Trắng tay sau chuyến thăm Mỹ: Tổng thống Zelensky đối diện thời khắc đen tối nhất

Trở về từ Mỹ, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lại đối mặt với thực trạng: bước tiến trên chiến trường của Nga, một xã hội kiệt quệ và nguy cơ thiếu năng lượng vào mùa đông.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đến Pennsylvania vào tháng trước để thăm một nhà máy đạn dược (Ảnh: Getty)

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đến Pennsylvania vào tháng trước để thăm một nhà máy đạn dược (Ảnh: Getty)

Thời khắc đen tối nhất

Tại một sở chỉ huy gần thành phố Pokrovsk đang bị bao vây ở miền đông Ukraine, các binh sĩ thuộc Lữ đoàn Tổng thống Riêng biệt than phiền về sự lưỡng lự của Washington về việc liệu Kiev có thể sử dụng tên lửa phương Tây để tấn công các mục tiêu bên trong nước Nga hay không.

Giá như họ có thể chiến đấu “bằng cả hai tay thay vì một tay bị trói sau lưng”, thì đội quân này có thể có cơ hội chống lại quân đội Nga hùng mạnh hơn, một người điều khiển máy bay không người lái (UAV) tấn công than thở.

Bao quanh bởi các màn hình video chiếu cảnh kẻ thù đang tiến tới, vị chỉ huy của tiểu đoàn cho biết mục tiêu của ông đã bắt đầu thay đổi. “Ngay bây giờ, tôi đang suy tính nhiều hơn về cách cứu người của mình”, Mykhailo Temper nói. “Thật khó để tưởng tượng rằng chúng tôi có thể đẩy kẻ thù trở lại biên giới năm 1991”.

Từng phấn chấn với hy vọng giải phóng vùng đất của mình, ngay cả những người lính Ukraine ở mặt trận giờ đây cũng bày tỏ mong muốn đàm phán với Nga để chấm dứt chiến tranh. Yury, một chỉ huy khác ở mặt trận phía đông, nói rằng ông lo ngại viễn cảnh về một “cuộc chiến tranh vĩnh viễn”.

“Bây giờ tôi ủng hộ đàm phán”, ông nói thêm, đồng thời bày tỏ lo ngại rằng con trai ông - cũng là một người lính - có thể dành phần lớn cuộc đời để chiến đấu và một ngày nào đó cháu trai ông có thể thừa hưởng một cuộc xung đột bất tận.

Ukraine đang bước vào thời điểm đen tối nhất của cuộc chiến từ trước đến nay. Họ đang thua trên chiến trường ở miền đông đất nước, trong khi lực lượng Nga tiến lên không ngừng.

Nước này đang phải vật lộn để khôi phục lại đội ngũ đã suy kiệt của mình, trong khi hệ thống huy động quân sự tùy tiện đang gây ra căng thẳng xã hội thực sự. Họ cũng đang phải đối mặt với một mùa đông đáng sợ, trong bối cảnh mạng lưới điện năng bị phá hủy.

“Xã hội đã kiệt sức”, Oleksandr Merezhko, Chủ tịch ủy ban đối ngoại của Quốc hội Ukraine, nói.

 Ông Zelensky ký tên vào một quả đạn pháo trong chuyến tham quan nhà máy đạn dược ở Scranton, Pennsylvania (Ảnh: AFP)

Ông Zelensky ký tên vào một quả đạn pháo trong chuyến tham quan nhà máy đạn dược ở Scranton, Pennsylvania (Ảnh: AFP)

Cùng thời điểm, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang chịu áp lực ngày càng lớn từ các đối tác phương Tây để tìm ra con đường hướng tới một giải pháp thương lượng, ngay cả khi có nhiều sự hoài nghi về việc Nga có chịu tham gia đàm phán hay không, và vị thế của Ukraine hiện giờ quá yếu để có thể đảm bảo một thỏa thuận công bằng.

Chính quyền Biden nhận thức được rằng chiến lược hiện tại của họ không bền vững vì “chúng ta đang thua cuộc chiến”, Jeremy Shapiro, người đứng đầu văn phòng tại Washington của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu, cho biết. “Họ đang nghĩ cách đưa cuộc chiến đó vào trạng thái yên tĩnh hơn”.

Mối đe dọa lớn nhất đối với Kiev là khả năng ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng tới và cố gắng áp đặt một thỏa thuận hòa bình bất lợi cho Ukraine bằng cách đe dọa từ chối viện trợ quân sự và tài chính.

Trong khi đó, những bên ủng hộ Ukraine trung thành nhất ở châu Âu có thể muốn tiếp tục tham gia cuộc chiến nhưng lại thiếu kho vũ khí để viện trợ và không có kế hoạch lấp đầy khoảng trống mà Mỹ để lại.

Kiev xác nhận họ đang đặt nền móng cho các cuộc đàm phán trong tương lai bằng cách chiếm giữ một phần vùng Kursk của Nga trong một cuộc tấn công xuyên biên giới bất ngờ vào tháng 8. Ông Zelensky cho biết việc nắm giữ vùng lãnh thổ này sẽ đóng vai trò như một con bài thương lượng.

 Ông Zelensky gặp Donald Trump tại Trump Tower ở New York vào tuần trước. Ứng cử viên Tổng thống đảng Cộng hòa nhiều lần tuyên bố có thể nhanh chóng kết thúc chiến tranh (Ảnh: Reuters)

Ông Zelensky gặp Donald Trump tại Trump Tower ở New York vào tuần trước. Ứng cử viên Tổng thống đảng Cộng hòa nhiều lần tuyên bố có thể nhanh chóng kết thúc chiến tranh (Ảnh: Reuters)

Trắng tay ở Washington

Tuần trước, trong nỗ lực củng cố sự ủng hộ của các đồng minh, ông Zelensky đã đến thăm Mỹ để tiếp thị cái gọi là “kế hoạch chiến thắng” của mình, một công thức nhằm củng cố vị thế của Ukraine trước các cuộc đàm phán có thể xảy ra với Moscow. Zelensky mô tả đây là "chiến lược đạt được hòa bình thông qua sức mạnh".

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Ukraine đã rời khỏi Washington mà không đạt được 2 vấn đề trọng tâm: Mỹ cho phép sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công tầm xa vào lãnh thổ Nga; và tiến triển trong nỗ lực gia nhập NATO của Ukraine. Chính quyền Biden đã phản đối cả hai, vì lo ngại điều đó có thể khuyến khích Moscow leo thang xung đột, có khả năng lôi kéo Mỹ và các đồng minh khác.

Các quan chức Mỹ không mấy ấn tượng với “kế hoạch chiến thắng” của ông Zelensky, trong đó bao gồm yêu cầu cung cấp số lượng lớn vũ khí của phương Tây.

Một quan chức cấp cao Ukraine nói với Financial Times rằng, mặc dù kế hoạch chiến thắng của ông Zelensky trình bày lại các mục tiêu cũ, nhưng ý nghĩa thực sự của nó là nó chuyển mục tiêu chiến tranh của Ukraine từ giải phóng hoàn toàn sang bẻ cong cuộc chiến theo hướng có lợi cho Kiev.

“Đó là một nỗ lực nhằm thay đổi quỹ đạo của cuộc chiến và đưa Nga vào bàn đàm phán. Ông Zelensky thực sự tin tưởng vào điều đó”, vị quan chức cho hay.

Nhiều nhà ngoại giao châu Âu tham dự Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York vào tuần trước cho biết đã có sự thay đổi rõ rệt trong giọng điệu và nội dung các cuộc thảo luận xung quanh một giải pháp tiềm năng.

Họ lưu ý rằng các quan chức Ukraine cởi mở hơn trong việc thảo luận về khả năng đồng ý ngừng bắn ngay cả khi quân đội Nga vẫn ở trên lãnh thổ của họ và các cuộc thảo luận thẳng thắn hơn giữa các quan chức phương Tây về tính cấp thiết của một thỏa thuận.

 Người dân địa phương đi qua một công trình lắp đặt máy biến áp điện ở Kiev bị hư hỏng do cuộc tấn công của Nga. Điện Kremlin đã phá hủy ít nhất một nửa công suất sản xuất điện của Ukraine (Ảnh: Reuters)

Người dân địa phương đi qua một công trình lắp đặt máy biến áp điện ở Kiev bị hư hỏng do cuộc tấn công của Nga. Điện Kremlin đã phá hủy ít nhất một nửa công suất sản xuất điện của Ukraine (Ảnh: Reuters)

Xã hội kiệt quệ, người dân mong muốn hòa đàm

Dư luận Ukraine dường như cũng cởi mở hơn với các cuộc đàm phán hòa bình - nhưng không nhất thiết phải chấp nhận những nhượng bộ.

Cuộc thăm dò mà Viện Xã hội học Quốc tế Kiev thực hiện cho Viện Dân chủ Quốc gia vào mùa hè năm nay cho thấy 57% số người được hỏi cho rằng Ukraine nên tham gia đàm phán hòa bình với Nga, tăng từ mức 33% một năm trước đó.

Cuộc khảo sát cho thấy chiến tranh đang gây thiệt hại nặng nề hơn bao giờ hết: 77% số người được hỏi cho biết họ đã mất người thân, bạn bè hoặc người quen, gấp 4 lần so với hai năm trước. 2/3 cho biết họ cảm thấy khó khăn hoặc rất khó khăn để sống bằng mức thu nhập thời chiến.

Cuộc sống của người dân Ukraine sắp trở nên khó khăn hơn. Nga đã phá hủy ít nhất một nửa công suất sản xuất điện của Ukraine sau khi nước này nối lại các cuộc tấn công bằng UAV và tên lửa hàng loạt nhằm vào các nhà máy điện và cơ sở hạ tầng lưới điện vào mùa xuân năm nay.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IAE), Ukraine phải đối mặt với tình trạng thiếu điện “nghiêm trọng” lên tới 6GW, tương đương 1/3 nhu cầu cao điểm vào mùa đông. IEA lưu ý rằng nước này ngày càng phụ thuộc vào 3 nhà máy điện hạt nhân đang còn hoạt động. Nếu Nga tấn công các trạm biến áp gần các nhà máy này - bất chấp mối nguy hiểm rõ ràng - điều đó có thể khiến hệ thống điện của Ukraine sụp đổ.

 Các thành viên của văn phòng tuyển dụng khu vực Kharkov kiểm tra tài liệu của dân thường. Hàng triệu đàn ông Ukraine buộc phải đăng ký nghĩa vụ quân sự nếu không sẽ bị phạt nặng (Ảnh: Getty)

Các thành viên của văn phòng tuyển dụng khu vực Kharkov kiểm tra tài liệu của dân thường. Hàng triệu đàn ông Ukraine buộc phải đăng ký nghĩa vụ quân sự nếu không sẽ bị phạt nặng (Ảnh: Getty)

Một nguồn cơn căng thẳng khác là việc tuyển mộ binh sĩ. Theo luật mới, hàng triệu đàn ông Ukraine đã buộc phải đăng ký nghĩa vụ quân sự nếu không sẽ phải đối mặt với những khoản phạt nặng. Đồng thời, nhiều người Ukraine biết về việc những người đàn ông bị chặn ngẫu nhiên tại các ga tàu điện ngầm hoặc xe lửa, thường vào đêm khuya, và bị đưa đến các trung tâm huy động, sau một thời gian huấn luyện ngắn là đã bị đẩy ra tiền tuyến.

 Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg gặp ông Zelensky tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York. Ukraine tiếp tục thúc đẩy đảm bảo an ninh từ liên minh (Ảnh: AFP)

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg gặp ông Zelensky tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York. Ukraine tiếp tục thúc đẩy đảm bảo an ninh từ liên minh (Ảnh: AFP)

Tư cách thành viên NATO

Tư cách thành viên NATO vẫn là mục tiêu chính của Ukraine, nhưng rất ít trong số 32 thành viên của khối liên minh muốn chấp nhận Kiev trong khi không có lệnh ngừng bắn đầy đủ, lâu dài và một đường ranh giới trên bản đồ xác định phần lãnh thổ Ukraine mà điều khoản phòng thủ chung của liên minh áp dụng.

Mô hình được một số người đưa ra là tư cách thành viên của liên minh Tây Đức, kéo dài hơn 3 thập kỷ trước khi Bức tường Berlin sụp đổ và thống nhất phần phía Đông.

Nhưng ngay cả điều này cũng sẽ đòi hỏi Mỹ và các đối tác phải triển khai một lực lượng lớn mà bất kỳ chính quyền Mỹ nào, dù là đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa, đều sẽ phải chùn bước, do Washington đang tập trung vào mối đe dọa từ Trung Quốc. Một câu hỏi đặt ra là liệu các cường quốc châu Âu có sẵn sàng gánh thêm gánh nặng hay không.

Và liệu Nga có chấp nhận việc Ukraine gia nhập liên minh, một liên kết với phương Tây mà nước này đã cố gắng ngăn chặn về mặt quân sự trong suốt một thập kỷ? Nhiều người ở cả hai bờ Đại Tây Dương cho rằng điều đó khó xảy ra.

Một quan chức cấp cao của Ukraine cho biết: “Tôi không nghĩ Nga sẽ đồng ý để chúng tôi tham gia NATO”.

Kể cả khi Ukraine có tư cách thành viên, điều đó là chưa đủ để ngăn chặn hành động quân sự của Nga. “Ngay cả khi chúng tôi nhận được lời mời của NATO, điều đó cũng chẳng có ý nghĩa gì. Đó là một quyết định chính trị”, quan chức cấp cao Ukraine nói thêm.

Trong chuyến đi có thể là chuyến đi cuối cùng tới châu Âu trước khi rời khỏi Nhà Trắng, ông Biden dự kiến sẽ chủ trì một cuộc họp giữa Ukraine và các đồng minh tại Đức vào ngày 12/10.

Một quan chức phương Tây thông tin tóm tắt về các cuộc đàm phán của ông Zelensky ở Washington cho biết có những dấu hiệu cho thấy Biden có thể đồng ý thúc đẩy tư cách thành viên NATO của Ukraine trước khi ông rời nhiệm sở vào tháng 1.

Theo Financial Times

Huyền Chi

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/trang-tay-sau-chuyen-tham-my-tong-thong-zelensky-doi-dien-thoi-khac-den-toi-nhat-post178754.html