Tranh cãi xung quanh làn sóng phá hủy tượng đài lịch sử

Những cuộc biểu tình lan rộng trên khắp thế giới nhằm phản đối nạn phân biệt chủng tộc đang dần biến tướng. Trong những ngày qua, hàng loạt các tượng đài lịch sử trở thành mục tiêu tấn công của những người biểu tình khi họ cho rằng cần phải xóa bỏ di sản thuộc về những nhân vật lịch sử được xem là có liên quan tới phân biệt chủng tộc, chế độ nô lệ, chủ nghĩa da trắng thượng đẳng…

Theo Reuters, cảnh sát Australia đã bắt giữ hai người phụ nữ có liên quan tới hành động phá hoại tượng nhà thám hiểm nổi tiếng James Cook sáng 14-6. Thông báo của cảnh sát bang New South Wales cho biết, lực lượng này đã nhận được cảnh báo về hoạt động bôi vẽ lên tượng của nhà thám hiểm người Anh ở Công viên Hyde vào khoảng 4 giờ sáng giờ địa phương. Sau đó, cảnh sát đã có mặt tại hiện trường và bắt giữ hai người phụ nữ ở độ tuổi 20.

Không riêng New South Wales, cảnh sát ở bang Victoria cũng đang điều tra vụ phá hoại các bức tượng tạc hình hai cựu thủ tướng Australia tại một công viên ở thành phố Ballarat.

 Cảnh sát đứng bảo vệ bức tượng nhà thám hiểm nổi tiếng James Cook (Australia). Ảnh: Reuters.

Cảnh sát đứng bảo vệ bức tượng nhà thám hiểm nổi tiếng James Cook (Australia). Ảnh: Reuters.

Trong đó tại Anh, cảnh sát thành phố London đã phải tuyên bố áp đặt giới nghiêm, cấm tụ tập biểu tình tại trung tâm thủ đô từ 17 giờ ngày 13-6 để ngăn chặn xảy ra hỗn loạn giữa nhóm biểu tình thuộc phe cực hữu "muốn bảo vệ các tượng đài lịch sử" và nhóm biểu tình ủng hộ phong trào Black Lives Matter, trong đó có những đối tượng quá khích đòi dỡ bỏ tượng các nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Anh vì cho rằng những nhân vật này có tư tưởng phân biệt chủng tộc, hoặc tham gia buôn bán người nô lệ da đen. Chính quyền thành phố London đã phải cho quây che một số tượng đài có thể bị các đối tượng quá khích phá hỏng như tượng cố Thủ tướng lừng danh nước Anh Winston Churchill tại quảng trường đối diện tòa nhà Quốc hội, tượng những người phụ nữ trong Chiến tranh thế giới thứ hai tại Westminster, hay tượng Charles I tại Charing Cross, và Robert Clive tại Whitehall.

Cùng với làn sóng biểu tình chống phân biệt chủng tộc nổ ra tại nhiều nước trên thế giới sau vụ một người da màu tử vong khi bị cảnh sát Mỹ bắt giữ ở thành phố Minneapolis, thuộc bang Minnesota, gần đây liên tiếp xuất hiện nhiều vụ phá hủy hoặc bôi bẩn các tượng đài liên quan đến thời kỳ thực dân đô hộ ở nhiều nơi trên thế giới. Từng được đề cao là những người tiên phong, giờ đây nhiều nhân vật lịch sử được dựng tượng tôn vinh, góp phần tạo dựng thời hoàng kim của châu Âu như ông trùm khai mỏ Nam Phi Cecil Rhodes ở Anh, tượng Thuyền trưởng James Cook ở Australia, tượng nhà thám hiểm Christopher Columbus ở Mỹ hay tượng Vua Leopold II tại Bỉ... bỗng trở thành mục tiêu tấn công. Điều này đang gây tranh cãi với các ý kiến trái chiều khi một số người cho rằng những biểu tượng của chủ nghĩa thực dân hiện không còn phù hợp và cần bị xóa bỏ, trong khi số khác cho rằng đây là một phần lịch sử không thể chối bỏ.

Bà Siphiwe Laura Stewart-Đại diện của chiến dịch kêu gọi xóa bỏ tượng đài Cecil Rhodes ở Anh nhấn mạnh: “Các nhân vật lịch sử, bao gồm Vua Leopold II, Cecil Rhodes, đại diện cho một thời điểm trong lịch sử mà giờ không còn nhiều cộng đồng ủng hộ. Lịch sử đã thay đổi. Chúng tôi đang yêu cầu một biểu tượng công bằng cho lịch sử quốc tế mà đến nay nó vẫn còn giá trị và đại diện cho tất cả mọi người”.

Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng các bức tượng là minh chứng, là lời nhắc nhở của lịch sử và đây là những di sản cần bảo vệ. Phản ứng hành động của một số đối tượng quá khích vẽ sơn lên tượng cố Thủ tướng Winston Churchill, Thủ tướng Anh Boris Johnson gọi đây là "một hành động vô lý và đáng xấu hổ" đồng thời kêu gọi người dân không nên "bóp méo" lịch sử. “Đây thực sự là một điều đáng buồn khi bức tượng Thủ tướng Winston Churchill, một anh hùng dân tộc bị tấn công. Đối với tôi, đây là một quan niệm sai lầm và vô lý. Các cuộc tấn công này chỉ đại diện cho thiểu số và họ đang sử dụng làn sóng chống phân biệt chủng tộc toàn cầu như một cái cớ để tấn công cảnh sát, gây ra bạo lực và làm thiệt hại tài sản công”, Thủ tướng Boris Johnson nhấn mạnh.

Phân biệt chủng tộc là vấn đề nhức nhối đã tồn tại trong suốt chiều dài lịch sử của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, việc dỡ bỏ các tượng đài nhân vật lịch sử không giải quyết được gốc rễ vấn đề này. Thay vì phá bỏ các biểu tượng lịch sử, việc bảo vệ các di sản sẽ giúp những thế hệ mai sau có thể rút ra bài học từ lịch sử để tránh đi vào vết xe đổ.

HÙNG HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/tranh-cai-xung-quanh-lan-song-pha-huy-tuong-dai-lich-su-623036