ thực dân, phong kiến.

Điều đó thể hiện rõ qua nhiều phong trào đấu tranh mạnh mẽ, nổi bật trong cao trào đấu tranh dân chủ (1936-1939). Giữa năm 1941, Trầm Lộng đã thành lập được Mặt trận Việt Minh xã và các tổ chức quần chúng yêu nước như Hội Phụ nữ, Nông dân, Phụ lão, Thiếu nhi Cứu quốc. Những tổ chức này đã tập hợp các tầng lớp nhân dân, củng cố khối đoàn kết nhân dân, tăng cường sức mạnh, chuẩn bị cho phong trào đấu tranh cách mạng ở Trầm Lộng. Đến đầu năm 1942, khí thế cách mạng của quần chúng bắt đầu lên cao.

Nhận biết tình hình đó, Xứ ủy Bắc Kỳ đã cử đồng chí Bạch Thành Phong, Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông xuống khảo sát các cơ sở vùng nam Ứng Hòa; đồng chí Hoàng Quốc Việt đóng giả thầy địa lý về nghiên cứu địa bàn, kiểm tra phong trào cách mạng ở Trầm Lộng. Nhờ những ưu thế trên, Trầm Lộng đã được chọn để xây dựng thành trung tâm An toàn khu (ATK), trụ sở cơ quan Xứ ủy; thành lập Ban cán sự ATK, đồng chí Trần Thị Minh Châu (còn gọi là Mai) được chỉ định làm Trưởng ban, đồng chí Thỉnh (còn gọi là Bình Dương) làm Phó ban.

Từ đó, Ban cán sự ATK đề ra kế hoạch: Thành lập chi bộ Đảng ở khu trung tâm là Trầm Lộng; bố trí nơi làm việc của Xứ ủy; đặt cơ quan in tài liệu, tổ chức các lớp huấn luyện cho cán bộ; địa điểm họp của Xứ ủy; củng cố, mở rộng phong trào cách mạng ở Trầm Lộng và cơ sở xung quanh làm vành đai bảo vệ ATK; đồng thời, đình chỉ các cuộc đấu tranh công khai rầm rộ, treo cờ, diễn thuyết, rải truyền đơn ở khu vực trung tâm, tổ chức đấu tranh bảo vệ đời sống nhân dân, rèn luyện tinh thần và kinh nghiệm đấu tranh cho quần chúng; tổ chức bồi dưỡng học tập điều lệ tóm tắt của Đảng; xây dựng cơ sở cách mạng, bố trí địa điểm liên lạc, nơi ở và làm việc cho đồng chí Hoàng Quốc Việt; in tài liệu, hội họp, thảo luận, tổ chức các lớp huấn luyện…

Vừa kể, ông Tiến vừa chỉ dẫn cho chúng tôi thấy nơi đang đứng là Chùa Chòng, địa điểm trung tâm hoạt động của ATK, nơi đặt xưởng in tài liệu ở nhà Tổ kế bên và Bái đường chùa là nơi hội họp sinh hoạt của Xứ ủy.

Ông Tiến giới thiệu thêm: “Bố tôi là Trần Trọng An, sinh năm 1920, là hội viên Mặt trận Việt Minh; mẹ tôi là Phạm Thị Lăng, sinh năm 1923, thành viên “Tổ tam tam”. Mẹ tôi lấy việc buôn thúng bán mẹt hàng vải sợi, mở xưởng dệt nhỏ làm cơ sở hoạt động cách mạng với nhiệm vụ chính là tuyên truyền tài liệu của Đảng... “Hồi đó, mỗi người dân quê tôi là một pháo đài cách mạng vừa bảo đảm thông tin thông suốt vừa bảo vệ an toàn cho các đồng chí cán bộ và tuyên truyền cho nhiều người giác ngộ cách mạng”, ông Tiến tự hào nói.

Thời gian ATK đóng ở Trầm Lộng chỉ gần một năm (1942) nhưng nhân dân đã nuôi giấu, bảo vệ cán bộ, không một cán bộ nào bị địch bắt. Nhất là qua cuộc khủng bố của địch vào cuối năm 1942 đã chứng minh cán bộ, nhân dân Trầm Lộng tuyệt đối trung thành, kiên cường, bất khuất trước kẻ thù, cán bộ ATK được bảo vệ an toàn, phong trào cách mạng vẫn được giữ vững.

Trong giai đoạn 1942-1945, nhân dân xã Trầm Lộng đã nuôi giấu và bảo vệ an toàn cho các cán bộ lãnh đạo cấp cao của Trung ương, Xứ ủy, Tỉnh ủy Hà Đông về dự họp, như các đồng chí: Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Đỗ Mười. Những ngôi nhà của các gia đình bà Tạ Thị Nấm (còn gọi là bà Khườn), cụ Chủ Đàn (Lê Văn Vinh) được sắp xếp làm nơi ở của đồng chí Hoàng Quốc Việt; nhà bà Nguyễn Thị Bút làm cơ sở in tài liệu; nhà ông Nguyễn Văn Dần làm địa điểm liên lạc…

Sáng 17/8/1945, sau hồi chuông dài ở Chùa Chòng, đồng chí Đỗ Mười đã đọc Quân lệnh khởi nghĩa, huy động lực lượng vũ trang, nhân dân ở Tổng Trầm và từ khắp nơi như Đại Bối, Phù Lưu, Đạo Tú… kéo về để đánh chiếm Phủ đường Ứng Hòa. Cuộc khởi nghĩa nhanh chóng giành thắng lợi, nhân dân Trầm Lộng tổ chức mít tinh mừng chiến thắng ngay tại Chùa Chòng và chào mừng Ủy ban lâm thời huyện thành lập. Từ đó, phong trào cách mạng ở Trầm Lộng và toàn vùng ngày càng sôi nổi, lan rộng. Trầm Lộng đã làm tròn nhiệm vụ và xứng đáng là quê hương Anh hùng Cách mạng.

Khai thác lợi thế thành vùng nông nghiệp xanh

Ông Bùi Chí Thanh, Trưởng thôn Trầm Lộng cho hay, sau khi hoàn thành nhiệm vụ cách mạng, bảo vệ tổ quốc, Đảng bộ và nhân dân xã Trầm Lộng bước vào thực hiện nhiệm vụ kiến thiết, xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội. Trong chiến tranh, với vị trí xa trung tâm, nước ngập trắng đường là lợi thế giữ bí mật thì nay lại là trở ngại không nhỏ trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy vậy, với phẩm chất cần cù chịu khó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Trầm Lộng một lòng kiên trì, nỗ lực lao động sản xuất, xây dựng đời sống mới. Ông Thanh chia sẻ: “Năm xưa, người dân chúng tôi 'sống ngâm da, chết ngâm xương', mỗi năm chỉ cấy được một vụ lúa, không trồng được rau màu… Ngày nay hệ thống giao thông, mương máng, dồn điền đổi thửa, cơ cấu lại vật nuôi, cây trồng; đồng thời, bà con đã cấy trồng được hai vụ lúa mỗi năm; hoa màu, cây ăn quả, nhất là nuôi trồng thủy sản đạt năng suất cao”.

Chỉ về phía cánh đồng xanh mướt, có những trang trại đa canh nuôi cá, nuôi vịt mà mỗi hộ dân đầu tư cả tỷ đồng, đời sống nhân dân được nâng cao, ông Thanh khoe: “Giờ đây Trầm Lộng đã thay da đổi thịt. Thế hệ trẻ chỉ biết đến câu 'chiêm khê mùa thối' qua lời kể của ông, bà, bố, mẹ mà thôi”.

Ông Đinh Quang Lĩnh, Chủ tịch UBND xã Trầm Lộng cho biết, phát huy truyền thống cách mạng, nhân dân Trầm Lộng luôn hăng say lao động, tích cực sản xuất phát triển kinh tế. Tận dụng lợi thế vùng chiêm trũng, năm 1993, Trầm Lộng đã tiên phong thực hiện dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nhân dân đồng lòng, quyết tâm thực hiện tốt nên đến nay đã có 429 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó, 299 ha chuyên canh nuôi cá và 130 ha đa canh lúa, cá, vịt. Nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi sang mô hình trang trại chuyên canh, đa canh, đem lại nguồn thu từ 220 triệu đồng/ha; cao gấp hai, ba lần trở lên so với trồng lúa. Đó là trang trại 3 ha của gia đình anh Lê Xuân Hữu ở thôn Kiện Vũ; trang trại 3 ha của gia đình anh Lê Hồng Như thôn Thu Nội; trang trại 2,5 của ha gia đình anh Nguyễn Văn Duyệt ở thôn An Cư; trang trại 1 ha của gia đình anh Ngô Văn Thưởng ở thôn An Thái…

Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp sáu tháng đầu năm 2020 ước đạt 79,7 tỷ đồng, đạt 64,1% kế hoạch năm; trong đó có 104 tấn lợn xuất chuồng; 1 tấn trâu/bò; 55 tấn gia cầm; 6,6 triệu quả trứng gia cầm; sản lượng cá 1.838 tấn… góp phần thu nhập bình quân đạt 46 triệu đồng/người/năm; hộ nghèo giảm, chỉ còn 0,66%. Cuối năm 2019, Trầm Lộng đã về đích nông thôn mới.

Tuy nhiên, với một vùng quê xa trung tâm Thủ đô, Trầm Lộng còn nhiều khó khăn: Đường giao thông của xã xuống cấp, nhỏ, hẹp, không thuận tiện cho giao thương; tình trạng ô nhiễm từ các sông (Nhuệ, Đáy) ảnh hưởng đến tưới tiêu… Nông dân Trầm Lộng mong muốn có được sự kết nối chuỗi sản xuất - tiêu thụ để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp…

Dù vậy, chúng tôi tin trong tương lai gần, với ý chí và sự cần cù, sáng tạo, chắc chắn Trầm Lộng sẽ khắc phục khó khăn, tiếp tục khai thác lợi thế vùng chiêm trũng thành vùng nông nghiệp xanh của Hà Nội, xứng danh quê hương Anh hùng cách mạng.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tram-long-ngay-ay-bay-gio-123576.html