Tranh cãi quyền thi đấu của vận động viên chuyển giới
Đã gần 100 năm trôi qua kể từ cuộc phẫu thuật chuyển đổi giới tính đầu tiên, nhưng ngày nay vấn đề người chuyển giới thi đấu thể thao vẫn còn gây nhiều tranh cãi, thậm chí bức xúc.
Trước đây, các màn thi đấu của vận động viên (VĐV) chuyển giới trong các cuộc thi lớn khá kỳ lạ nhưng không ảnh hưởng đến việc phân phối huy chương. Song giờ đây, những VĐV trước kia từng là đàn ông đã bắt đầu bứt phá để vươn lên vị trí dẫn đầu trong các môn thể thao dành cho nữ giới và hiện trạng này đã trở thành tai tiếng.
Những hiện tượng gây bức xúc
Thế vận hội Tokyo 2021 lần đầu tiên có sự góp mặt chính thức của VĐV chuyển giới. Đó là VĐV cử tạ New Zealand Laurel Hubbard (trước đây từng là Gavin Hubbard). Thực tế, Gavin đã trải qua liệu pháp hormone nhưng tất cả đều thấy rõ rằng người đàn ông đã thay đổi giới tính này có lợi thế hơn so với các cô gái.
Khi còn là đàn ông thì Gavin Hubbard đã đánh bại các kỷ lục quốc gia, nhưng tại đấu trường quốc tế thì không được ai biết đến. Gavin đã tạo lập sự nghiệp ở môn cử tạ vào năm 2001 và đến năm 2012 thì chuyển giới và trở lại thể thao. Và thế là xuất hiện một cô Lauren Hubbard mới mẻ và đã giành nhiều thắng lợi: cô xác lập kỷ lục châu Đại Dương, thắng vô địch giải Úc mở rộng. Tại Giải vô địch thế giới đầu tiên của Lauren vào năm 2017, cô đã giành HCB và đủ điều kiện tham dự Thế vận hội Olympic. Song tại đây, sau chiến thắng ở hạng cân trên 87kg, Lauren đã không may mắn khi hai lần thất bại ở mức 125kg.
Sau Tokyo, Lauren dần bị lãng quên. Thay thế cho cô giờ đây đã có nữ VĐV bơi lội người Mỹ Leah Thomas. Trong quá khứ, Thomas từng là người đàn ông có tên là Will, nhưng không có thành tích nổi bật. Sau đó Thomas trải qua liệu pháp hormone và bắt đầu cạnh tranh với các cô gái. Kết quả là Will (cô Leath Thomas) đã chiến thắng tại giải Vô địch sinh viên Mỹ ở nội dung bơi 500m, hơn nữ VĐV đạt HCB Emma Veyant 1,75 giây.
Việc thi đấu của Leah ở môn bơi lội nữ đã bị phản đối không chỉ từ những người hâm mộ thể thao, mà còn từ chính các VĐV. Nhưng tờ Axaminer của Ireland đã viết: “Lập luận của Liên đoàn Bơi lội là những VĐV như Leah Thomas có lợi thế thể chất đáng kể về sức bền, sức mạnh, lực, tốc độ và dung tích phổi - đơn giản vì họ đã qua tuổi dậy thì như một nam giới, bởi vì theo thời gian, ưu thế này không bị mất đi kể cả khi hàm lượng testosterone trong cơ thể họ giảm sút. Và khoa học đã khẳng định điều này”.
Leah Thomas không quan tâm đến những chỉ trích. Cô khẳng định mình chuyển đổi giới tính không phải vì vụ lợi và cũng không phải vì chiến thắng. Cô làm điều đó dường như để “được hạnh phúc và sống thật với bản thân mình”. Cô tuyên bố sẽ tranh tài tại Thế vận hội 2024 tổ chức tại Paris.
Trong các môn thể thao của các trường ĐH Mỹ hiện đang có sự bùng nổ thực sự của những người chuyển giới. Hơn thế, vấn đề gay gắt đến mức đã xuất hiện những luật riêng về người chuyển giới ở hầu hết các bang. Chẳng hạn, có nơi phụ nữ được quyền gia nhập phái nữ, chỉ cần họ “cảm thấy mình là phụ nữ” là đủ. Nhưng ở nơi khác vẫn có yêu cầu có giấy xác nhận về phẫu thuật và liệu pháp hormone.
Các VĐV nữ thực thụ đã không hài lòng với điều này và họ đang cố gắng đấu tranh cho quyền lợi của mình. Còn hiện giờ, các liên đoàn thể thao khác nhau đã bắt đầu xem xét lại những quy chế về VĐV chuyển giới. Đặc biệt, các cầu thủ bóng bầu dục chuyển giới đã bị cấm tham gia các giải đấu quốc tế dành cho phụ nữ. Liên đoàn Bóng bầu dục Quốc tế (IRL) đã có lập trường cứng rắn trong vấn đề này. Nhưng Liên đoàn Bơi lội Quốc tế (FINA) vào ngày 19-6-2022 đã phê duyệt các tiêu chuẩn: từ nay, để có quyền tham gia các cuộc thi dành cho nữ giới, các VĐV bơi lội chuyển giới phải hoàn thành “quá trình chuyển đổi” trước thời điểm bắt đầu dậy thì, tức là trước 12 tuổi.
Nhìn nhận theo quan điểm khoa học
Đáng ngạc nhiên là khoa học hiện đại dù đã có cách đọc và chỉnh sửa ADN lại không thể đề ra ranh giới rõ ràng giữa một người đàn ông và một người phụ nữ. Và không ít các nhà khoa học tin rằng ranh giới này “về mặt tự nhiên” là rất không ổn định và không thể tìm ra các tiêu chí phổ quát. Đối với các môn thể thao lớn, điều này là một cơn ác mộng thực sự, bởi vì một loạt phương pháp đã bị từ chối để có thể tiếp cận các cuộc thi dành cho phụ nữ. Ví dụ, bác sĩ chuyên khoa kiểm tra hình ảnh về giới đã giảm đi. Việc kiểm tra bộ nhiễm sắc thể là một phương pháp phản khoa học và sự tính toán mức hormone nam trong máu được coi là không đạt kết quả vì không có dữ liệu khoa học về mối liên quan đến việc cải thiện thành tích thể thao.
Người ta chỉ biết chắc chắn rằng trong các môn thể thao có tính chu kỳ và sức mạnh thì sự khác biệt về kết quả của nam và nữ dao động từ 10-20%. Nhưng liệu đây có phải là hệ quả của tình trạng lưỡng hình giới tính vốn có về sinh học (khả năng thể chất khác nhau giữa hai giới) hay là vấn đề kém phát triển của các môn thể thao nữ? Ở đây ý kiến khác nhau. Rõ ràng là một người phụ nữ được đào tạo và có năng khiếu di truyền có thể mạnh mẽ và kiên cường hơn một người đàn ông không được đào tạo. Nhưng trong cùng một môn thể thao, việc các VĐV nữ dù là xuất sắc nhất vẫn khó đánh bại các VĐV nam ưu tú. Vậy đây có phải là bằng chứng cho thấy phụ nữ vẫn là “phái yếu”?
Trong mọi trường hợp, vấn đề giới tính trong thể thao hiện đang bị chính trị hóa đến mức nên đặt ra câu hỏi, liệu có cơ hội nào cho một số giải pháp khoa học khách quan? Có vẻ như bây giờ thói quen không phải là nhìn vào thể trạng, mà là xét nghiệm máu. Nếu một người đàn ông có ít hơn một lượng testosterone nhất định, liệu pháp điều trị bằng thuốc sẽ hữu ích và anh ta sẽ chính thức là người thuộc “phái yếu”.
Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đã thông qua các quy định mới hạn chế mức testoterone tối đa cho những ai muốn tranh tài bộ môn dành cho nữ giới. Có vẻ như mức này được coi là khách quan duy nhất cho phép vẽ ra một ranh giới về giới tính. Các nhà khoa học cho biết, sự vượt trội về thể chất ban đầu của một người đàn ông so với một người phụ nữ được hình thành ở tuổi vị thành niên. Chính trong giai đoạn này, cơ thể sản sinh ra lượng testosterone tối đa, các bé trai hình thành phần trên cơ thể cường tráng hơn, thể tích phổi và tim lớn hơn. Ngay cả khi testosterone sau này bị hạn chế, tất cả các thông số vật lý đã đạt được này vẫn không mất đi.
Hiện tại, tuyệt đại đa số các VĐV xuất sắc phản đối việc thi đấu của những người chuyển giới trong các cuộc thi dành cho nữ giới. Cụ thể, cựu tay vợt số 1 thế giới Martina Navratilova đã phát biểu như sau: “Một người đàn ông khi đã quyết định trở thành phụ nữ, họ chiến thắng mọi thứ, kiếm được tài sản riêng, và sau đó thay đổi ý định của mình? Thật không công bằng khi để đàn ông cạnh tranh với phụ nữ chỉ vì họ đã đổi tên và sử dụng hormone”.
Như đã nói, kể từ Thế vận hội Tokyo lần đầu tiên trong lịch sử có một người chuyển giới thi đấu và một số người chuyển giới hiện vẫn đang tham gia các giải đấu vòng loại Olympic của phụ nữ. IOC tất nhiên không hài lòng về điều này, nhưng có vẻ như sẽ chẳng thể phản đối nếu không bị kiện. Tuy nhiên, IOC không thể bỏ qua hoàn toàn vấn đề của người chuyển giới.
Chưa ngã ngũ về quyền thi đấu của VĐV chuyển giới
Tháng 11-2021, IOC đã thông qua “Tuyên ngôn chuyển giới”, tức là đã cho xuất bản “Bộ lời khuyên chi tiết cho các liên đoàn quốc tế về vấn đề người chuyển giới và VĐV tuyên bố nhận dạng khác giới với giới tính của họ”. Song đây chỉ là những lời khuyên, một số khuyến nghị mơ hồ. Cho đến nay, mọi thứ đã được chuyển sang liên đoàn của các môn thể thao khác nhau, vốn đã gặp rất nhiều khó khăn trong những năm gần đây vì người chuyển giới.
Dù vậy, rõ ràng là chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ trước vấn đề này. Xét cho cùng, một nền thể thao lớn - đó là nền tảng tài chính và vị thế lớn. Không thể đơn giản gạt người chuyển giới sang một bên, chẳng hạn như cấm họ biểu diễn. Nhưng để họ thi đấu với phụ nữ mà không bị cản trở vì “họ cảm thấy mình là phụ nữ” là sự hủy hoại trực tiếp môn thể thao của phụ nữ.
Cho đến nay vẫn chưa có những quy định rõ ràng. Nhưng mặt khác, cũng có một tài liệu được gọi là “Các nguyên tắc cơ bản của sự công bằng, hội nhập và không phân biệt đối xử dựa trên bản dạng giới tính và sự thay đổi giới tính”. Làm gì với những “nền tảng” này thì mỗi liên đoàn được tự do quyết định theo cách của mình.
Điều ngạc nhiên là không có bất kỳ hạn chế nào về sự tham gia của các VĐV chuyển giới trong các cuộc thi dành cho nam giới. Thực tế là người phụ nữ có thể chất (về sức mạnh, nội lực, tốc đô...) kém hơn trước một người đàn ông. Đây là một thực tế. Để so sánh, ví dụ đối chiếu các kỷ lục của phụ nữ trong điền kinh hoặc ở môn cử tạ với các kỷ lục tương tự của nam giới. Đối với hầu hết kỷ lục của phụ nữ sẽ có hàng trăm nam giới dễ dàng vượt qua. Như vậy không thể có bất kỳ sự bình đẳng nào ở đây cả.
Một thí dụ thú vị cụ thể về câu chuyện của hai nữ VĐV quần vợt người Mỹ là Serena và Venus Williams. Vào năm 1998, hai chị em đã từng thi đấu với một người đàn ông Đức 30 tuổi là Carsten Braasch, người ở thời điểm đó trên bảng xếp loại chỉ đứng ở vị trí 203. Mặc dù vậy, Carsten vẫn đánh bại Serena khi đó 16 tuổi với tỷ số 6:1 và thắng Venus 6:2.
Khi mọi chuyện kết thúc, chị em nhà William nói với báo giới rằng họ đã sẵn sàng thách đấu một lần nữa với một VĐV nam nhưng xếp loại “ngoài top 350”. Nhiều năm trôi qua, hai cô gái nhà Williams đã trở thành những VĐV quần vợt được đánh giá cao nhất trên thế giới. Đặc biệt, tại Wimbledon 2017, Serena Williams đã có được danh hiệu Grand Slam thứ 22 ở nội dung đơn. Tuy vậy, tay vợt nam lừng danh một thời John Mcenroe cho biết “Nếu Serena thi đấu ở giải nam, cô ấy sẽ đứng thứ 700 trong bảng xếp hạng…”.
Vậy sự công bằng là ở đâu khi các VĐV đã chuyển giới nhưng vẫn mang thể trạng sung lực của “phái mạnh” đi tranh tài với các nữ VĐV thực thụ thuộc “phái yếu”?