Tranh chấp đất ở thị trấn Nông trường Phong Hải: Chưa tìm được tiếng nói chung

Cho rằng doanh nghiệp sử dụng đất rừng không hiệu quả, không đúng cam kết ban đầu, người dân đề nghị được giao lại cho dân canh tác. Trong khi đó, doanh nghiệp tố người dân cố tình xâm lấn đất đã được Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý, sử dụng.

Đây là bài toán được chính quyền thị trấn Nông trường Phong Hải (Bảo Thắng) nỗ lực giải quyết thời gian qua, nhưng đến nay vẫn chưa có lời giải bởi cả người dân và doanh nghiệp không tìm được tiếng nói chung.

Một số khu vực đất rừng ở Phong Hải mà Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại LCI đang quản lý, vẫn còn xảy ra tranh chấp với các hộ dân.

Một số khu vực đất rừng ở Phong Hải mà Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại LCI đang quản lý, vẫn còn xảy ra tranh chấp với các hộ dân.

Nguyên nhân của sự việc trên bắt đầu từ câu chuyện cách đây gần 5 năm, khi Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại LCI (Công ty LCI) thực hiện dự án trồng thử nghiệm cây cao su. Công ty được UBND tỉnh đồng ý cho thuê 183 ha đất tại khoảnh 1 và 2 thuộc tiểu khu 196, thị trấn Nông trường Phong Hải với thời hạn thuê đất 50 năm. Tuy nhiên, sau vài năm triển khai dự án, thị trường mủ cao su có nhiều biến động, giảm sức tiêu thụ, tỉnh có chủ trương không mở rộng diện tích trồng cao su.

hiều diện tích đất của Công ty LCI lẽ ra đến thời điểm này phải được phủ xanh cây cao su nhưng qua nhiều năm vẫn chỉ là đồi cây gỗ tạp không có giá trị kinh tế. Vì thế, năm 2019, công ty làm thủ tục xin đăng ký điều chỉnh mục tiêu, quy mô dự án từ trồng thuần cây cao su sang trồng cây bồ đề và cây quế trên diện tích đã được thuê nhằm phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất hàng hóa, tạo nguồn nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất tinh dầu quế.

Theo đó, trong dự án mới này, Công ty LCI sẽ trồng 70 ha cao su và 113 ha quế. Sau khi rà soát đất được giao để thực hiện dự án, công ty phát hiện nhiều diện tích bị xâm lấn. Cụ thể, trong đơn đề nghị giải quyết việc xâm lấn đất gửi UBND thị trấn Nông trường Phong Hải tháng 1/2020, Công ty LCI cho biết gia đình ông La Văn Lỷ và ông La Văn Đông ở thôn Tòng Già, thị trấn Nông trường Phong Hải có hành vi phát dọn và xâm lấn phần đất của công ty đang được giao quản lý, sử dụng. Công ty đã nhiều lần đề nghị các hộ trên chấm dứt hành vi xâm lấn đất đai nhưng người dân không chấp hành.

Cuối năm 2019, công ty cũng gửi đơn đề nghị tương tự khi phát hiện hộ ông Vũ Đức Thành, trú tại tổ 1, thị trấn Nông trường Phong Hải san gạt, đào ao trái phép trong diện tích rừng thuộc quyền sử dụng của công ty. Cán bộ công ty đã xuống nhà ông Thành làm việc, đề nghị chấm dứt các hoạt động xâm lấn, cải tạo trái phép nhưng ông Thành không chấp hành.

Trong khi đó, các hộ lại cho rằng Công ty LCI không thực hiện đúng cam kết khi được giao quản lý, sử dụng đất. Theo ông Vũ Đức Thành, đất do gia đình cải tạo làm ao tại đầu khe đồi chứ không xâm lấn vào phần đất của công ty và đã được đại diện Công ty lCI đồng ý với điều kiện phải làm đường vào để hai bên cùng sử dụng. Còn ông La Văn Lỷ và ông La Văn Đông thì bày tỏ nếu công ty trồng rừng không hiệu quả thì nhà nước có thể giao lại đất cho dân vì người dân địa phương thiếu đất sản xuất, trong khi doanh nghiệp được giao đất lại bỏ hoang nhiều năm.

Bức xúc với cách giải quyết của chính quyền và Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại LCI trong việc thu hồi đất của gia đình, ông Vũ Đức Hợi, ở tổ dân phố 1, thị trấn Nông trường Phong Hải cũng cho biết: Năm 1994, Nhà nước khoán cho gia đình tôi khoanh nuôi bảo vệ 15 ha rừng tự nhiên phòng hộ. Diện tích này được giao gia đình trồng thêm mỡ và cây trồng khác. Tuy nhiên, đến năm 2013, chính quyền bàn giao toàn bộ diện tích rừng cho Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại LCI nhưng không làm các thủ tục theo quy định mà chỉ thông báo bằng miệng. Hơn thế, ngay sau đó, Công ty LCI cho người đến chặt hạ cây và nói là phát quang để trồng cây cao su, nhưng đến nay vẫn chưa trồng và bây giờ lại định giao cho gia đình khác trồng quế. Không chỉ gia đình tôi mà trong xã còn một số hộ cũng lâm vào cảnh tương tự.

Tuy nhiên, khi trao đổi với phóng viên, ông Vũ Văn Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại LCI cho rằng: Công ty vẫn đang thực hiện dự án theo đúng tiến độ mà giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã ghi. Chính quyền bàn giao đất cho đơn vị đúng quy định. Toàn bộ diện tích đất cấp cho dự án đã được phân giới, cắm mốc, nhưng hiện nay một vài điểm vẫn bị các hộ xung quanh xâm lấn, canh tác. Công ty đã chỉ đạo cán bộ kỹ thuật, công nhân thường xuyên giám sát, kiểm tra nhưng do địa hình chia cắt, dàn trải, các hộ canh tác tiếp giáp với khu vực thực hiện dự án nên gặp khó khăn trong quản lý, bảo vệ. Ngoài ra, một số hộ còn cố tình lấn chiếm, tung tin không chính xác, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích chính đáng của doanh nghiệp. Mới đây nhất là vụ việc công ty tổ chức đốt dọn thực bì thì một tài khoản facebook tung tin công ty phá rừng…

Theo ông Lê Xuân Cương, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Phong Hải, chính quyền địa phương chưa có thống kê chính xác diện tích đang chồng chéo hoặc xâm lấn giữa người dân và doanh nghiệp bởi có những diện tích công ty và người dân đã thỏa thuận được với nhau, khi có vướng mắc mới lên chính quyền đề nghị giải quyết. Chính quyền địa phương cũng đã tuyên truyền cho người dân và doanh nghiệp thực hiện đúng quy định của pháp luật, đồng thời tiến hành hòa giải nhiều lần nhưng chưa đạt kết quả.

Ông Cương cũng thông tin thêm, hầu hết diện tích đất người dân và doanh nghiệp đang tranh chấp trước đây đã giao khoán cho người dân thực hiện, sau đó thu hồi để giao cho doanh nghiệp. Theo các hộ dân, nếu Công ty LCI trồng cao su theo đúng cam kết ban đầu thì không vướng mắc gì, nhưng chuyển sang trồng cây lâm nghiệp khác thì Nhà nước nên giao lại đất cho dân sản xuất như trước kia để phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. “Tuy nhiên, để chuyển đổi lại quyền sử dụng phải có trình tự, thống nhất chủ trương từ tỉnh” - ông Cương nói.

Huyện Bảo Thắng và cơ quan chức năng của tỉnh cần khẩn trương vào cuộc giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp trên để ổn định trật tự trên địa bàn và đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan.

Nhóm phóng viên thời sự

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/tranh-chap-dat-o-thi-tran-nong-truong-phong-hai-chua-tim-duoc-tieng-noi-chung-z3n20200327152212248.htm