Trận địa 'rồng lửa' S-300 Ukraine nổ tung sau đòn tập kích của Nga

UAV Nga phát hiện trận địa phòng không với các bệ phóng tên lửa S-300 Ukraine gần căn cứ Mirgorod, ngay sau đó tọa độ đã được gửi về và tên lửa Iskander đã được phóng đi để tập kích phá hủy mục tiêu.

Truyền thông Nga hôm 5/7 công bố video từ UAV trinh sát tầm cao đang theo dõi trận địa tên lửa phòng không tầm xa S-300PS triển khai gần làng Koptev thuộc tỉnh Poltava, miền trung Ukraine.

Dữ liệu định vị địa lý cho thấy địa điểm này nằm cách sân bay quân sự Mirgorod khoảng 14 km về phía đông.

Trận địa bị tập kích nằm sâu trong hậu phương của Ukraine, cách tiền tuyến gần 200 km, nhưng UAV Nga vẫn liên tục quần thảo và không có dấu hiệu bị ngăn chặn.

Trong video, tổ hợp S-300PS được triển khai phân tán ở khu vực có nhiều tán cây, với các thành phần gồm xe chỉ huy, radar hỏa lực 30N6, radar bắt thấp đặt trên tháp nâng 40V6M, cùng hai xe chở đạn kiêm bệ phóng trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

Tên lửa đạn đạo Iskander lao xuống trận địa, kích nổ trên không để tăng tối đa hiệu quả sát thương.

Quầng lửa lớn, sóng xung kích và mảnh văng trùm xuống khu vực đặt đài chỉ huy và bệ phóng, khiến nhiều khí tài bốc cháy, trong khi đài radar gần đó nhiều khả năng cũng bị hư hại vì không có vỏ giáp bảo vệ.

Hàng loạt vụ nổ thứ cấp xảy ra do đạn tên lửa phòng không bị kích hoạt, khiến trận địa chìm trong khói bụi và mảnh nhiên liệu cháy.

"Đòn tập kích đã phá hủy hai bệ phóng, radar điều khiển hỏa lực, radar bắt thấp, đài chỉ huy, ba xe kỹ thuật và làm khoảng 40 quân nhân đối phương thương vong. Các đơn vị phòng không Ukraine không thể bảo vệ sân bay Mirgorod, bởi chính họ cũng không thể tự bảo vệ mình", tài khoản The_Wrong_Side chuyên đăng tư liệu về các đòn tập kích của Nga tại Ukraine cho hay.

Bộ Quốc phòng Nga và quân đội Ukraine chưa bình luận về thông tin.

S-300 bao gồm một loạt hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa do Tổng công ty Khoa học Công nghiệp Almaz-Antey của Nga sản xuất.

Đây cũng là hệ thống phòng không thế hệ thứ 3 phổ biến nhất thế giới. Tầm đánh chặn mục tiêu của hệ thống này lên tới 150km.

Giới chuyên gia đánh giá hệ thống phòng thủ tên lửa được mệnh danh "Rồng lửa" S-300 có nhiều tính năng vượt trội so với các đối thủ cùng loại và là một trong những hệ thống phòng thủ đáng gờm.

Liên Xô bắt đầu đưa S-300 vào biên chế từ năm 1978, hiện có gần 20 quốc gia trên thế giới sở hữu tổ hợp phòng không này.

Nga sở hữu tất cả các phiên bản S-300 với khoảng 2.000 bệ phóng.

Trong khi đó Ukraine cũng sở hữu lượng lớn tên lửa này sau khi Liên Xô tan rã.

Sau khi xung đột nổ ra, một số quốc gia cũng đã viện trợ cho Ukraine một số tổ hợp S-300.

Hiện không rõ Ukraine còn bao nhiêu tổ hợp loại này khi mà xung đột Đông Âu đã bước sang năm thứ ba.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tran-dia-rong-lua-s-300-ukraine-no-tung-sau-don-tap-kich-cua-nga-post582058.antd