'Trang điểm' lễ vật trong mùa cưới

PTĐT - Gài nốt bông hoa trang trí lên hình dáng con chim phượng tạo thành từ hoa quả sống động như thật. Tố Linh-chủ cửa hàng Tráp hỏi Việt, Hàm Nghi, phường Gia Cẩm, TP Việt Trì dừng tay, ngắm lại lễ ăn hỏi chuẩn bị giao cho khách.

Tố Linh trang trí lễ ăn hỏi hình rồng phượng.

Tố Linh trang trí lễ ăn hỏi hình rồng phượng.

PTĐT - Gài nốt bông hoa trang trí lên hình dáng con chim phượng tạo thành từ hoa quả sống động như thật. Tố Linh-chủ cửa hàng Tráp hỏi Việt, Hàm Nghi, phường Gia Cẩm, TP Việt Trì dừng tay, ngắm lại lễ ăn hỏi chuẩn bị giao cho khách. Bắt đầu từ mùng 6 tháng Giêng trở đi những người làm dịch vụ sắp lễ ăn hỏi hay như cách gọi vui của nhiều người là “trang điểm” cho lễ vật cầu hôn lại bận rộn với các đơn hàng, kịp chuyển đến các gia đình trong dịp trọng đại.
Thắm nhịp cầu duyên
Trong tập tục, văn hóa của người Việt Nam, lễ ăn hỏi (hay còn gọi là lễ đính hôn) là một nghi thức truyền thống trước khi các đôi uyên ương tổ chức lễ cưới. Ngày nay, khi kinh tế ngày một phát triển thì hình thức trong lễ ăn hỏi cũng thay đổi theo xu thế mới, sắp lễ ăn hỏi đã trở thành một nghề.Học kế toán, nhưng rồi cơ duyên rẽ lối cho Tố Linh chuyển hướng sang làm các dịch vụ liên quan đến cưới hỏi, trong đó chủ yếu là sắp lễ ăn hỏi. Linh cho biết: “Em bắt đầu làm nghề từ khoảng năm 2013, khi đó cũng phải đi học làm hoa, làm tráp tại Hà Nội. Rồi dần dần tự mày mò thêm, nhưng mấy năm gần đây, cứ vào dịp tháng Bảy âm lịch ít khách là em lại đi học nâng cao để bắt kịp xu hướng, thay đổi mẫu mã đáp ứng nhu cầu của khách hàng”.Nhìn những lễ ăn hỏi làm cho khách mới thấy hết được sự tỉ mỉ chăm chút cho từng sản phẩm, thấy được trách nhiệm và tình yêu công việc mà Linh đã lựa chọn. Như Linh chia sẻ, đối với các lễ đơn giản thì việc chuẩn bị và sắp lễ mất khoảng 5-6 tiếng, nhưng đối với các lễ cầu kỳ làm rồng, phượng thì phải mất từ 1-2 ngày: “Như chị thấy, từng cái vảy rồng, lông phượng bọn em đều lựa chọn vật liệu kỹ lưỡng, cắt, gắn rồi trang trí, tỉ mẩn từng chút một để mỗi sản phẩm khi đến tay khách hàng đều nhận được sự hài lòng”.

Lễ vật trang trí rồng phượng được nhà trai sử dụng trong lễ ăn hỏi.

Lễ vật trang trí rồng phượng được nhà trai sử dụng trong lễ ăn hỏi.

Theo quan niệm truyền thống, lễ vật ăn hỏi bao gồm các vật phẩm hay đồ lễ: Trầu, cau, bánh cốm, mứt sen, rượu, chè, thuốc lá, bánh phu thê (bánh xu xê), bánh đậu xanh, lợn sữa quay, tiền dẫn cưới… Nhưng trong câu chuyện chia sẻ với chúng tôi, những người làm nghề sắp lễ ăn hỏi luôn nhắc đến câu “Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Đã có gần 10 năm gắn bó với nghề này, chị Hà Mist-chủ cửa hàng Hoa và Tráp, phường Tiên Cát, TP Việt Trì chia sẻ: “Đối với những người sắp lễ, quan trọng nhất là khâu chọn cau. Cành cau cho lễ ăn hỏi phải thật đẹp. Một cành cau đẹp phải có quả to đều, màu xanh, có râu…”. Đó là khâu quan trọng nhất, nhưng với Hà, bấy nhiêu năm hàng nghìn lễ ăn hỏi, hàng nghìn gia đình đã “chọn mặt, gửi vàng” trong dịp trọng đại, ngày vui của gia đình thì mỗi món đồ sắp lễ đều được cửa hàng lựa chọn kỹ càng, đảm bảo không chỉ hình thức mà còn chất lượng. “Mình thường dựa vào nhu cầu của khách để sắp lễ, không phải gia đình nào cũng có điều kiện, nhưng khi đặt ai cũng yêu cầu phải đầy đủ vật phẩm theo đúng lễ nghi truyền thống. Như các loại bánh cốm, bánh phu thê thời hạn sử dụng chỉ trong ba ngày, nên mình thường tính toán để sao khi giao cho khách vẫn còn đủ thời gian để sử dụng”- Hà chia sẻ.Khi được hỏi vì sao các tráp lễ ăn hỏi lại có số lẻ như 5, 7, 9, 11… mà không phải số chẵn, cả Linh và Hà đều cười và nói: “Ngày xưa, các cụ đã làm thế rồi và cứ truyền nhau cho tới ngày nay. Số lẻ cũng có ý nghĩa cho sự may mắn nữa. Ngay cả buồng cau cũng vậy, thường cố gắng tìm cho khách buồng cau lẻ, để mang lại may mắn, hạnh phúc cho cô dâu, chú rể”. Có nhiều người đến đặt lễ ăn hỏi cho con lần đầu không biết về các thủ tục như: Trong tráp lễ thì tráp nào đi trước, tráp nào đi sau? Các thủ tục cần thiết trong ngày ăn hỏi? “Lại quả” cho nhà gái như thế nào? đều được Linh, Hà tư vấn tỉ mỉ.

Những lễ ăn hỏi được trình bày đẹp mắt mang đến sự hài lòng cho khách hàng.

Những lễ ăn hỏi được trình bày đẹp mắt mang đến sự hài lòng cho khách hàng.

Truyền thống khởi đầu hạnh phúcQua câu chuyện với Linh và Hà có thể thấy nghề sắp lễ ăn hỏi có nhiều thay đổi so với trước đây. “Trước đây khoảng những năm 1993-1994, mẹ chồng mình bán hoa ở cổng chợ Nông Trang, thỉnh thoảng cũng được các gia đình nhờ sắp lễ ăn hỏi. Khi đó chỉ đơn giản xếp các đồ rượu, thuốc, bánh kẹo, hoa quả vào tráp. Hình thức hơn chút thì xếp tháp, trang trí nơ. Nhưng bây giờ, do các gia đình chuộng hình thức” nên yêu cầu sắp lễ phải đẹp về hình thức, mẫu mã, mà các lễ vẫn đảm bảo đầy đủ các vật phẩm - Linh chia sẻ.Nói về tráp ăn hỏi, thì trước đây là loại sơn son thiếp vàng, có nắp và được phủ tấm vải đỏ thêu hình chữ Song Hỷ hoặc hình con rồng. Hiện nay với các tráp ăn hỏi, ngoài những vật phẩm truyền thống còn được bày thêm một số vật phẩm mới lạ, độc đáo khác như: Lẵng hoa kết rồng phượng, mâm lợn sữa quay, mâm xôi gấc, mâm hoa quả tươi… Tất cả đều được trang trí kèm với hoa tươi đẹp mắt. Ngoài loại tráp gỗ hoa văn màu đỏ truyền thống thì còn có mâm điêu khắc, mâm sơn mài…

Công việc của những người sắp lễ ăn hỏi diễn ra từ tháng Giêng âm lịch đến tầm 15, 16 tháng Chạp âm lịch, chỉ nghỉ có tháng Bảy âm lịch- do quan niệm kiêng kỵ của các cụ từ xưa. Trung bình một tháng các cửa hàng làm từ 15-20 lễ, tuy nhiên những tháng cao điểm như tháng 10 và tháng 2 âm lịch thì có những ngày làm 4-5 bộ lễ ăn hỏi. Vì thế thức khuya, dậy sớm trong những tháng cao điểm là chuyện bình thường. Đã từng tự tay chuẩn bị lễ ăn hỏi cho chính bản thân mình, Linh chia sẻ: “Dù cuộc sống hiện đại như thế nào, thì những lễ nghi truyền thống của dân tộc vẫn được các gia đình gìn giữ. Lễ ăn hỏi chính là thể hiện sự quý mến, tôn trọng, bộ mặt của nhà trai đối với nhà gái. Các lễ vật được chuẩn bị chu đáo cũng khiến nhà trai “nở mày, nở mặt”.Đang là tháng cao điểm, những người làm nghề sắp lễ ăn hỏi lại tất bật từ khâu chuẩn bị đến sắp lễ. Những đêm thức trắng, những ngày dậy từ tinh mơ chuẩn bị hoa tươi, quả ngọt được đổi lại bằng nụ cười, sự hài lòng của khách hàng. Những món đồ, mâm lễ vật được chọn hôm nay chính là khởi đầu cho câu chuyện hạnh phúc của các cặp đôi trong tương lai- đó chính là niềm vui, hạnh phúc của những người “nối nhịp yêu thương”, “trang điểm” cho lễ vật cầu hôn.

Thu Hà

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/phong-su-ghi-chep/202103/trang-diem-le-vat-trong-mua-cuoi-175756