Tranh luận 'nảy lửa' về bổ sung cơ quan giám định cho Viện kiểm sát
Các đại biểu Quốc hội tranh luận 'nảy lửa' với nhiều quan điểm trái chiều xung quanh việc bổ sung quy định 'Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao'.
Thành lập mới sẽ phát sinh biên chế
Theo Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân (ĐBQH tỉnh Đắk Lắk), việc bổ sung thẩm quyền này cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) là không phù hợp. Bởi đây là lĩnh vực kỹ thuật chuyên biệt đòi hỏi chuyên môn cao, quá trình đào tạo kỹ thuật viên giám định đòi hỏi chuyên môn rất cao.
Bà Xuân cho biết, hiện nay Viện Kỹ thuật hình sự Bộ Công an, Phòng Kỹ thuật hình sự các tỉnh đã đáp ứng nhu cầu về giám định, đảm bảo tính kịp thời, nhanh chóng. Hơn nữa, tổng kết Luật Giám định không thấy nêu khó khăn của VKSNDTC trong việc trưng cầu giám định âm thanh, hình ảnh.
Dẫn quy định của pháp luật, bà Xuân cho hay, VKS là cơ quan chức năng thực hành quyền công tố, không quy định chức năng nhiệm vụ về giám định tư pháp. Nay bổ sung quy định này vào, liệu quy định chức năng này có xung đột với luật Viện KSND hay không? Hơn nữa, vừa thực hiện quyền công tố vừa thực hiện giám định thì có đảm bảo tính khách quan, công minh hay không? Chưa kể thành lập thì sẽ phát sinh biên chế, đầu tư trang thiết bị, kinh phí đào tạo...
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng (ĐBQH– Bình Dương) cũng cho rằng, bổ sung giám định cho VKSNDTC là không phù hợp. Nếu cho rằng quá tải sao không thành lập phòng giám định ở cơ quan cấp tỉnh. Thứ hai, có đại biểu cho rằng thời gian giám định âm thanh, hình ảnh, mất thời gian dài là không thỏa đáng. Lý do giám định kéo dài là do nhiều nguyên nhân. Bên cạnh đó, việc giao cho VKSNDTC giám định là chồng chéo chức năng nhiệm vụ.
Vụ nữ công an bỏ ma túy vào cốp xe, giám định cơ quan khác mới ra
Tranh luận lại với hai ý kiến trên, ông Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhấn mạnh, câu chuyện ở đây không phải là quá tải, mà là để tránh oan sai trong hoạt động điều tra, xét xử. Vì thế, việc bổ sung cơ quan giám định VKSNDTC là xuất phát từ yêu cầu này.
Dẫn lại các quy định trong Bộ Luật Tố tụng hình sự, ông Bộ đặt vấn đề, trường hợp VKS tiến hành một số hoạt động điều tra và thấy kết quả giám định âm thanh, hình ảnh được cơ quan Công an thực hiện có vấn đề, thì trong trường hợp đó, nếu giao lại cho công an giám định thì sẽ ra kết quả như thế nào?
Thực tiễn trong hoạt động tư pháp, ông Bộ cho biết, từng có câu chuyện lịch sử là vụ việc Tùng Dương ở Cầu Chương Dương, nhiều lần giám định của công an không ra. Chỉ đến khi giao giám định quân đội mới ra. “Việc bổ sung quy định cho VKSND Tối cao là để thực hiện yêu cầu cao nhất, chống oan sai, chứ không thể nói quá tải hay không quá tải”, ông Bộ nhấn mạnh.
Tranh luận lại Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu (Giám đốc Công an Nghệ An) cho biết: "Theo báo cáo của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an mà tôi có trong tay đây thì trong 8 năm từ năm 2012 đến giờ, chỉ có 60 vụ việc giám định về âm thanh, tiếng nói, trung bình một năm chỉ có 8 việc thội.
“Anh em ngoài đó ngồi chơi không có việc làm đâu. Cho nên, quan điểm của tôi là chúng ta thống nhất là thực hiện nghiêm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết 39, 18 về tinh gọn bộ máy, tổ chức, không thành lập cơ quan mới nếu không thực sự xuất phát từ yêu cầu cấp thiết của thực tiễn”, Tướng Cầu nói.
Không đồng tình với ông Cầu, đại biểu Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam) cho rằng bổ sung quy định này là cần thiết. "Thực tế vừa rồi xảy ra vụ nữ công an bỏ ma túy vào cốp xe. Lúc đầu cơ quan giám định của công an kết luận không có căn cứ, sau đưa sang một cơ quan giám định độc lập khác thì kết luận có căn cứ", đại biểu Nguyễn Quang Dũng nói.