'Trao cần câu' giúp thoát nghèo

Cuối năm 2023, thị trấn Nhã Nam (Tân Yên) còn 58 hộ nghèo (tương đương 2,24%). Quyết tâm giảm 28 hộ nghèo trong năm nay, địa phương đã triển khai hàng loạt giải pháp giúp người nghèo tăng thu nhập.

Hỗ trợ “cần câu” từ nguồn vốn ưu đãi

Căn nhà của bà Đào Thị Minh (SN 1962) ở tổ dân phố Chùa Nguộn không còn tuềnh toàng như xưa, nay đã có một số vật dụng sinh hoạt như ti vi, tủ lạnh, nồi cơm điện, bếp ga, bộ bàn ghế... Chồng bà mất sớm, người con trai gần 30 tuổi bị tai biến không làm được việc nặng, suốt ngày chỉ quanh quẩn ở nhà. Mấy năm trước, bà Minh phải mổ tuyến giáp và ruột thừa, sức khỏe giảm sút khiến gia cảnh thêm khó khăn, cứ thiếu trước hụt sau tưởng chừng không thể gượng dậy. Được xã quan tâm xem xét, tạo điều kiện, bà được vay 65 triệu đồng vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

 Nhờ vay vốn ưu đãi, bà Đào Thị Minh (bên trái) đã có cuộc sống khá hơn.

Nhờ vay vốn ưu đãi, bà Đào Thị Minh (bên trái) đã có cuộc sống khá hơn.

Có tiền, bà Minh dành một phần sửa ngôi nhà để có chỗ ở an toàn, phần còn lại bà xoay xở, mua con bò cái để chăn thả ngoài đồng. Vườn rộng, bà nuôi thả vài chục con gà đẻ, gà thịt. Quanh vườn bà trồng thêm chuối để lấy thức ăn cho bò; trồng rau xanh cung cấp cho bữa ăn và bán. Chỉ tay ra ngoài sân phơi đầy thóc vừa thu hoạch, bà bảo gia đình cấy 5 sào lúa, chỗ thóc này đủ cho hai mẹ con ăn đến vụ lúa mới. Theo bà Minh thì nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội giúp gia đình có tiền mua con giống. Vốn vay có lãi suất thấp, nợ được chia nhỏ, trả phân kỳ hằng tháng nên gia đình yên tâm sản xuất, giờ đây cuộc sống đã khá hơn.

Với phương châm “Trao cần câu, không trao con cá”, nguồn vốn tín dụng chính sách đã thực sự trở thành “cần câu” tiếp sức cho người nghèo ở thị trấn Nhã Nam, trao cơ hội cho nhiều gia đình thoát khỏi khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế. Theo thống kê, ba năm qua, thị trấn có 134 hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ 10,34 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, nhiều hộ đã sử dụng để mua giống chăn nuôi, tăng gia sản xuất, qua đó có 43 hộ thoát nghèo.

An cư lạc nghiệp

Khi có ngôi nhà mới để ở sẽ tạo động lực cho người nghèo phấn đấu vươn lên. Qua rà soát, năm 2024, thị trấn Nhã Nam còn 11 hộ sinh sống trong ngôi nhà xuống cấp, không có điều kiện để sửa chữa, xây mới. Bà Trần Thị Cương (SN 1953) ở tổ dân phố Bãi Ban là hộ cận nghèo, sống một mình trong căn nhà dột nát. Đầu năm nay, bà được MTTQ huyện, thị trấn và Hội Cựu chiến binh hỗ trợ tổng cộng 42 triệu đồng, cùng với anh em họ hàng hỗ trợ, bà xây ngôi nhà mới. Có căn nhà kiên cố, bà đã vươn lên thoát nghèo.

 Bà Ngô Thị Tới được hỗ trợ 30 triệu đồng xây dựng nhà.

Bà Ngô Thị Tới được hỗ trợ 30 triệu đồng xây dựng nhà.

Tương tự, gia đình ông Đỗ Văn Sơn (SN 1966) ở tổ dân phố chùa Nguộn thuộc diện khó khăn, bản thân ông thường xuyên ốm đau. Căn nhà cấp 4 của gia đình đã xuống cấp, không bảo đảm an toàn, nhất là mỗi khi mưa to gió lớn. Thấy hoàn cảnh như vậy, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội thị trấn đã vận động, kêu gọi các nhà hảo tâm cùng với nguồn hỗ trợ của các đoàn thể giúp gia đình ông 30 triệu đồng. Số tiền còn lại gia đình ông vay mượn, họ hàng giúp đỡ để hoàn thiện được ngôi nhà mới xây bằng tường gạch, mái tôn, có trần chống nóng.

Bà Ngô Thị Tới (SN 1960) ở tổ dân phố Tân Hòa cũng được Ủy ban MTTQ và Hội LHPN huyện Tân Yên hỗ trợ 30 triệu đồng. Gia đình đã vay thêm anh, em, họ hàng để xây dựng ngôi nhà một tầng, diện tích 100 m2 khang trang. Có nhà mới, được động viên, gia đình nỗ lực vượt qua khó khăn và tích cực tăng gia sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Ngoài ra, hai năm qua, 20 hộ nghèo, cận nghèo ở 15 tổ dân phố được hỗ trợ mỗi hộ một con bò sinh sản từ chương trình “Ngân hàng bò” do Quỹ Thiện Tâm tài trợ.

Qua rà soát cho thấy đa phần hộ nghèo, cận nghèo là do già yếu, sống đơn thân, không có khả năng lao động hoặc gia đình có người ốm đau, bị bệnh hiểm nghèo. Ông Nguyễn Ánh Dương, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nhã Nam cho biết: Chăm lo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn là nhiệm vụ trọng tâm được địa phương triển khai thực hiện thường xuyên. Tất cả các hoạt động nhằm hướng đến mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau, giúp người dân ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Thời gian tới, thị trấn tiếp tục vận động từ nhiều nguồn để có kinh phí hỗ trợ người nghèo. Cùng đó nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cán bộ làm công tác giảm nghèo trong quá trình hỗ trợ, hướng dẫn hộ nghèo cách “câu cá” .

Bài, ảnh: Thu Phong

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/trao-can-cau-giup-thoat-ngheo-083357.bbg