Trao đổi học thuật chủ đề 'Phật giáo Champa qua bộ sưu tập điêu khắc Đồng Dương'

Ngày 20/9, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cho biết vừa tổ chức chương trình trao đổi học thuật với chủ đề 'Phật giáo Champa qua bộ sưu tập điêu khắc Đồng Dương'.

Khoảng 100 giảng viên, sinh viên của Khoa Lịch sử, Khoa Ngữ văn (Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng), Khoa Du lịch (Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng), Khoa Du lịch (Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng) tham dự chương trình.

Đây là buổi học thuật thứ 2 trong chuỗi các hoạt động thuộc chương trình giáo dục bảo tàng với chủ đề "Tìm hiểu nghệ thuật tôn giáo Champa" dành cho sinh viên chuyên ngành lịch sử, văn hóa, kiến trúc, du lịch trên địa bàn thành phố năm 2023.

Giám đốc Bảo tàng Chăm Đà Nẵng Hồ Tấn Tuấn phát biểu tại chương trình trao đổi học thuật với chủ đề “Phật giáo Champa qua bộ sưu tập điêu khắc Đồng Dương”.

Giám đốc Bảo tàng Chăm Đà Nẵng Hồ Tấn Tuấn phát biểu tại chương trình trao đổi học thuật với chủ đề “Phật giáo Champa qua bộ sưu tập điêu khắc Đồng Dương”.

Trong buổi trao đổi học thuật "Phật giáo Champa qua bộ sưu tập điêu khắc Đồng Dương" tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, sinh viên các trường đại học nói trên được tìm hiểu về lịch sử, những đặc trưng của nền nghệ thuật tôn giáo độc đáo của vương quốc Champa cổ đại thông qua bộ sưu tập điêu khắc được tìm thấy tại di tích Đồng Dương thuộc huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, nơi từng được xem là trung tâm Phật giáo quan trọng nhất của vương quốc Champa.

Đặc biệt, dịp này Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng mở kho đặc biệt – nơi lưu giữ 2 bảo vật quốc gia là Bồ Tát Tara và Ganesha để khách tham quan và sinh viên xem trực tiếp 2 hiện vật gốc.

Bà Nguyễn Hoàng Hương Duyên, Di sản viên, Phòng Giáo dục - Truyền thông, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, hiện là Nghiên cứu sinh chuyên ngành Lịch sử nghệ thuật và Khảo cổ, trường SOAS, Đại học Luân Đôn (Anh) chia sẻ thông tin tại chương trình.

Bà Nguyễn Hoàng Hương Duyên, Di sản viên, Phòng Giáo dục - Truyền thông, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, hiện là Nghiên cứu sinh chuyên ngành Lịch sử nghệ thuật và Khảo cổ, trường SOAS, Đại học Luân Đôn (Anh) chia sẻ thông tin tại chương trình.

Được biết, trong năm 2023, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng xây dựng hai chuyên đề giáo dục di sản dành cho đối tượng sinh viên chuyên ngành lịch sử, văn hóa, kiến trúc và du lịch. Chương trình cũng là hoạt động cụ thể để triển khai các chỉ đạo của Chính phủ về tăng cường công tác giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên thông qua di sản văn hóa; đẩy mạnh các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Theo Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, nghệ thuật Phật giáo Đồng Dương là phong cách nghệ thuật nổi bật của Champa vào cuối thế kỷ IX – đầu thế kỷ X, đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu trong lĩnh vực.

Vào tháng 9 năm 1902, viện Viễn Đông Bác Cổ của Pháp đã tiến hành khai quật di tích Đồng Dương (thuộc xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam ngày nay), nơi được xem là trung tâm Phật giáo quan trọng nhất của vương quốc Champa.

Một số tác phẩm thu thập từ đợt khai quật hiện đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, trong đó có hai hiện vật đã được công nhận là bảo vật quốc gia. Bộ sưu tập điêu khắc Đồng Dương là minh chứng cho giai đoạn phát triển rực rỡ của Phật giáo Champa.

Đ.Hoàng

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/trao-doi-hoc-thuat-chu-de-phat-giao-champa-qua-bo-suu-tap-dieu-khac-dong-duong-20230920102113403.htm