Trấn Yên kiên quyết xử lý nạn săn bắt, bẫy chim di cư

Để bảo vệ những đàn chim hoang dã, di cư vào địa bàn, huyện Trấn Yên đã triển khai hàng loạt giải pháp bảo tồn các loài chim hoang dã; trong đó chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân, thu gom, tiêu hủy dụng cụ bẫy chim trên các cánh đồng.

Ngay trong ngày 5/10, qua kiểm tra lực lượng chức năng huyện Trấn Yên đã tiến hành thu gom và lập biên bản tiêu hủy tại chỗ 5 tay lưới bẫy chim di cư và thả 30 cá thể chim còn khỏe mạnh về môi trường.

Ngay trong ngày 5/10, qua kiểm tra lực lượng chức năng huyện Trấn Yên đã tiến hành thu gom và lập biên bản tiêu hủy tại chỗ 5 tay lưới bẫy chim di cư và thả 30 cá thể chim còn khỏe mạnh về môi trường.

Thực hiện Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam, ngay từ đầu tháng 9/2024, UBND huyện Trấn Yên đã ban hành Công văn số 1375 yêu cầu tăng cường quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư trên địa bàn.

Theo đó, huyện yêu cầu Hạt Kiểm lâm huyện chỉ đạo các trạm kiểm lâm trực thuộc, lực lượng công an, dân quân tự vệ, lâm nghiệp xã... tổ chức cho người dân ký cam kết không mua bán, nuôi nhốt, săn bắn, bẫy, giết mổ, kinh doanh, chế biến trái phép các loài chim di cư trên địa bàn.

Đồng thời, UBND các xã, thị trấn kiểm tra các chợ, nhà hàng, cánh đồng, hồ đập để kịp thời ngăn chặn tình trạng săn, bắn, bẫy bắt, mua bán, giết mổ, kinh doanh, chế biến các loài chim di cư; tăng cường kiểm tra, thu giữ, xử lý các đối tượng dùng các loại súng để săn bắn chim di cư; bố trí lực lượng phối hợp chính quyền địa phương, ngành kiểm lâm tổ chức tháo dỡ, thu dọn dụng cụ bẫy, bắt chim trời.

Cùng với đó, các xã, thị trấn tổ chức cho người dân, các nhà hàng ký cam kết không mua bán, nuôi nhốt, săn bắn, bẫy, giết mổ, kinh doanh trái phép chim di cư về sinh sống trên địa bàn; nghiêm cấm việc dùng các loại súng, giăng lưới, đặt chim mồi, đặt bẫy nhựa dính, dùng băng đĩa phát tiếng chim… để săn bắn, bẫy bắt; nghiêm cấm hành vi giết mổ, mua bán, kinh doanh, chế biến các loại chim di cư; tổ chức lực lượng kiểm tra, thu dọn, tiêu hủy các dụng cụ loại bắt, bẫy các loại chim di cư; kiểm tra, xử lý nghiêm đối tượng có hành vi vi phạm…

Ngay trong ngày 5/10, qua kiểm tra tại địa bàn xã Minh Quân, Bảo Hưng, cơ quan chức năng đã phát hiện có nhiều điểm giăng, đặt bẫy để đánh bắt chim di cư. Lực lượng chức năng đã tiến hành thu gom và lập biên bản tiêu hủy tại chỗ 5 tay lưới bẫy chim di cư, 30 cá thể chim còn khỏe mạnh thả về môi trường tự nhiên, 15 cá thể chết tiến hành tiêu hủy tránh để xảy ra dịch bệnh…

Từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau là mùa chim di cư. Vì vậy, đây là thời điểm chim di cư thường đến địa bàn từng đàn lớn. Ngay tại hồ Thác Bà (huyện Yên Bình) hiện nay cũng đã có hàng đàn chim di cư lớn đến trú ngụ, làm tổ trên các đảo hồ. Tuy nhiên, trên thực tế, người săn bắt chim di cư thường đặt bẫy vào buổi chiều tối, thu dọn vào sáng sớm ở những vị trí xa khu dân cư, ở những bãi bồi giữa sông hoặc cửa ngòi… rất khó cho lực lượng chức năng phát hiện, xử lý. Vì vậy, để bảo vệ tốt chim di cư, ngoài việc các cơ quan chức năng quyết liệt hơn trong tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, thì rất cần sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng dân cư. Có như vậy mới bảo vệ tốt cho đàn chim hoang dã, di cư, tốt cho môi trường sinh thái và đa dạng sinh học.

Minh Huyền

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/13/329971/tran-yen-kien-quyet-xu-ly-nan-san-bat-bay-chim-di-cu.aspx