Tranh luận ở Quốc hội

Ai muốn theo dõi không khí tranh luận trong một buổi chất vấn của Quốc hội Anh với Thủ tướng Theresa May có thể truy cập YouTube. Sẽ là khập khiễng nếu so sánh không khí đó với một buổi làm việc tương tự của Quốc hội Việt Nam và cũng sẽ không thực tế nếu xem tính chất tranh luận của Quốc hội Anh như là một hình mẫu cho các quốc hội vì mỗi quốc gia có những đặc thù.

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 14. Ảnh: quochoi.vn

Tuy nhiên, với sự chuẩn bị cho kỳ họp thứ ba của Quốc hội khóa 14 đang diễn ra, có thể thấy các nhà lập pháp Việt Nam đang hướng tới xây dựng một nghị trường ngày càng đáp ứng được sự mong đợi của cử tri qua việc tăng cường đối thoại, tranh luận giữa đại biểu và các thành viên của Chính phủ, kể cả Thủ tướng.

Trước hết, các phiên trả lời chất vấn trong các kỳ họp Quốc hội bao giờ cũng thu hút được sự quan tâm của cử tri, những người mong muốn theo dõi bộ máy điều hành Chính phủ hoạt động ra sao trong những vấn đề sát sườn với đời sống của họ. Vì vậy, kể từ kỳ họp này, thời gian dành cho chất vấn và trả lời chất vấn sẽ được tăng từ hai ngày rưỡi lên ba ngày.

Theo báo Đại biểu nhân dân, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã yêu cầu báo cáo của các thành viên Chính phủ đọc tại phiên chất vấn không được quá 15 phút nhằm dành thêm thời gian cho đối thoại về những vấn đề cử tri quan tâm được các đại biểu nêu ra. Đây là một nỗ lực nhằm giúp làm rõ thêm trách nhiệm của các bộ trưởng trong các lĩnh vực họ phải chịu trách nhiệm.

Theo thông lệ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đăng đàn trả lời chất vấn vào phiên họp Quốc hội cuối năm. Tuy nhiên, tại kỳ họp lần này, Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết dự định sẽ mời Thủ tướng trực tiếp trả lời sau phần trình bày của phó thủ tướng được ủy nhiệm.

Khoảng thời gian nêu trên cần được xem là “thời gian vàng” để Thủ tướng trao đổi một cách hết sức súc tích những điều tâm huyết nhất về các vấn đề Chính phủ phải chịu trách nhiệm. Đó còn là dịp để đối thoại về khó khăn trong điều hành mà Chính phủ phải đối đầu. Khoảng thời gian này cũng có thể trở thành lời kêu gọi đối với nhân dân cả nước cùng Chính phủ gỡ khó. Nên nhớ rằng mỗi lời Thủ tướng và các bộ trưởng của ông nói ra đều có thể được hàng triệu cử tri lắng nghe qua các kênh truyền hình trực tiếp phủ sóng cả Việt Nam. Đó là “thời gian vàng” trong các kỳ họp Quốc hội cần được chuẩn bị chu đáo và tận dụng nhằm tăng cường tính đối thoại trong hoạt động của Quốc hội.

Dĩ nhiên một “quốc hội tranh luận” trong các phiên chất vấn Chính phủ và tính chủ động của các đại biểu chỉ là một mặt của vấn đề. Quan trọng không kém, Quốc hội cần tăng cường chất lượng các hoạt động giám sát của mình nhằm giúp cho việc chất vấn rơi đúng vào các vấn đề trọng tâm.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/160409/tranh-luan-o-quoc-hoi.html/