Tránh tồn kho cao và gây áp lực tiêu thụ

Nhu cầu mua sắm giảm mạnh sau Tết Nguyên đán, cộng với ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2020 tăng thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây.

Xu hướng giảm

Chia sẻ tại phiên họp thường kỳ Tổ Điều hành thị trường trong nước tháng 2/2020 diễn ra mới đây, đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - thông tin: Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến cung-cầu, giá cả của nhiều hàng hóa trên thế giới, khiến các loại hàng hóa thiết yếu có xu hướng giảm.

Trong nước, hoạt động thương mại bị trì trệ do tâm lý e ngại của người dân trước diễn biến bệnh lây lan mạnh tại các quốc gia lân cận. Nhu cầu hàng hóa chỉ tập trung cao vào mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch như khẩu trang, nước sát khuẩn, thuốc phòng, chữa bệnh.

Nhu cầu hàng hóa chỉ tập trung cao vào một số mặt hàng như khẩu trang, nước sát khuẩn

Nhu cầu hàng hóa chỉ tập trung cao vào một số mặt hàng như khẩu trang, nước sát khuẩn

Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tháng 2/2020 đạt 414.073 tỷ đồng, giảm 7,94% so với tháng trước. Trong cơ cấu ngành hàng, nhóm du lịch, dịch vụ giảm mạnh nhất với 13-20,97%; tiếp đến là nhóm lương thực, thực phẩm, hàng may mặc giảm từ 9,57 – 12,88%; các nhóm còn lại giảm từ 7,88 – 8,36%. Như vậy, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa 2 tháng đầu năm đạt 863.857 tỷ đồng, tăng 8,33% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng thấp nhất của 2 tháng đầu năm so với nhiều năm trở lại đây.

Liên quan đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), đại diện Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - cho hay, tháng 2 năm 2020 chỉ số CPI giảm so với tháng trước và tăng so với tháng 12/2019 và cùng kỳ năm trước. Bên cạnh nguyên nhân dịch Covid-19 hay tiêu dùng sau Tết giảm, đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng, giá xăng dầu, gas giảm cũng tác động đến giảm CPI.

Đánh giá chính xác cung - cầu thị trường

Một vấn đề được nhiều đại biểu đưa ra tại cuộc họp là giá các mặt hàng vật tư y tế trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động mạnh đến thị trường thời gian vừa qua. Về vấn đề này, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, cần phải tính toán và kiến nghị Bộ Y tế đưa mặt hàng khẩu trang và thuốc sát trùng, khử trùng vào Chương trình bình ổn giá tại các địa phương.

Cùng với vật tư y tế, vấn đề giá thịt lợn cần tiếp tục được đẩy mạnh. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành cần kiểm soát nguồn cung, giá cả thị trường. Thực hiện theo chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ tại Thông báo số 35/TB-VPCP, kiên quyết thực hiện đồng bộ các giải pháp để đưa mặt bằng giá thịt lợn xuống mức hợp lý và dần xuống mức bình thường như trước khi có dịch trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc của thị trường và quy định của pháp luật

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, tác động đến cung-cầu, giá cả hàng hóa trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - đề nghị, các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp đánh giá chính xác về cung-cầu thị trường và đưa ra đề xuất, kiến nghị, nhằm bình ổn thị trường. Bên cạnh đó, hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch kinh doanh phù hợp, tránh tồn kho cao và gây áp lực tiêu thụ đối với thị trường trong nước.

Nhằm đảm bảo cung-cầu, tới đây Bộ Công Thương sẽ tăng cường xúc tiến thương mại, khuyến khích xuất khẩu. Đồng thời, triển khai đồng bộ, hiệu quả Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Thanh Hà

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tranh-ton-kho-cao-va-gay-ap-luc-tieu-thu-133376.html