Tranh cãi gay gắt trùng tên cuộc thi 'Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam'

Phía Unicorp cho rằng, việc bảo hộ của tổ chức Miss Universe tại Việt Nam chỉ bao gồm tên thương hiệu và nhãn hiệu 'Miss Universe'.

Những ngày qua, việc tranh chấp tên "Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam" giữa Unicorp và công ty cổ phần thương mại Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam đang được dư luận chú ý.

Cụ thể, từ ngày 18/2, Unicorp/Unimedia - đơn vị tổ chức thành công 5 mùa Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2008, 2015, 2017, 2019, 2022 và đề cử người đẹp tham gia các cuộc thi sắc đẹp quốc tế đã thông báo quyết định chấm dứt hợp tác với tổ chức Miss Universe trong việc giữ bản quyền và đề cử đại diện Việt Nam tham dự Miss Universe.

Ngày 24/2, bà Anne Jakapong Jakrajutatip - Chủ tịch tổ chức Miss Universe - cùng đương kim hoa hậu R'Bonney Gabriel tham dự buổi ký kết và công bố thông tin bản quyền Miss Universe Vietnam tại TP.HCM. Theo đó, bản quyền Miss Universe Vietnam thuộc về công ty cổ phần Thương mại Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam do người mẫu Lan Khuê điều hành, BTV - MC Quỳnh Nga là giám đốc quốc gia.

Sau sự kiện ký kết, trang Facebook của Unicorp được đổi tên từ Miss Universe Vietnam thành Miss Universe Vietnam - Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam. Tranh cãi về quyền sử dụng tên gọi "Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam" nổ ra từ đây.

Về việc trùng tên gọi cuộc thi của 2 công ty, đại diện công ty cổ phần Thương mại Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam - bà Thúy Nga cho biết không nặng nề chuyện lấy tên Việt hay tên tiếng Anh. "Chúng tôi không nặng nề chuyện lấy tên Việt hay tên tiếng Anh bởi "chiếc áo không làm nên thầy tu". Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi nắm giữ bản quyền tổ chức cuộc thi Miss Universe Vietnam - Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam và đề cử người thắng giải đến Miss Universe - Hoa hậu Hoàn vũ", bà Thúy Nga cho hay.

Tuy nhiên, ông Trần Việt Bảo Hoàng - đại diện Unicorp - khẳng định bất cứ cá nhân, tổ chức nào đang hoặc dự định sử dụng tên gọi "Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam" là hành động thiếu chuyên nghiệp và sẽ quyết liệt lên án, hành động để bảo vệ thương hiệu của mình.

Ngày 28/2, công ty JKN Global Group - đơn vị chủ quản MUO (Miss Universe Organization - Tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ) gửi thông tin đến một số đơn vị truyền thông Việt Nam. Theo đó, Mark D'Alelio - Giám đốc pháp lý của JKN cho biết từ ngày 20/2, SG Unicorp không có quyền sử dụng tài sản trí tuệ của đơn vị này vì giấy phép không được gia hạn và việc sử dụng bất kỳ tài sản trí tuệ nào (bao gồm tên Hoa hậu Hoàn vũ và bản dịch tiếng Việt là 'Hoa Hau Hoan Vu Vietnam) phải dừng lại.

Đơn vị này khẳng định mình là chủ sở hữu hợp pháp của tên gọi Miss Universe Vietnam - "Hoa Hau Hoan Vu Vietnam" và sẽ thực hiện mọi hành động pháp lý để bảo vệ tài sản trí tuệ.

Phản hồi về thông tin này, tối 28/2, Unicorp tiếp tục gửi thông cáo đến báo chí để làm rõ vấn đề. Unicorp khẳng định, đơn vị này đã chủ động thực hiện việc thay đổi nói trên từ ngày 18/2/2023 - 3 ngày trước khi nhận thông báo của JKN.

Phía Unicorp cho rằng, việc bảo hộ của tổ chức Miss Universe tại Việt Nam chỉ bao gồm tên thương hiệu và nhãn hiệu "Miss Universe". Do đó, JKN Global không thể quy kết tất cả các cách dịch nghĩa tiếng Việt đều thuộc trong phạm vi bảo hộ của mình. Đây cũng là việc làm không đúng với tiền lệ các đơn vị sở hữu bản quyền khác.

"Chúng tôi phủ nhận các tuyên bố của JKN Global gửi đến báo chí Việt Nam, đồng thời phản đối việc sử dụng tên gọi "Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam" của đơn vị sở hữu bản quyền Miss Universe Vietnam hiện tại.

Đồng thời, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện tất cả các biện pháp pháp lý liên quan để bảo vệ thương hiệu của mình nếu có bất kỳ cá nhân, tổ chức nào đang cố tình sử dụng tên gọi "Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam" - thương hiệu do Unicorp sở hữu", thông báo nêu rõ.

Được biết, hiện tại, tra cứu trên cổng thông tin của Cục Sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu "Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam" vẫn chưa được đăng ký bản quyền bởi bất cứ đơn vị nào tại Việt Nam. Hiện, ồn ào tranh cãi vẫn đang nhận sự quan tâm của fan sắc đẹp.

Miss Universe ra đời năm 1952, do công ty quần áo Pacific Mills ở California (Mỹ) sáng lập. Bản quyền cuộc thi từng thuộc về một số đơn vị trước khi được nhượng lại cho Donald Trump năm 1996. Sau khi chuyển sang nghiệp chính trị, ông Trump bán bản quyền cho IMG Models - công ty người mẫu có trụ sở ở New York (Mỹ). Với 72 năm lịch sử, Miss Universe là một trong hai sân chơi nhan sắc lâu đời và lớn nhất hành tinh, bên cạnh Miss World.

Cuối năm 2022, Anne Jakkapong Jakrajutatip xác nhận chi 20 triệu USD mua lại tổ chức Miss Universe, trở thành người chuyển giới đầu tiên làm chủ cuộc thi. Sau khi lên nắm quyền, bà tiến hành nhiều cải tổ, trong đó có việc đấu thầu để duy trì bản quyền cuộc thi, tạo nên tranh luận. Nhiều giám đốc quốc gia tại Indonesia, Belize, Malaysia, Ghana, tuyên bố rút lui với lý do phí bản quyền quá cao.

An Khánh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/tranh-cai-gay-gat-trung-ten-cuoc-thi-hoa-hau-hoan-vu-viet-nam-172230301100523351.htm