Tranh cãi quanh bằng tiến sĩ của Bộ trưởng Năng lượng Indonesia

Mới đây, ông Bahlil Lahadalia - Bộ trưởng Năng lượng và Tài nguyên Indonesia được xác nhận đã hoàn thành bằng tiến sĩ ở trường Đại học Indonesia (UI) . Tuy nhiên, vấn đề gây ra tranh cãi là thời gian hoàn thành chỉ có 1 năm 8 tháng thay vì 3 năm như thường lệ.

Ông Bahlil Lahadalia vừa được bổ nhiệm lại làm Bộ trưởng Năng lượng và Tài nguyên Indonesia hôm 20-10-2024

Ông Bahlil Lahadalia vừa được bổ nhiệm lại làm Bộ trưởng Năng lượng và Tài nguyên Indonesia hôm 20-10-2024

Truyền thông địa phương đưa tin, việc Bộ trưởng Bahlil Lahadalia tốt nghiệp chương trình tiến sĩ vào ngày 16-10 đã gây tranh cãi do thời gian tốt nghiệp quá ngắn. Hôm 17-10, nhóm cựu sinh viên UI khởi thảo một bản kiến nghị trên change.org (nền tảng kiến nghị lớn nhất thế giới) yêu cầu thành lập nhóm độc lập để điều tra đầy đủ về cáo buộc thương mại hóa bằng cấp của ông Bahlil. Bản kiến nghị yêu cầu UI thu hồi bằng cấp của ông Bahlil nếu phát hiện ra việc cấp bằng vi phạm các quy định hiện hành. Tính đến ngày 22-10, bản kiến nghị đã có hơn 9.700 chữ ký.

Cuối tuần qua, Giáo sư Harkristuti Harkrisnowo - Chủ tịch Hội đồng quản trị của UI đã nói với truyền thông địa phương rằng, Hội đồng giáo sư của trường đã thành lập một nhóm “để điều tra sâu hơn về những gì được cho là bất thường trong vụ việc này”.

Câu chuyện cũng gây ra phản ứng mạnh trên mạng xã hội. “UI được đánh giá cao vì đã đào tạo ra những sinh viên xuất sắc của đất nước. Đừng đánh đổi điều đó chỉ vì lợi ích chính trị” - người dùng X @kiky_nih viết vào ngày 18-10. “Ông Bahlil đã tạo nên lịch sử khi có được bằng tiến sĩ tại UI trong vòng chưa đầy 2 năm” - một người dùng X khác là @cakkhum cho biết.

Trong bối cảnh mạng xã hội dậy sóng về bằng cấp của Bộ trưởng Bahlil Lahadalia, hôm 21-10, UI đã ra thông cáo báo chí nêu rõ ông Bahlil Lahadalia đã “hoàn thành mọi yêu cầu về hành chính và học thuật” để tốt nghiệp chương trình tiến sĩ. “Ông Bahlil đã tuân thủ và hoàn thành tất cả các giai đoạn bắt buộc đối với bất kỳ nghiên cứu sinh nào tại Khoa Nghiên cứu chiến lược và toàn cầu” - UI khẳng định, đồng thời nói thêm rằng Bộ trưởng đã tham gia chương trình vào năm 2022.

Thông cáo của UI chỉ ra rằng, ông Bahlil không phải là người đầu tiên được cấp bằng tiến sĩ trong vòng chưa đầy 2 năm, đồng thời cảnh báo công chúng không nên phát tán thông tin sai lệch. “Về thời gian học, ông Bahlil bắt đầu chương trình vào năm 2022, đã hoàn thành 4 học kỳ. Cũng cần lưu ý rằng trước ông Bahlil, UI đã cấp bằng cho Tiến sĩ Sugeng Purwanto trong vòng 13 tháng 26 ngày… UI muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc thận trọng và kiểm tra chéo thông tin để công chúng nhận được thông tin chính xác” - đại diện nhà trường cho biết.

Trước đó, hôm 17-10, bà Amelita Lusia - người đứng đầu bộ phận quan hệ công chúng của UI cho biết, ông Bahlil đã tuân thủ đúng quy định của nhà trường. Cụ thể, mặc dù chương trình tiến sĩ được thiết kế để hoàn thành trong vòng 6 học kỳ, nhưng có thể rút ngắn trong 4 học kỳ. “Với bằng tiến sĩ này, ông Bahlil Lahadalia cũng củng cố vị thế của mình với tư cách là một nhà lãnh đạo không chỉ hướng đến phát triển chính sách mà còn có sự hiểu biết sâu sắc về quản trị tài nguyên bền vững” - bà Amelita Lusia nói. Luận án tiến sĩ của ông Bahlil nêu bật sự phát triển của ngành công nghiệp niken của Indonesia, đồng thời nhấn mạnh sự phụ thuộc của ngành này vào lao động nước ngoài để đẩy nhanh tiến độ cùng hạn chế của việc sử dụng lao động địa phương.

Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Tài nguyên Bahlil Lahadalia đã giữ chức vụ này kể từ tháng 8-2024 dưới thời Tổng thống Joko Widodo (người tiền nhiệm của Tổng thống đương nhiệm Prabowo Subianto). Trước đó, từ tháng 4-2021, ông là Bộ trưởng Đầu tư của Indonesia. Theo tờ The Jakarta Post, vụ bằng cấp của ông Bahlil nổi lên trong bối cảnh có những cáo buộc về giới học giả, chính trị gia tìm cách xuất bản những bài nghiên cứu trên các tạp chí khoa học để được phong hàm giáo sư. Vào tháng 7-2024, 11 giảng viên tại Đại học Lambung Mangkurat ở Banjarmasin, Nam Kalimantan bị tố giác đã trả tiền để được xuất bản các bài nghiên cứu nhằm đáp ứng yêu cầu xuất bản ít nhất một bài báo trên một tạp chí học thuật để được phong hàm giáo sư.

Theo Channel News Asia

Yến Chi

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tranh-cai-quanh-bang-tien-si-cua-bo-truong-nang-luong-indonesia-post593672.antd