Tranh nhau mua quần áo bỏ đi của người nổi tiếng

Nếu trước kia, chị em nhà Kardashians từng bị chỉ trích vì giàu có mà vẫn 'pass quần áo cũ', giờ khán giả lại thi nhau lùng mua các món thời trang mà người nổi tiếng rao bán lại.

Quần áo thể thao của Olivia Rodrigo. Giày thể thao Christian Dior mà Lily Allen từng diện. Áo khoác Harry Styles từng mặc.

Với văn hóa thần tượng, từ fan hâm mộ đến bất kỳ người tiêu dùng trẻ tuổi nào cũng muốn sở hữu những món đồ mà các ngôi sao đã diện qua, theo The Guardian. Và giờ, cơ hội mua quần áo trực tiếp từ người nổi tiếng đã trở thành cơn sốt mới, khi hàng loạt tên tuổi nổi tiếng hợp tác với các trang web bán quần áo cũ.

 Trang phục, phụ kiện mà chị em nhà Kardashians từng diện lên người là những món mà nhiều cô gái mong muốn có trong tủ đồ của mình. Ảnh: Glamour.

Trang phục, phụ kiện mà chị em nhà Kardashians từng diện lên người là những món mà nhiều cô gái mong muốn có trong tủ đồ của mình. Ảnh: Glamour.

Người nổi tiếng cũng có nhu cầu "pass" đồ

Stylist Harry Lambert, người làm việc cùng Harry Styles và diễn viên Emma Corrin, đã tự ra mắt cửa hàng cá nhân đầu tiên của mình trên trang web Depop vào tuần trước.

Các món đồ trong tủ quần áo của Lambert được chào bán bao gồm chiếc túi tote màu vàng Prada (1.000 bảng Anh), áo hoodie đen (140 bảng Anh) từ thương hiệu thời trang street wear Liam Hodges và một chiếc áo phông đặt làm riêng (90 bảng Anh) được làm cho nam diễn viên Alexander Skarsgård để chụp hình cho buổi chụp tạp chí.

Trong vòng vài giờ, các mặt hàng đã bán hết sạch.

"Món đồ đầu tiên có người mua là chiếc áo Harry Styles từng diện trên bìa tạp chí Beauty Papers. Đó là một tạp chí được xuất bản định kỳ 6 tháng/lần, vì vậy các món đồ xuất hiện trên trang bìa đều được chọn lọc kỹ càng và có phong cách độc đáo. Tôi không ngạc nhiên khi chiếc áo được săn đón nhiệt tình”, Lambert nói.

Trong cùng tuần, trang web chuyên bán quần áo second hand của Mỹ, ThredUp, công bố đang kết hợp với nữ diễn viên Priah Ferguson từ loạt phim Stranger Things. Mục đích chính của nền tảng này là thúc đẩy Gen Z ngừng mua sắm thời trang nhanh bằng cách cung cấp một "đường dây nóng", nơi người dùng sẽ nghe lời khuyên trực tiếp từ Ferguson về cách đưa ra những lựa chọn sắm sửa thông minh hơn. Người trẻ cũng có thể mua sắm quần áo cũ, có qua chọn lọc của nữ diễn viên.

 Quần áo second hand phổ biến trong xu hướng mua sắm của Gen Z. Ảnh: BI.

Quần áo second hand phổ biến trong xu hướng mua sắm của Gen Z. Ảnh: BI.

Sự hợp tác của người nổi tiếng với các thương hiệu đã quá quen thuộc, nhưng xu hướng mới nhất này đánh dấu sự thay đổi đáng chú ý trong các loại quan hệ đối tác mà các ngôi sao sẵn sàng quảng bá. Minh chứng rõ nhất là các ngôi sao hạng A cũng đang nhanh chóng bắt đầu kết hợp với thị trường bán lại.

Alex Goat, Giám đốc điều hành của nền tảng chuyên về văn hóa thanh, thiếu niên Livity, cho biết: “Người nổi tiếng có thể thấy phản ứng dữ dội của công chúng đối với thời trang nhanh, vì vậy họ muốn hòa mình vào 'làn sóng thủy triều' về nơi mà thế hệ người tiêu dùng tiếp theo muốn dành thời gian và tiền bạc của họ”.

“Theo một cách nào đó, nó là sự quay vòng của thời trang. Những người nổi tiếng có người theo dõi theo cách riêng của mình nhưng họ cũng đang có được nhiều ảnh hưởng hơn khi ở trên các nền tảng bán lại quần áo cũ này", Goat phân tích.

Người trẻ hưởng lợi

Đối với những người mua sắm trẻ tuổi, sự kết hợp giữa người nổi tiếng và các bên bán đồ second hand đem lại sự hưng phấn, cảm giác chiến thắng khi "săn" thành công món đồ nào đó.

Tiến sĩ Carolyn Mair, nhà tâm lý học hành vi, giải thích: “Nó giống như việc bạn sưu tầm các mẫu quần áo mà thần tượng đã mặc. Nhưng việc này có ý nghĩa hơn khi người nổi tiếng đã trực tiếp diện chúng lên người".

 Nhà tạo mẫu của Harry Styles, Harry Lambert, đã ra mắt cửa hàng cá nhân của mình trên Depop vào tuần trước. Ảnh: The Guardian.

Nhà tạo mẫu của Harry Styles, Harry Lambert, đã ra mắt cửa hàng cá nhân của mình trên Depop vào tuần trước. Ảnh: The Guardian.

Vào năm 2019, khi gia đình Kardashians ra mắt Kardashian Kloset, một không gian trực tuyến dành riêng để bán quần áo cũ của họ, họ ngay lập tức bị chỉ trích là "tham lam" vì đã giàu có mà vẫn "pass" lại đồ, thay vì cho đi từ thiện.

Chỉ hai năm sau, các chỉ trích không còn xuất hiện nữa.

Goat lý giải điều này là bởi người nổi tiếng giờ cũng giống như những người dùng của chính trang web mua, bán các mặt hàng.

Ngoài ra, không phải tất cả người nổi tiếng đều chọn kiếm lợi nhuận từ việc bán đồ đã qua sử dụng của họ.

Lambert quyết định tặng tất cả số tiền bán Depop của mình cho một tổ chức từ thiện của giới LGBT. Các "cộng tác viên" trước đây, bao gồm ca sĩ Olivia Rodrigo và Charli XCX , cũng đã dành toàn bộ lợi nhuận cho tổ chức từ thiện.

Goat nói thêm rằng xu hướng này hấp dẫn "cảm giác dùng đồ thật" của Gen Z.

Olivia Courtney, một thực tập sinh marketing 19 tuổi đến từ Newcastle, theo dõi Lambert trên mạng xã hội vì biết anh là stylist của Harry Styles. Ngay sau khi cửa hàng của Lambert đi vào hoạt động, cô đã mua một chiếc túi tote trị giá 15 bảng Anh từ thương hiệu thời trang chính thức của Styles.

“Thật tuyệt khi nói rằng tôi đã mua một thứ gì đó từ Harry Lambert. Tôi hỏi anh ấy có thể viết cho tôi một tin nhắn nhỏ trong đó không. Biết rằng anh ấy làm việc với Harry Styles làm cho chiếc túi đặc biệt hơn bằng cách nào đó".

Hiền Thy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tranh-nhau-mua-quan-ao-bo-di-cua-nguoi-noi-tieng-post1350169.html