Trang trọng Lễ kỷ niệm 70 năm Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc

Sáng 26/10, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Ban liên lạc Học sinh miền Nam Trung ương và Bộ Giáo dục và Đào tạo trang trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc, 55 năm các thế hệ học sinh miền Nam thực hiện di chúc Bác Hồ.

Tham dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương; Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an, Trưởng Ban Liên lạc học sinh miền Nam Trung ương; Thượng tướng Bế Xuân Trường, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Việt Nam; các đồng chí nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên lãnh đạo một số bộ, ngành; đại diện các địa phương nơi có học sinh miền Nam học tập cùng hơn 500 thầy, cô giáo tham gia giảng dạy học sinh miền Nam và 3000 đại biểu là thế hệ học sinh miền Nam trên đất Bắc.

Các đồng chí lãnh đạo và đại biểu tham dự lễ kỷ niệm.

Các đồng chí lãnh đạo và đại biểu tham dự lễ kỷ niệm.

Tại buổi lễ, thay mặt Ban liên lạc Học sinh miền Nam Trung ương, TS Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) đã đọc diễn văn tổng kết 70 năm học sinh miền Nam trên đất Bắc. Theo đó, cách đây 70 năm, năm 1954, sau khi Hiệp định Geneva được ký kết, hòa bình được lập lại ở Việt Nam và Đông Dương, nhưng nước ta còn tạm thời bị chia cắt làm hai miền Nam - Bắc, với tầm nhìn xa trông rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã dự cảm rằng công cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước có thể còn lâu dài và gian khổ.

Vì vậy, cùng với việc chuyển bộ đội và cán bộ kháng chiến tập kết, cần phải đưa một số lượng không nhỏ thiếu nhi, học sinh là con em CBCS ra Bắc để chăm sóc, đào tạo, sau này trở thành lực lượng nòng cốt xây dựng lại miền Nam, tái thiết đất nước. Mặt khác, các CBCS cách mạng còn ở lại miền Nam cũng sẽ yên lòng chiến đấu khi biết rằng con em mình đang ở trong “vòng tay” của Bác Hồ và đồng bào miền Bắc, được chăm sóc chu đáo, được học hành bài bản.

Mở đầu lễ kỷ niệm là chương trình nghệ thuật đặc sắc tưởng nhớ công lao trời biển của Bác Hồ.

Mở đầu lễ kỷ niệm là chương trình nghệ thuật đặc sắc tưởng nhớ công lao trời biển của Bác Hồ.

Cuộc tập kết, chuyển quân lịch sử của cách mạng Việt Nam ở thế kỷ 20, để rồi từ đó những thế hệ học sinh miền Nam đầu tiên ra đời. Tất cả các thế hệ học sinh miền Nam được Bác Hồ, Đảng và Chính phủ đưa ra Bắc học tập bằng nhiều con đường khác nhau như tàu thủy, hay vượt Trường Sơn đều đã phát huy cao nhất truyền thống cách mạng của cha ông, có nhiều cống hiến cho đất nước.

Các thế hệ học sinh miền Nam luôn ghi nhớ những lời dặn dò của Bác là phải đoàn kết giữa học sinh các vùng miền, đoàn kết với thiếu nhi và đồng bào miền Bắc, phải luôn nỗ lực học tập, rèn luyện để trở thành người tốt, học đi đôi với hành. Vâng lời Bác, các thầy cô giáo đã đào tạo học sinh miền Nam toàn diện, trước hết là học làm người, rèn luyện nhân cách, đặc biệt là tính trung thực, lòng biết ơn, ý thức tập thể và sự dấn thân cho công việc chung.

Chương trình nghệ thuật tái hiện lại những thời điểm lịch sử chuyển học sinh, thiếu nhi miền Nam ra Bắc học tập.

Chương trình nghệ thuật tái hiện lại những thời điểm lịch sử chuyển học sinh, thiếu nhi miền Nam ra Bắc học tập.

Từ năm 1964, khi Mỹ đổ quân vào miền Nam và mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, hàng trăm học sinh miền Nam vừa tốt nghiệp cấp 3 đã lên đường vào Nam chiến đấu. Vài năm sau đó, hàng ngàn học sinh miền Nam tốt nghiệp đại học, nhất là các ngành y dược, sự phạm, thông tin liên lạc tiếp tục trở về miền Nam chiến đấu giải phóng quê hương.

Rất nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Họ mãi mãi là những tấm gương cho thế hệ trẻ cả nước, đặc biệt là cho học sinh miền Nam noi theo. Những học sinh miền Nam ở lại miền Bắc hoặc tốt nghiệp đại học ở nước ngoài về tiếp tục vào Bộ đội, Công an và các ngành thiết yếu, tham gia chống chiến tranh phá hoại miền Bắc và xây dựng hậu phương miền Bắc vững mạnh để chi viện cho miền Nam.

Ngay từ những ngày tháng đầu khi miền Nam được giải phóng, đa số học sinh miền Nam đã trưởng thành trở về miền Nam, tham gia tiếp quản và xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng, trở thành một đội ngũ cán bộ chủ chốt hoạt động trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị văn hóa xã hội, khoa học kỹ thuật, giáo dục và đào tạo.

Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới từ năm 1986, các thế hệ học sinh miền Nam tiếp tục nỗ lực, tận tụy và sáng tạo trong nhiệm vụ của mình, đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới đất nước. Nhiều đồng chí trở thành nhà khoa học, nhà giáo, văn nghệ sỹ nổi tiếng, nhiều doanh nhân thành đạt, các tướng lĩnh trong Quân đội, Công an... Đặc biệt, nhiều đồng chí trở thành lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành Trung ương và nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

TS Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm 70 năm Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc.

TS Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm 70 năm Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc.

Việc đưa hơn 3 vạn thiếu nhi, học sinh miền Nam ra Bắc và thành lập hệ thống các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc từ 1954 đến 1975 là một chủ trương lớn, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, không chỉ thể hiện tầm nhìn sáng suốt mà còn nói lên tình cảm cao quý của Bác Hồ, của Đảng, Nhà nước và nhân dân miền Bắc đối với con em đồng bào, CBCS miền Nam thân yêu.

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng đánh giá “Đây là vườn ươm đặc biệt, ươm những hạt giống quý báu vào bậc nhất mà Bác Hồ, Đảng, Nhà nước và nhân dân niềm Bắc đã dành cho miền Nam trong những ngày gian khó”. Có thể khẳng định rằng, cuộc dịch chuyển thiếu nhi, học sinh quy mô nhất lịch sử được đánh giá là thành công trên cả 3 phương diện: Rèn luyện con người, mô hình giáo dục và chiến lược đào tạo dài hạn.

Các đại biểu tham dự buổi lễ.

Các đại biểu tham dự buổi lễ.

Thiếu nhi, học sinh miền Nam ra Bắc đa số không có cha mẹ cùng đi hoặc là con liệt sĩ, xa gia đình từ lúc tuổi thơ với dặn dò ra Bắc gặp Bác Hồ nhớ vâng lời Bác để học tập rèn luyện nên người. Vì vậy, học sinh miền Nam có tình cảm rất đặc biệt với Bác Hồ trong suốt cuộc đời mình. Những lần Bác về thăm các trường học sinh miền Nam hoặc được gặp Bác trong Phủ Chủ tịch, các cháu ào vào ôm Bác, như ôm một người ông hiền từ và vô cùng kính yêu, một tình cảm rất sâu nặng và thiêng liêng.

Những lời dạy bảo của Bác Hồ cùng với lòng biết ơn vô hạn với Bác, Đảng và nhân dân miền Bắc là hành trang quý báu để mỗi học sinh miền Nam nỗ lực hết mình phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Hoàng Phong-Khổng Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/trang-trong-le-ky-niem-70-nam-truong-hoc-sinh-mien-nam-tren-dat-bac-i748347/