Trận tiến công Trảng Bom là một điển hình về trận đánh hiệp đồng quân binh chủng quy mô cấp sư đoàn

Ngày 23/4, tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Nai, Viện Lịch sử Quân sự, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam phối hợp với tỉnh Đồng Nai, Quân khu 7, Quân đoàn 4, Sư đoàn 341 tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề Chiến thắng Trảng Bom trong chiến dịch Hồ Chí Minh - Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm.

Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam phát biểu chỉ đạo hội thảo. Ảnh: Hà Mi

Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam phát biểu chỉ đạo hội thảo. Ảnh: Hà Mi

Dự hội thảo có các đồng chí: Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam; Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự; Thiếu tướng Đặng Văn Hùng, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 7; Hồ Thanh Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, Quân đoàn 4, Sư đoàn 341 và nhiều cựu chiến binh trực tiếp tham gia trận đánh Trảng Bom ngày 27/4/1975.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên nhấn mạnh, vào những ngày cuối tháng 4 năm 1975, cả nước dồn sức cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (26/4 đến 30/4/1975) - đòn tiến công chiến lược vào sào huyệt cuối cùng đập tan chính quyền của địch, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; giữa lúc đó, ngày 27/4/1975, trận tiến công tiêu diệt Yếu khu Trảng Bom của Sư đoàn 341 (Quân đoàn 4 ngày ấy, Quân khu 4 hiện nay), có sự giúp sức của quân dân địa phương Đồng Nai, giữ vị trí, vai trò quan trọng…

Trong trận đánh này, ta đã tiêu diệt và làm tan rã một bộ phận quan trọng sinh lực địch. Đây là một trong những trận đánh đạt hiệu suất chiến đấu cao trong toàn bộ chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đập tan một “mắt xích cứng” trên Đường số 1 thuộc hệ thống phòng thủ trọng yếu phía đông Sài Gòn của địch, mở đường cho ta giải phóng Biên Hòa và tiến về giải phóng Sài Gòn vào ngày 30/4/1975.

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, trận đánh Trảng Bom vẫn luôn thu hút sự quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu của nhiều nhà khoa học, các cựu chiến binh, báo chí truyền thông.

Hội thảo khoa học là dịp để ôn lại một trong những thắng lợi quan trọng của chiến dịch Hồ Chí Minh, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã làm nên chiến thắng Trảng Bom nói riêng, cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc nói chung, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, bồi dưỡng khát vọng, tạo động lực phát triển vươn lên thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Cuộc Hội thảo lần này của chúng ta đồng thời cũng là hoạt động thiết thực chuẩn bị hướng đến chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 50 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)”, Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên nhấn mạnh thêm.

Các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Hà Mi

Các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Hà Mi

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn cho rằng, đây là dịp để chúng ta nhìn nhận, đánh giá toàn diện hơn, sâu sắc hơn vị trí, ý nghĩa lịch sử của thắng lợi đầu tiên trên hướng Đông Chiến dịch Hồ Chí Minh; rút ra những kinh nghiệm quý để vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN; đồng thời, tưởng nhớ, tri ân các Anh hùng liệt sĩ, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã cống hiến, hy sinh xương máu làm nên chiến thắng vẻ vang này.

Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn nhấn mạnh: “Trận tiến công Trảng Bom là một điển hình về trận đánh hiệp đồng quân binh chủng quy mô cấp sư đoàn. Thông qua Hội thảo khoa học này, chúng ta tiếp tục khẳng định và làm sâu sắc hơn tầm vóc, giá trị, ý nghĩa của Chiến thắng Trảng Bom, rút ra những kinh nghiệm quý để vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN”...

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Hà Mi

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Hà Mi

Với gần 100 bài tham luận cùng nhiều ý kiến phát biểu tại hội thảo khoa học, các đại biểu tiếp tục khẳng định đây là một trận tiến công điển hình về trận đánh hiệp đồng quân binh chủng quy mô cấp sư đoàn. Thông qua Hội thảo khoa học, tiếp tục khẳng định và làm sâu sắc hơn tầm vóc, giá trị, ý nghĩa của Chiến thắng Trảng Bom, rút ra những kinh nghiệm quý để vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Hà Mi

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tran-tien-cong-trang-bom-la-mot-dien-hinh-ve-tran-danh-hiep-dong-quan-binh-chung-quy-mo-cap-su-doan-post475041.html