Trang bị kỹ năng nhận diện thông tin xấu

Cán bộ cấp xã sẽ được tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng nhận diện thông tin xấu, độc trên không gian mạng

Đây là một trong những nội dung quan trọng vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) phê duyệt tại Chương trình bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng số và an toàn thông tin cho cán bộ, công chức các xã thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình bồi dưỡng).

Nhận diện để ứng xử phù hợp

Khi công nghệ ngày càng phát triển, thông tin được lan tỏa nhanh chóng và rộng khắp trên các trang mạng xã hội đặt ra không ít thách thức trong công tác quản lý nhà nước.

Song hành với việc tăng cường quản lý để ngăn chặn các thông tin xấu, độc thì việc nâng cao nhận thức, bổ sung kiến thức để nhận diện thông tin xấu, độc, từ đó có ứng xử phù hợp cũng hết sức cần thiết. Trong bối cảnh đó, Chương trình bồi dưỡng nêu trên của Bộ TT-TT được kỳ vọng sẽ nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng số và an toàn thông tin cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã; cán bộ Đảng, đoàn thể các xã; cán bộ được cấp trên tăng cường về các xã; cán bộ nguồn trong diện quy hoạch của các xã; người hoạt động không chuyên trách ở các xã, thôn, tổ dân phố.

Tập huấn về chuyển đổi số và hướng dẫn thực hiện bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, tại tỉnh Thanh Hóa .Ảnh: THANH TUẤN

Tập huấn về chuyển đổi số và hướng dẫn thực hiện bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, tại tỉnh Thanh Hóa .Ảnh: THANH TUẤN

Bộ TT-TT cho biết Chương trình bồi dưỡng tập trung vào 2 nhóm nội dung chính gồm: Các nội dung cơ bản về kiến thức, kỹ năng trong triển khai chuyển đổi số; những nội dung cơ bản về kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin mạng. Trong đó, các chuyên đề trang bị kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin mạng cho cán bộ, công chức các xã gồm kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn khi sử dụng máy tính và bảo vệ dữ liệu; kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin khi sử dụng thư điện tử và giao dịch trực tuyến; kiến thức, kỹ năng phòng chống mã độc và virus; kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho thiết bị di động, thiết bị thông minh; kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho thiết bị không dây; kiến thức, kỹ năng nhận diện thông tin xấu, độc trên không gian mạng.

Theo đánh giá của Bộ TT-TT, dù Bộ TT-TT đã triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường quản lý nội dung thông tin trên mạng, ngăn chặn xử lý tin giả, thông tin sai sự thật trên không gian mạng nhưng trên thực tế rất khó để ngăn chặn hoàn toàn. Chính vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt từ những cơ quan quản lý nhà nước, người dân cũng cần tự trang bị các kiến thức cơ bản, biết sàng lọc và nhận biết tin giả, qua đó có ứng xử phù hợp.

Tại quyết định do Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Huy Dũng ký phê duyệt, Cục Chuyển đổi số quốc gia được giao chủ trì, phối hợp với Cục An toàn thông tin và các đơn vị chức năng của Bộ TT-TT, các cơ quan liên quan và chuyên gia tổ chức biên soạn, xây dựng tài liệu, học liệu, bài giảng điện tử, câu hỏi kiểm tra, đánh giá phục vụ bồi dưỡng, tập huấn; thúc đẩy sử dụng nền tảng học trực tuyến mở đại trà.

Ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT-TT) - cũng cho biết vừa qua, Bộ TT-TT đã xây dựng bộ "Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng". Theo đó, cuốn cẩm nang đã cung cấp những kỹ năng cơ bản để người sử dụng có thể nhận biết, ứng phó và xử lý có hiệu quả khi gặp tin giả, tin sai sự thật.

Địa phương chủ động triển khai

Ngay sau khi Bộ TT-TT ban hành Chương trình bồi dưỡng, sở TT-TT các địa phương đã chủ động thực hiện những nhiệm vụ được giao để triển khai Chương trình bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, công chức các xã.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Văn Nam, Phó Giám đốc Sở TT-TT tỉnh Thanh Hóa, cho biết tới đây, đơn vị sẽ phối hợp tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, công chức theo quyết định vừa được Bộ TT-TT phê duyệt.

Theo ông Nam, Thanh Hóa là địa phương có nhiều đơn vị hành chính cấp xã, công cuộc xây dựng nông thôn mới đã đạt được nhiều thành tựu, song vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là những xã ở vùng sâu, vùng xa.

"Việc trang bị kiến thức, kỹ năng và môi trường số cho cán bộ, công chức nơi đây là hết sức cần thiết để họ định hướng, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng sinh hoạt trên không gian mạng tới đông đảo quần chúng nhân dân, từ đó giúp nhân dân có kiến thức căn bản để nhận diện những thông tin xấu, độc, các chiêu trò lừa đảo trên không gian mạng, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội" - ông Nam nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm về việc trang bị kiến thức cho cán bộ, công chức, viên chức trong nhận diện thông tin xấu, độc ở địa phương thì ngoài Chương trình bồi dưỡng mà Bộ TT-TT vừa phê duyệt, ông Lê Văn Nam cho biết việc này đã được tỉnh chủ động triển khai liên tục trong các năm qua. Cụ thể, từ tháng 7-2020, chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Quyết định ban hành quy chế phối hợp, theo dõi, xử lý thông tin xấu, độc trên không gian mạng.

"Từ khi quy chế được ban hành, Sở TT-TT tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với nhiều đơn vị, sở, ngành, địa phương tổ chức các lớp tập huấn về chuyển đổi số và hướng dẫn thực hiện bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho nhiều đối tượng từ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh thiếu niên" - ông Nam thông tin.

Lãnh đạo Sở TT-TT tỉnh Thanh Hóa cho biết trọng tâm của các lớp tập huấn thường tập trung nâng cao kỹ năng sử dụng internet và mạng xã hội; phân tích, nhận diện thông tin xấu, độc trên mạng xã hội; một số quy định về quản lý và xử lý trên lĩnh vực thông tin điện tử, mạng xã hội. Từ đó nắm bắt, đánh giá tình hình tư tưởng, dư luận xã hội được triển khai sâu rộng, công tác quản lý sử dụng internet, mạng xã hội, quản lý hoạt động báo chí, theo dõi thông tin trên báo chí và mạng xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Đồng thời, sớm gỡ bỏ, triệt phá, ngăn chặn, xử lý nhiều thông tin sai sự thật, xấu, độc, góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh.

Ông Trần Anh Tấn, Chủ tịch UBND xã Hưng Đông (TP Vinh, tỉnh Nghệ An), cho rằng Chương trình bồi dưỡng của Bộ TT-TT là hết sức ý nghĩa, bởi trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh như hiện nay, hằng ngày chúng ta tiếp xúc với rất nhiều thông tin trên không gian mạng.

"Để nhận diện được đâu là thông tin có ích, thông tin xấu, độc trên không gian mạng không phải là chuyện dễ. Vì vậy, Chương trình bồi dưỡng này rất thiết thực cho đội ngũ cán bộ cấp xã" - ông Trần Anh Tấn nói. Ông nhấn mạnh khi được tập huấn, cán bộ xã sẽ có các kỹ năng nhận diện, ứng xử với những thông tin xấu, độc trên mạng để từ đó áp dụng vào công việc thực tế của mình, biết chọn lọc thông tin đúng, có ích, có những phương pháp, kỹ năng nhằm bảo đảm bí mật an toàn thông tin khi giao dịch, trao đổi công việc thông qua các thiết bị điện tử.

"Theo Bộ TT-TT, mục tiêu cụ thể đến năm 2025 của Chương trình bồi dưỡng là bảo đảm tỉ lệ cán bộ, công chức tại các xã thuộc phạm vi của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 được tập huấn kiến thức, kỹ năng số và an toàn thông tin đạt tối thiểu 80% với các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo; 100% đối với các xã còn lại.

THANH TUẤN - MINH CHIẾN - ĐỨC NGỌC

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ly-tuong-song/trang-bi-ky-nang-nhan-dien-thong-tin-xau-20231015183111612.htm