Tránh giật cục khi điều hành xuất khẩu gạo
Theo nguồn tin của Báo Người Lao Động, ngày 21-4, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính khẩn trương triển khai các phần việc trong thẩm quyền để sớm gỡ khó cho hoạt động xuất khẩu gạo.
Theo đó, đoàn kiểm tra liên ngành do đại diện Bộ Công Thương làm trưởng đoàn đã làm việc với cơ quan hải quan và một số đơn vị hữu quan để nắm lượng gạo hàng hóa tại các cảng, phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo.
Theo cập nhật của Tổng cục Hải quan đến chiều 21-4, hơn 60.000 tấn gạo đã xuất khẩu trong tổng số gần 400.000 tấn đăng ký theo hạn ngạch tháng 4-2020. Các tờ khai đăng ký xuất khẩu gạo tháng 4 đều được các doanh nghiệp (DN) mở vào ngày 12-4, do đó nếu sau 15 ngày, các DN không có đủ số gạo ở cảng để làm thủ tục xuất khẩu, các tờ khai sẽ bị hủy bỏ theo quy định. Do đó, cuộc kiểm tra của đoàn kiểm tra liên ngành nêu trên sẽ làm rõ DN đã đăng ký mở tờ khai nhưng không gom đủ số lượng gạo để xuất khẩu, đồng thời thống kê các DN có lượng gạo tồn ở cảng nhưng không mở được tờ khai xuất khẩu vào tháng 4.
Cũng theo nguồn tin của phóng viên, dự kiến sáng 22-4, tại TP HCM, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh sẽ chủ trì buổi làm việc liên quan đến công tác điều hành xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh, hạn - mặn. Bộ Công Thương đã mời đại diện Văn phòng Chính phủ; các bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Công an; Ngân hàng Nhà nước; lãnh đạo UBND TP HCM và các tỉnh, TP thuộc khu vực ĐBSCL; lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam tham dự cuộc họp sẽ đánh giá nguồn cung, tình hình xuất khẩu gạo của các thương nhân, số lượng tồn kho của các thương nhân bao gồm cả lượng gạo đang ở các cảng chờ xuất khẩu.
Trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 21-4, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đề nghị có biện pháp cho thông quan ngay đối với các lô hàng gạo xuất khẩu của các DN đã được kê khai và đang nằm tại cảng trước ngày 24-3, khắc phục thiệt hại cho DN, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đang phải đối phó với dịch Covid-19. Sau khi giải quyết hết số lượng gạo tồn đọng này mà vẫn còn chỉ tiêu xuất khẩu thì mới mở tờ khai tiếp. Trong trường hợp tạm dừng xuất khẩu để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, cần có giải pháp tổng thể, hữu hiệu nhằm tránh gây thiệt hại đến lợi ích của người dân và DN.
Ngoài ra, trong bối cảnh dịch Covid-19, nhu cầu lương thực, thực phẩm thế giới tăng mạnh và một số quốc gia tăng dự trữ gạo, Ủy ban Kinh tế cho rằng các cơ quan điều hành xuất khẩu gạo cần phân tích, đánh giá, dự báo kỹ sản lượng gạo của Việt Nam trong năm 2020, nhất là hai vụ sản xuất lúa chính đông xuân và hè thu. Từ đó, tính toán lượng gạo dự trữ quốc gia cho phù hợp với tình hình dịch bệnh và đặc điểm thế mạnh về nông nghiệp của Việt Nam. Cơ quan này cũng nhấn mạnh cần sử dụng các biện pháp trong điều hành xuất khẩu gạo theo quy luật thị trường, có lộ trình hợp lý, công khai, minh bạch, tránh tình trạng manh mún, giật cục, gây thiệt hại, bị động cho nông dân và DN.
Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị xem xét, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực thi công vụ, tham mưu các quyết định có ảnh hưởng lớn đến DN và người dân nhưng đã không đánh giá kỹ tác động. Đồng thời, làm rõ việc Tổng cục Hải quan mở hệ thống tiếp nhận tờ khai lúc nửa đêm, có dấu hiệu tiêu cực, lợi ích nhóm hay không; đã tuân theo đúng quy định tại điều 18 Luật Quản lý ngoại thương hay chưa.